CHƯƠNG VIII
Tôi đã về nhà được ba ngày.
Ban đầu, khi đặt chân vào nhà, trong tôi là cảm giác vui mừng, pha lẫn chút hồi hộp.
Dù gì tôi cũng được gặp lại những người thân sau nhiều năm xa cách.
Tôi giờ đã không còn là thiếu nữ thuần khiết, trong sáng, ngây thơ thủa nào. Thế nhưng về tới đây, lòng tôi không nén được lại dồn dập những cảm giác cũ.
Vậy mà, vừa mới đặt chân vào nhà, tôi đã hứng trọn một cái gạt tàn bay thẳng vào trán.
Máu rơi xuống, lăn trên sống mũi, lăn cả xuống bờ môi tôi.
Trong lúc tôi vẫn còn đang ngây ngô chưa hiểu rõ sự tình, thì đầu lại lĩnh trọn một cái đèn pin.
Tôi khụy xuống, mặt mày xây xẩm.
Lúc ấy, tôi mới nghe loáng thoáng tiếng chửi rủa vây bọc bên cạnh.
“Mày còn về đây làm gì? Về để hành hạ tao đúng không, để bắt tao lại tiếp tục nuôi báo cô mày đúng không? Thật nhục nhã. Một đứa con gái đã bị gả đi, giờ lại bị nhà chồng trả về. Còn gì ô uế hơn thế nữa? Mày nói, ra đường tao phải nhìn người ta như thế nào?”
Thì ra thế. Tôi đã dần hiểu.
Là ba tôi đang la hét, đang ném đồ đạc lung tung.
Tôi hiểu. Ông sợ mất danh dự.
Nhưng ông thì làm quái gì có cái thứ hay ho đó?
Còn tôi, tôi đã được gả đi, rồi bị nhà chồng trả lại?
Nói nghe phong lưu quá. Chẳng phải đơn giản là tôi được bán đi rồi giờ bị người ta đuổi về thôi sao?
Ít ra, người ta cũng không đòi lại tiền. Còn muốn gì nữa?
Lúc ấy, chẳng hiểu sao tôi không khóc.
Mà lại muốn cười.
Tôi cười thật. Rất lạ lùng, tôi không điều khiển được khóe miệng khỏi cong lên. Nụ cười mơ hồ, nhạt thếch.
Ba nhào tới, nắm lấy tóc tôi, giật mạnh.
“Con tiện nữ, mày vẫn còn cười được à? Mày đúng là loại đàn bà vô liêm sỉ. Sao mày không chết đi, còn vác cái mặt chó của mày về đây làm gì?”
Ông la hét, lạc cả giọng. Những nắm đấm, cái đá liên tục giáng xuống người tôi.
Tôi không phản kháng, cũng không chống cự, mặc nhiên để ba đánh. Chết đi cũng được, có khi lại bớt khổ hơn, có khi lại là sự giải thoát, như nhiều năm trước tôi đã nghĩ.
Tôi lịm dần đi, chỉ còn nghe thấy tiếng chửi bới, van xin văng vẳng bên tai.
Hình như có ai đó đã đến che cho tôi.
----------
Tôi cựa mình, toàn thân đau nhức.
Mắt tôi nặng trĩu, không mở ra được. Nhưng bên tai nghe như có tiếng khóc, có tiếng than thở.
Có bàn tay ai đó đang nắm lấy tay tôi. Rất ấm áp, rất dịu dàng, mặc dù hơi gân guốc.
Bàn tay quen quá.
Tôi cố gượng hé đôi mi ra. Hình bóng lờ mờ hiện lên trước mặt, nhạt nhòa rồi rõ nét dần.
Trong một khoảnh khắc, tôi đã mong người đó là Lạc Đình Phong.
Nhưng không phải anh. Tôi cười thầm suy nghĩ hoang tưởng của mình. Anh làm sao có thể ở đây được.
Là mẹ.
Mẹ đang khóc, nước mắt rơi rớt, nhòa cả khuôn mặt.
Nhìn thấy tôi tỉnh lại, đôi mắt bà ánh lên nét vui mừng không che giấu.
”Ơn trời, ơn trời... Tiểu Đào Đào của mẹ, con cuối cùng cũng tỉnh lại rồi... Tiểu Đào Đào...”
Mẹ cứ thế đưa tay lên vuốt má tôi, cứ thế mà khóc.
Tôi vẫn như còn đang chìm trong giấc chiêm bao.
Mẹ? Là mẹ tôi thật sao?
Giống như một điều kì diệu. Tôi đã được gặp lại mẹ. Người duy nhất trên đời này có lẽ vẫn còn yêu thương tôi. Tôi muốn nói, nhưng họng nghẹn đắng lại, không thể thốt thành lời.
Mẹ tôi vẫn cứ khóc. Nước mắt hòa lẫn cả niềm vui và nỗi đau.
Thật lâu sau, tôi mới hổn hển gọi được một tiếng ”Mẹ...”
”Tiểu Đào Đào... Tiểu Đào Đào bé nhỏ của mẹ...”
Mẹ ôm ghì lấy tôi, khóc nấc thành tiếng.
”Mẹ ơi...” Tôi cũng khóc, tiếng gọi thống thiết, như tuôn ra hết những uất ức, tủi hận, đau đớn bao lâu qua ứ nghẹn, bao lâu qua kìm nén trong lòng.
”Mẹ...”
Tôi gắng hết sức để hét lên, giọng lạc cả đi. Chẳng hiểu sao tôi chỉ gọi được một tiếng ấy.
”Mẹ ơi...”
Âm vang trách móc lại hòa tan trong tiếng ai oán của tôi.
”Tiểu Đào Đào đáng thương của mẹ... Con phải chịu khổ nhiều rồi, phải ấm ức nhiều rồi. Mẹ xin lỗi...”
Nghe được câu xin lỗi, tôi bỗng chốc như thoát khỏi sự kiên cường, cam chịu bấy lâu. Tôi khóc òa lên trong vòng tay mẹ như đứa trẻ. Thì ra, sau ngần ấy năm, chỉ khi ở bên mẹ, tôi mới có cảm giác bình an nhất.
”Mẹ... con không hiểu nữa... con đã làm gì... làm gì mà để con thành ra thế này? Mọi điều con làm đều sai, con biết, nhưng rốt cuộc con có làm điều gì đâu? Con phải thế nào mới yên ổn được?... Mẹ ơi...”
Tôi nấc lên từng tiếng, nước mắt ướt nhèm, lem luốc cả gương mặt.
”Mẹ biết, mẹ biết...” Mẹ vẫn ôm ghì lấy tôi nức nở ”Tiểu Đào Đào ngoan, mọi chuyện qua rồi, con lại về bên mẹ rồi... Từ giờ mẹ con mình sẽ mãi sống bên nhau... Mẹ không để ai mang con đi nữa...”
Tôi thoáng chạnh lòng. Không để ai mang con đi nữa... không để ai mang con đi nữa...
Được, tôi cũng không cần gì nữa, ngoài mẹ.
Quả đúng là, chỉ khi sống trên cành lá đã sinh ra mình, hoa mới có thể yên ấm.
Một khi đã rơi rụng, một khi để một cơn gió phong tình nào đó cuốn đi, nhất định sẽ khổ trọn kiếp.
Tôi nhắm mắt, nhớ lại nụ cười bất cần, ánh mắt ngạo nghễ của Lạc Đình Phong...
Từ giờ tôi quên anh.
Cứ thế, tôi thiếp đi trong vòng tay mẹ.
----------
Sau hôm đó, ba không còn đánh tôi nữa.
Ít ra, từ nhỏ đến lớn, ông cũng chưa bao giờ đánh mẹ. Hôm đó, lúc mẹ chạy ra can ngăn, ông cũng đã dừng tay.
Dù sao ba tôi vẫn còn chút tình.
Mặc dù ông vẫn nhìn tôi bằng ánh mắt chán chường, khinh bỉ.
Mẹ bảo hôm đó ông chỉ nhất thời nóng nảy. Tôi cười buồn. Tôi quen bị người ta đối xử tàn tệ rồi, tôi cũng chẳng bận tâm.
Gia đình tôi cũng không phải thuộc tầng lớp nghèo khó, dù cũng chẳng được giàu có như ai. Nhờ vậy, cuộc sống cứ êm đềm trôi qua.
Tôi vẫn thơ thẩn quanh nhà, không ra ngoài, chỉ phụ mẹ việc nhà, bếp núc. Cả đời tôi có lẽ chỉ gắn với những công việc ấy. Ở đây cũng vậy, ở căn nhà đó cũng thế.
Sau vườn nhà tôi cũng có một cây hoa đào. Mẹ nói trồng nó để đón tuổi thiếu nữ của tôi, mong tôi sẽ trở thành một cô gái dịu dàng, trong sáng như cánh hoa, mong tôi sẽ gặp được một chàng trai tốt.
Bao nhiêu lâu rồi, bao nhiêu cánh hoa đã rơi? Tôi về độ đó đúng cuối xuân. Hoa đào rụng lả tả, lả tả, vương đầy trên đất, vấy bụi. Chỉ để lại những cành khô trơ trọi.
Những khi không bận giúp việc cho mẹ, tôi thích ra gốc đào đón nắng, hứng sương. Ngoài những lúc đó ra, tôi nhốt mình trong phòng.
Mẹ bảo làm thế không tốt cho sức khỏe. Thi thoảng con cũng phải ra ngoài hưởng gió, đổi gió.
Tôi cười bâng quơ, xem lời mẹ như gió thoảng bên tai.
“Mẹ... con không làm đâu.”
“Sao thế?”
“Con ghét gió”
Mẹ tôi ngạc nhiên về sở ghét quái lạ của con mình. Nhưng bà cũng chẳng buồn tìm hiểu nhiều, nên chuyện đó cũng trôi dần vào quên lãng.
----------
Mấy mùa hạ, thu, đông cứ thế thay nhau luân hồi biến đổi.
Đúng là chẳng có gì thoát khỏi quy luật. Thiên nhiên vạn vật cũng chỉ là một vòng tuần hoàn lặp đi lặp lại trong đời người như vậy.
Chẳng mấy chốc, mùa đông qua, mùa xuân lại về.
Hoa đào chớm nở, rồi đua nhau bung cánh khoe sắc.
Tôi không ra gốc đào ngắm hoa như ngày trước, chỉ ngồi lặng trong phòng trông theo.
Tôi ghét ra ngoài đó, ghét cái cảm giác gió tạt vào người.
Tôi cũng không rõ vì sao mình lại thế, chỉ biết là, cứ mỗi lần nhớ lại, trong lòng lại dấy lên cảm giác nhớ nhung mơ hồ, vừa yêu, vừa oán, cái cảm giác mà tôi không bao giờ muốn có.
Mùa xuân, chim hót líu lo, hoa đào khoe sắc. Khí trời trong lành, mưa bụi gieo gieo.
”Hoa đào theo gió bay miên man
Lạc về chốn mộng
Hoa đào nhuộm đỏ cả trời xanh biếc
Ai nhớ... ai quên... ai mãi đợi chờ...”
Thật tình cờ, Trình Thiếu Vĩ mang bản tình ca trở về cùng mùa hoa đào nở rộ.
CHƯƠNG IX
“Con chào bác.”
“A, là Thiếu Vĩ. Trình Thiếu Vĩ, đúng không con?”
Mẹ tôi cười niềm nở, mở cửa mời anh vào.
“Lâu lắm rồi mới gặp con đấy nhỉ? Con về lúc nào thế?”
“Mới hôm qua thôi bác ạ. Về hôm qua, hôm nay con tới chào gia đình luôn. Anh Đào có nhà không bác?”
Anh vừa hỏi, vừa cười. Vẫn đôi mắt sáng hơn màu lá, nhạt hơn màu hoa và nụ cười phong nhã.
Tôi nghe tim mình đau nhói.
Tại sao đến bây giờ anh mới trở về?
“Anh Đào nó ở trong. Con vào ngồi chơi đi, để bác gọi nó.”
“Vâng, con cảm ơn bác.”
Thiếu Vĩ theo mẹ tôi vào. Những bước đi vẫn điềm đạm như lãng tử.
Tôi vội vàng chạy tới giường, chui vào trong chăn.
Sao mẹ lại nói thế... Sao không bảo tôi không ở nhà... Tôi thành ra thế này, còn mặt mũi nào đối diện với anh...
“Tiểu Đào Đào, Tiểu Đào Đào” Mẹ vào phòng, vui vẻ chạy tới giường gọi tôi.
“Dậy đi con. Con biết ai tới nhà không? Là Trình Thiếu Vĩ. Là cái cậu sáng sủa, lễ phép ngày xưa hay đón con đi học ấy.”
“Con mệt quá, không ra được đâu. Mẹ bảo anh ấy về đi.”
Tôi mệt mỏi ngồi dậy, nhìn mẹ, giọng nghẹn lại.
Mẹ tôi chừng như vẫn chưa nhận ra. Bà lay mạnh người tôi, bắt tôi dậy cho bằng được.
“Con làm sao thế? Nó vừa về hôm qua, hôm nay đã tới thăm con. Con phải biết giữ lễ chứ?”
“Mẹ nghĩ con còn mặt mũi để gặp anh ấy hay sao?”
Tôi không nhịn nổi nữa, đành nói thẳng ra.
Rồi tôi bật khóc. Những giọt nước mắt tủi nhục.
Lúc bấy giờ mẹ mới hiểu ý. Bà ngớ người, nhìn tôi hồi lâu.
Được một lúc, mẹ cất giọng chua xót.
“Mẹ hiểu rồi. Nhưng nó cũng đã đến đây tìm con, vậy hãy nghĩ đến nghĩa cũ mà vui vẻ tiếp nó. Con nỡ để nó ra về trong thất vọng hay sao?”
“Mẹ, con thực sự không muốn...”
“Tiểu Đào Đào... Nghe mẹ, ra đi con. Đừng để nó đợi lâu.”
Mẹ xoa nhẹ đôi vai tôi. Tôi suy nghĩ một lúc, rồi miễn cưỡng đứng dậy, chải lại đầu.
Tôi nín thở bước ra phòng khách. Trống ngực đập thình thịch. Trong ngực như ùa về cảm giác của thiếu nữ mười sáu tuổi năm nào, hồi hộp, ngượng ngập, và như có một chút mộng mơ. Người ta nói không sai, những thứ gì khởi đầu luôn để lại trong tim ấn tượng sâu sắc, cho dù tình cảm của ta đã không còn giống ngày nào.
Mối tình đầu của tôi.
“Anh Đào, em khác nhiều quá.”
Tôi nãy giờ vẫn cứ lâng lâng mơ hồ như người trong giấc mộng, không hay biết anh đã tới đứng trước mặt.
Run rẩy, tôi ngẩng lên, vô tình bắt gặp gương mặt anh.
Trình Thiếu Vĩ ngày xưa và Trình Thiếu Vĩ bây giờ, dường như không khác nhau là bao. Vẫn gương mặt khôi ngô, ánh mắt ngọt ngào, nụ cười duyên dáng, cử chỉ dịu dàng...
Tôi có cảm giác như ngay ngày hôm qua thôi, anh vẫn đứng trước cửa nhà đón tôi đi học.
Người con trai khuấy động cảm xúc đầu tiên trong tôi, cũng là người khơi gợi lại trong tôi quá khứ.
Ánh mắt anh nhìn tôi dường như vẫn tràn đầy yêu thương.
Còn tôi, tôi tự hỏi, cảm xúc của tôi đối với anh bây giờ là gì?
Có còn là tình yêu hay không?
Tôi sợ. Sợ anh biết những việc xảy đến với tôi trong mấy năm qua. Sợ anh biết tôi đã phụ bạc anh. Nếu anh biết tất cả, có lẽ anh sẽ coi thường tôi lắm, oán hận tôi lắm.
Nhưng những điều tôi sợ chỉ đến thế. Tôi không sợ anh sẽ hết yêu tôi.
Vì sao ư?
Tôi ghét cảm giác này. Cái cảm giác hình bóng người con trai kia cứ chập chờn trong tâm trí.
Nụ cười ngạo nghễ, ánh mắt phớt đời, cử chỉ bất cần...
Thế nhưng có một thời, anh ấy cũng đã cười, cũng đã nhìn, cũng đã đối xử với tôi rất dịu dàng.
“Em sao thế, Anh Đào? Sắc mặt em xấu quá...”
Tôi giật bắn người, như kẻ gian bị bắt gặp đang làm việc vụng trộm.
Tôi sao có thể nghĩ đến Lạc Đình Phong khi mà Thiếu Vĩ đang đứng ở đây, ngay trước mặt?
“Không, em không sao.” Tôi gượng cười, không dám nhìn thẳng anh.
Trình Thiếu Vĩ dường như cũng nhận ra có sự lạ trong cách ứng xử của tôi.
“Anh về sao em không vui? Em không khỏe ở đâu phải không?”
“Không... À, vâng... Em chỉ hơi mệt...”
Tôi thì thào yếu ớt.
Không hiểu sao tôi thấy khó thở kinh khủng. Cảm giác có cái gì đó chặn lại trong tim, nghẹn lên.
“Em xanh quá, Anh Đào...” Trình Thiếu Vĩ lo lắng sờ trán tôi “Nhưng vẫn may, em không bị sốt. Có lẽ trong này ngột ngạt quá. Mình ra vườn hóng gió một chút đi?”
Hóng gió, lại hóng gió. Tôi ghét việc đó. Nhưng Thiếu Vĩ đang quan tâm tôi.
Trong lúc tôi còn đang lưỡng lự, anh đã nắm tay tôi, kéo ra ngoài vườn.
---------
-
Mùa xuân. Gió mơn man thổi. Những cánh hoa đào phớt hồng lả lơi bay.
Chiều buông lơi trên những lá cành. Mây ngơ ngẩn nhìn. Nắng rơi úa vàng trong dọc ngang những xúc cảm không tên.
“Đẹp quá! Cảnh vẫn như ngày trước, em nhỉ?” Thiếu Vĩ không kìm được, buột miệng tấm tắc khen.
Tôi vẫn lặng lẽ đi bên anh. Tôi không thấy cảnh đẹp, chỉ thấy lòng sao mà buồn. Thiếu Vĩ có biết cảnh còn, nhưng người đã không như xưa nữa? Có biết những cánh hoa đào kia vẫn đẹp nhưng đã chẳng còn tinh khôi, thanh khiết như thuở ban đầu.
“Hoa đào theo gió bay miên man...”
Như một thói quen, Thiếu Vĩ cất giọng khe khẽ. Bài tình ca ngày xưa anh hay hát, làm tôi đắm say. Cũng là bản nhạc Lạc Đình Phong thích nghe nhất.
Tôi bỗng thấy tức giận.
“Anh đừng hát nữa.”
Thiếu Vĩ quay lại, nhìn tôi ngỡ ngàng.
“Hoa đào theo gió... Hoa đào theo gió... Tại sao cứ phải theo gió? Anh có biết gió rất ác độc? Có biết gió rất phong tình? Hoa đào rời khỏi cành nguyện theo cơn gió trọn đời, còn gió, gió chỉ muốn rong chơi. Gió chỉ nhất thời nổi hứng mang hoa đào đi theo, rồi khi tìm được bông hoa khác đẹp hơn, có thể phũ phàng bỏ hoa đào héo úa, dập nát ven đường...”
“Em sao thế?” Trình Thiếu Vĩ ngơ ngác “Anh không hiểu. Ngày xưa em rất thích bài ca này kia mà? Sao bây giờ lại nghĩ nó theo chiều hướng tiêu cực như vậy?”
Tôi chợt nhận ra hình như mình đã quá lời, trong một phút đã không kiềm chế được cảm xúc.
“Em xin lỗi... Có lẽ em mệt quá.” Tôi cố vẽ ra trên gương mặt một nụ cười gượng gạo.
Trình Thiếu Vĩ không nhận ra điều đó. Anh vội vã bước đến bên tôi.
“Em có thấy khó chịu lắm không? Có cần tới bác sĩ?”
“Không cần.” Tôi đẩy nhẹ tay anh ra. Tôi sợ cử chỉ quan tâm của anh. Giống như những mũi kim nhỏ châm vào người vậy. Không chảy máu, nhưng rất đau.
“Em không sao.”
Thiếu Vĩ thở phào. Anh lại dùng ánh mắt ân cần nhìn tôi.
“Mấy năm qua em thế nào rồi?”
“Em... em vẫn bình thường.”
Tôi buột miệng trả lời. Tôi đã nói dối anh.
Quả thực tôi rất sợ Thiếu Vĩ khinh tôi. Sợ đánh mất hình ảnh thiếu nữ trong sáng như cánh hoa đào trong anh năm nào.
Anh giờ là người duy nhất vẫn ngỡ tôi là cô gái thuần khiết. Tôi không muốn đánh mất điều đó.
“Thiếu Vĩ, em mệt rồi, em muốn vào nhà.”
“Ơ... nhưng...”
Không đợi cho anh nói hết câu, tôi quay lưng, đi như chạy.
Cắn chặt môi, tôi cố gắng không để nước mắt trào ra. Tôi không muốn anh biết sự thật. Thà lừa dối còn hơn là để bị người duy nhất trên đời vẫn còn xem tôi như vật báu khinh bỉ.
Trời về chiều, hoàng hôn dần ngả bóng. Gió lặng, hoa đào không còn bay được. Chân tôi dẫm lên những cánh hoa rơi dưới đất.
Hoa dính đầy bụi, nát cánh, nằm yên lặng âu sầu.
---------
Mẹ tôi nhất định giữ Trình Thiếu Vĩ ở lại ăn tối. Anh cũng vui vẻ nhận lời.
Tôi thầm trách mẹ sao cứ để tôi lâm vào tình thế khó xử. Tôi biết, thực ra mẹ chỉ muốn tôi và anh nên duyên, mối duyên lỡ làng ngày xưa, để tôi bớt đau khổ, bớt đơn độc suốt quãng đời còn lại.
Nhưng tôi vẫn không thể thoải mái. Lòng tôi vẫn nặng như đeo chì.
“Bác trai đâu sao không thấy ạ?”
“À, bác trai có việc đi làm ăn xa, chắc phải một thời gian nữa mới về.”
Mẹ vui vẻ gắp cho Thiếu Vĩ. Anh tấm tắc khen mẹ nấu ngon. Còn tôi, tôi chỉ ngồi lặng lẽ ăn.
“Anh Đào sao nãy giờ không nói lời nào? Có phải em vẫn mệt?” Thiếu Vĩ lo lắng hỏi khi thấy tôi có vẻ hờ hững với bữa cơm.
“Chắc nó ngại đấy mà.” Mẹ tôi vội đỡ lời.
Thiếu Vĩ bật cười giòn.
“Ra thế. Anh Đào vẫn là cô bé ngây thơ, e ấp như năm nào.”
Tôi nghe tim mình như có ai dùng dao cứa.
“Xinh đẹp thế này, hẳn mấy năm qua có nhiều người theo đuổi lắm? Thật may là em vẫn chưa xuất giá. Vậy là anh vẫn còn cơ hội.”
Xoảng.
Chiếc bát trên tay tôi rơi xuống đất, vỡ vụn. Âm thanh như rạch ngang không khí, lạnh ngắt.
Mẹ tôi cũng tái mét cả mặt mày.
Thiếu Vĩ chắc không biết, một câu nói của anh, đã cắm phập mũi tên nhọn vào vết thương của tôi.
“Mẹ... Anh Đào hơi mệt, con xin phép về phòng trước...”
Tôi buông đũa, lảo đảo đứng dậy, mặt cúi gằm, không dám nhìn anh.
“Ừ... ừ... Con vào phòng nghỉ đi...”
“Anh Đào, em thực không sao chứ?” Thiếu Vĩ đứng hẳn dậy, định tớii đỡ. Nhưng tôi đã lùi lại vài bước.
“Em không sao, cảm ơn anh... Hôm nay thật thất lễ quá...”
Tôi nói nhỏ, cúi đầu, rồi nhanh chóng quay về phòng.
Tôi nằm trong chăn rất lâu, rất lâu. Có lẽ Thiếu Vĩ cũng đã về.
Đêm đã khuya. Ngoài cửa sổ, mặt trăng treo lơ lửng trên cao, tròn như một cốc nước đầy.
Nỗi đau của tôi như nước tràn ra khỏi miệng cốc, lênh láng vương vãi trên khắp những cành, những cánh hoa.
Gió lại lùa qua cửa sổ.
Không khí cào nhẹ vào đêm, xước xát và rỉ máu.
Tôi khóc.
Đã cố mang chuyện xưa nhuộm đen, vùi lấp trong tim, tại sao giờ lại quay về, trắng trong, sáng rực, lấp lánh đến thế?
Bao giờ vận mệnh mới buông đôi bàn tay nghiệt ngã, để tôi được thanh thản mà sống yên?