Một niềm uất hận ầm ĩ bấy lâu bỗng trào lên từ đáy sâu của tâm hồn Anata. Chị căm thù tất cả những ai mà chị cho rằng đã chịu trách nhiệm về những bất hạnh của mình: “Trước tiên là cha mình”, chị nghĩ. Ông đã không bao giờ cho chị tới trường học vì đối với ông, cái trường tốt nhất cho con gái là học cách nấu súp lạc thật ngon. Ông già Xakriax ấy đã khẳng định con gái chẳng cần hiểu biết nhiều. Còn lão dạy giáo lý Cơ đốc thì đã chẳng từng định nghĩa: “Một đứa con gái tốt là phải một ngày kia từ giã cha mẹ và đi tìm một ý trung nhân, rồi cùng anh ta kết thành một cây thịt duy nhất”.
Thế là năm Anata mười lăm tuổi, ông già Xakriax gọi cô lại và rằng: “Mày đã là phụ nữ rồi, cần có một tấm chồng cho mày. Ông bạn già Exiximi của tao ở bộ tộc Yoovo, chủ nhân của bốn đồn điền ca cao, có sáu vợ, hôm qua nói với tao là ông ta rất yêu thương mày. Lấy được đám ấy thì thật tốt. Tao và ông ấy, hai bên đã trao đổi với nhau hôm qua”. Anata bày tỏ ngay sự phản đối và thế là như một giọt nước tràn cốc nước.
Lẽ nào là một con chim nứt mắt mà ông từng mớm ăn lại có thể chống lại ông? Ngay hôm ấy, ông bảo Anata : “Mày đã không vâng lời tao, thì hãy cút đi, tao không bao giờ muốn nhìn lại mặt mày nữa”.
Anata bỏ đi và bắt đầu cuộc đời làm điếm.
Lãng quên đi một lát ông bố, nỗi oán hờn của chị lại dâng lên với toàn xã hội, vâng, với toàn thể xã hội đã không bỏ hở một dịp nào để nhìn những kẻ làm điếm bằng con mắt khinh miệt. “Thế mà - Anata nghĩ thầm - tất cả những gái điếm ở khu ổ chuột khu Mvog – ada và những vùng lân cận này lại chỉ là những người nghèo cùng cực đang cần biết bao sự cảm thông và giúp đỡ hơn là những câu chửi rủa và miệt thị. Chúng tôi làm điếm chỉ vì không còn cách nào khác. Đó là số phận của chúng tôi… song, người ta không hiểu…”. Chị thở dài, mặc quần áo và bước ra khỏi nhà tắm, vừa lúc đó, có những tiếng tru tréo mà chị đã không chú ý đập vào tai mình. Mvog –ada vốn là khu bình dân, cho nên nghe thấy đủ thứ tiếng.
Nhưng sao tiếng kêu mỗi ngày một to, Anata bèn đi xem sao.
Từ xa chị đã biết ngay là lại có chuyện ở nhà Đơbora - một cô gái béo phục phịch mà người ta quen gọi tắt là “Con Đờ bô”, ở cách nhà Anata không xa, cô ta khét tiếng là hay đánh khách, một khi họ chạy làng. Gặp ông khách sòng phẳng thì không sao, ông ta cứ bình thản mà ra về, nhưng nếu vô phúc, ông ta chẳng có đồng nào thì Đờ bô sẽ cho ông ta biết tay ngay. Thoạt tiên, cô ta la lên: “Sao hả? không có tiền hả?... không có một xu nào hả?... được, rồi sẽ biết!... Trả tiền tao…! Trả tiền tao!...”. Rồi cô mếu máo gào lên: “Các anh, các chị ơi, cứu em”. Nghe tiếng kêu, ba người anh lực lưỡng nằm ở phòng ngoài nhảy bổ sang xông vào, quật ngã ông khách xuống đất và thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, đánh tới tấp. Đờ bô chỉ còn chờ có thế, cô ta vớ ngay chiếc khăn lau dơ bẩn chùi lên mặt ông khác, miệng bảo “ăn đi”.
Dù chẳng muốn, Anata cũng bật cười. Ở Mvog – ada này bọn gái điếm đều ý thức được việc làm cơ cực của mình để kiếm sống, cho nên khách làng chơi phải trả tiền, nếu không thì chưa biết điều gì sẽ xảy đến với họ. “Thế mà vẫn có những kẻ gặp may như anh chàng Silas nọ”. - Anata thở dài thầm nghĩ.
Trên đường về nhà, Anata lại trở lại với những suy nghĩ đang dằn vặt xoay quanh những chứng bệnh hoa liễu rất khó xử lý kia. Chị nhớ cô bạn thân Êva hình như đã mắc phải những “cái gai mầm nhọn” này. Đó là thứ mầm bệnh mà ngay thầy thuốc cũng cho là không thể nào chữa khỏi. Đã mắc phải thì chỉ có mà chờ chết. Êva đã chạy chữa đủ kiểu, từ những thuốc lá bản xứ đến những thứ kháng sinh cực mạnh hiệu nghiệm nhất. Song chỉ hoài công. Bây giờ Êva đã về quê, hy vọng ở đó vào một ông lang đặc biết đã thề làm hết sức mình để chữa cho cô lành bệnh. Thế nhưng ai đó đã gặp Êva đều kể cô đang tàn tạ, người hôi thối như một xác chết và cuộc đời cô đang được tính từng ngày… Nghĩ vậy, Anata không tránh khỏi rùng mình. Chị lẩm bẩm: “Hy vọng đây sẽ không phải là trường hợp của mình!”.
Chị bước vào nhà mình, lòng nặng trĩu suy tư…
Cảnh vật Mvog - ada vào lúc 16 giờ trông thật ngoạn mục. Mặt trời dọi thẳng xuống những tia nắng vàng. Thành phố Yaundo với những trái đồi trùng điệp tắm ánh nắng hoàn hôn như càng thêm rực rỡ. Đường phố gần trước cửa căn nhà ổ chuột của Anata tấp nập người và xe qua lại. Anata đừng trong nhà nhìn ra, lòng thèm muốn: “Giá như mình cũng có một chiếc xe nhỉ?”. Người đàn bà làm điếm tự hỏi mình, khi thấy một bà rạng rỡ đầy vẻ kiêu hãnh lướt qua, đầu nghển cao, tay trên vô lăng chiếc Meccedec…
Tiếp đến, lần này là một bà đi bộ mặt áo chẽn lộng lẫy rất ăn ý với khổ người. Anata lại nhủ thầm: “Sao quần áo đẹp đến thế!”. Bao giờ cũng vậy, cứ mỗi lần ngó ra phố là một lần chị ném theo những cái nhìn thèm khát lên những người đàn bà xinh đẹp và đoan trang nhường vậy đi qua. Rồi, tự nhiên, chị cảm thấy tiếc cho mình đã không có một tấm chồng quan tâm săn sóc mình. Một người chồng… từ ngữ ấy lúc này vang lên trong đầu chị như một từ chủ đạo quán xuyến lên tất cả. Bất giác, chị nghĩ người chồng hẳn là thứ nhựa hương ngào ngạt có khả năng chữa lành cho chị mọi khổ đau, làm tiêu tan đi mọi cơ cực… Nghĩ vậy, chị càng thấy mình thực sự đau khổ. Và chị lại nhớ đến những mụn trên người. Chị quay vào buồng cởi ra xem lại mà lòng đau như thắt. Những nốt mụn thấy lúc sáng đã dâu dẩu những gai màu vàng hết cả rồi. Chắc chắn là mắc bệnh timla rồi. Chị làm dấu thánh như để xua đi cái số phận hẩm hiu và mặc lại quần áo. Chị đi tìm lại người quen ở hiệu thuốc. Người này hẹn chị đến hôm sau…
Họ từng người một bước vào hộp đêm El Đodo - nơi làm ăn quen thuộc của Anata – như những con kiến bò vào tổ. Tối nay, El Đodo hứa hẹn một đêm sầm uất.
Cũng như mọi khi, đoàn người bị xáo trộn bởi các cô điếm, cô nào cũng muốn ngồi ở chỗ dễ thấy nhất. Các cô túm năm túm ba cười cười nói nói, thỉnh thoảng lại uốn éo trên vạch sàn khiêu vũ, mắt lấm lét rình những bậc mày râu lần đầu mới thấy. Phát hiện một đối tường đang đứng một mình và có vẻ hấp dẫn – nghĩa là có tiền nhiều – là một trong các cô bứt ra để tấn công.
Lúc này đang còn là “giờ đánh quả” - một câu các gái điếm hay dùng để chỉ quãng thời gian – chỉ có đồng tiền là đáng quan tâm hơn cả. Chính vì lẽ này mà các cô còn né tránh những ông tuy nhảy giỏi nhưng túi tiền lại lép hơn. Phải đến một, hai giờ sáng, khi cổng hộp đêm rục rịch đóng mới đến lượt các ông khách này, bởi vì tới giờ này thì không còn kén cá, chọn canh được nữa, phải tìm được một ông sẽ bao cho mình khoản chi tiền chợ hôm sau.
Các cô hay tránh gặp những ông khách quen, vì những vị này cứ mối tối lại muốn cặp kè với một “con đĩ mới” như họ vẫn từng thích nói ra miệng. Trong số điếm mới có một cô mới toanh nhưng cũng có những cô từ các hộp đêm khác thỉnh thoảng đến làm ăn ở El Đodo. Số chị em này rất dễ nhận ra vì họ thường xuyên đứng lẻ loi và hơi rụt rè ở những chỗ tối hơn mà những điếm cũ đã dành cho họ. Sở dĩ như vậy vì khách làng chơi chỉ thích những cô đứng ở chỗ sáng, họ cho rằng những cô mắc bệnh mới đứng trong góc tối.
Số đông khách thuộc lớp nghèo nhưng thản hoặc cũng có những bậc khá giả, những giáo sư, kỹ sư, sinh viên đại học lớn, những quan chức lớn và tức cười hơn nữa là có cả những thầy thuốc. Người ta đặt câu hỏi: các ông thầy thuốc đến tìm gì ở đây, trong cái mà các ông gọi là giếng vi trùng để chỉ những hộp đêm. Đời quả là một tấn hài kịch rộng lớn với nhiều cảnh trình diễn khác nhau… ta chẳng nên trách họ… họ làm như mọi người cả thôi…