Mùa đông. Những bụi sương phủ lên cửa sổ buổi chiều. Nắng nhạt xuyên qua những đám mây bay lờ lững. Có tiếng nhạc bên ngoài dãy quán phố vọng vào. Tôi trải nghiệm cảm giác thu mình bé lại rồi tan ra giữa trời của mùa thu hiền hòa. Nàng vẫn đập cửa. Nàng hốt hoảng gọi cảnh sát. Rồi hốt hoảng ôm mặt khóc trong phòng giữa một đống bát đĩa của bữa ăn còn ngổn ngang chưa kịp dọn dẹp, Nàng gục đầu vào ngực một tay cảnh sát, bờ vai nấc lên từng hồi. “Tôi không cố ý. Nó chỉ là món quà tôi tặng sinh nhật vì yêu anh ấy thôi mà. Tôi không lường trước điều này. Làm sao một người vợ có thể làm điều đó với chồng cơ chứ?”
Ở sở cảnh sát. Nàng đã ngất nhiều lần. Những lúc tỉnh dậy, nàng nói trong mê sảng: “Không thể như vậy. Làm sao một người vợ có thể làm điều đó với chồng mình cơ chứ? Nó là món quà của tình yêu tôi dành cho chồng cơ mà!”
Tôi nhìn thấy nàng theo cách một giọt sương nhìn thấy thế giới. Tôi không sao có thế nói được với nàng rằng đó không phải là lỗi của nàng. Hẳn là có một sự nhầm lẫn nào đó dài ngày xảy ra trong quan hệ vợ chồng. Rằng cũng có thể là có một sự gian lận vô luân nào đó từ nhà sản xuất những những chiếc quần sịp không rõ xuất xứ. Và rằng, tôi đã giữ món quà tình yêu ấy bằng tình yêu của một người chồng, luôn trân trọng rung động với những gì người vợ mình trao tặng khi nhìn thấy ở đó chất lượng tình yêu (cảm tính) phủ mờ mọi thứ chất lượng duy vật thể (lý tính) khác, vốn tiềm tàng biết bao hiểm nguy đến từ đời sống bên ngoài. Một điều gì đó, như cách nói của Nietzsche, tôi mang trong mình thứ bệnh lý của lòng thương xót. Nhưng sau đó, lại trở thành đối tượng của lỏng thương xót: bị triệt tiêu bản năng và bóp chết thể xác bởi chính sự ân cần không cách thế nào để kháng cự hay khước từ.
Tôi thấy gã trọc đầu vẫn ngồi ở quán bia trước hai rổ rau răm và một cặp trứng vịt lộn. Một sự kháng cự có màu sắc bi kịch hoang dã. Điều này tâm lý học và nhân chủng học chưa thể gọi tên. Một sự phẫn uất khuếch đại trở thành một biểu tượng cao cá và quyết liệt vô song. Một tượng đài uy nghi của ý chí. Một kẻ chống lại bệnh lý của lòng xót thương bên trong mình để trốn chạy những triệu chứng bóp nghẹt, suy vong treo lửng lơ trước mặt, vẫn theo cách nói của Nietzsche. Tôi thấy trong công viên một số đồng nghiệp đứng tuổi vẫn chăm chỉ chạy hùng hục chỉ mong giảm thiểu vài mili mỡ trước thành bụng ục ịch. Họ đang thực hành bài học tìm kiếm sự hài hòa tươi đẹp của đời sống, vớt vát chút lạc quan tinh thần trước sự di cấn của sợ hãi đánh mất người bạn tình khi về chiều. Và, tôi cũng thấy ở một góc đường, dám thiếu nữ chụm đần cười rúc rích trước một mảnh báo đăng mẩu tin. Những mẩu tin đại loại thế này thì tạo ra ở họ một nỗi tò mò lẫn xao xuyến vì ít nhiều gợi mở trong họ một kích cỡ nào đó của trí tưởng tượng vốn từ lâu bị cái thế giới cánh tượng này cưỡng bức:
MẶC QUẦN SỊP CHẬT, MỘT NGƯỜI TỬ VONG
Chiều qua, một phụ nữ 30 tuổi đã hốt hoảng báo cảnh sát về tình trạng chồng mình đang bị đe dọa tính mạng bởi một cái quần sịp.
Anh X, chồng người phụ nữ nói trên đã bất tỉnh sau khi mặc một chiếc quần sịp mà chị tặng trong dịp sinh nhật tuổi 35 của mình. Lý do, chiếc quần sịp quá chật nhưng vì là món quà tặng “tình yêu” nên anh đã không phản ứng từ chối một cách dứt khoát.
Theo lời người phụ nữ, trước khi bất tỉnh, trong bữa ăn, họ có trao đổi với nhau về một với vấn đề liên quan đến tình dục hình ảnh khổ dâm trong phim Hàn Quốc... Sau X cảm thấy mệt, đã cáu gắt và lao vào phòng riêng khóa trái cửa. Cho đến khi cảnh sát phá cửa vào thì phát hiện anh đã chết trong bồn tắm trong tư thế nằm vắt hai chân lên thành bồn và chiếc quần sịp đã thắt chặt vào bộ phận sinh dục của anh gây tổn thương nặng từ bên trong.
Theo điều tra ban đầu, loại quần sịp mà nạn nhân mặc có hiệu Sexsexyxy được nhập khẩu lậu về từ biên giới phía Bắc. Chị còn cho biết số lượng mua là nguyên một thùng, 30 chiếc với 30 hoa văn, màu sắc khác nhau. Và anh chồng đó lần lượt mặc từng cái một từ suốt cả tháng nay. Thình thoảng anh có bảo rằng quần chật, nhưng không phản ứng quá mạnh mẽ hay dứt khoát.
Cảnh sát sẽ tiếp tục điều tra làm rõ thêm về nguyên nhân sự việc.
Bên cạnh cột tin đó, là một số mẩu giới thiệu quần lót nam. Có mấy dòng khuyến cáo như sau:
BÁC SĨ CHUYÊN GIA NAM KHOA KHUYẾN CÁO KHI MẶC QUẦN SỊP
Nếu nam giới mặc quần sịp quá chặt sẽ làm cho bao tinh hoàn cố định chặt vào khoang bụng, từ đó chức năng điều tiết nhiệt độ của bao tinh hoàn sẽ bị ảnh hưởng khiến chức năng sinh sản tinh trùng suy yếu.
Các cô gái giành giật tờ báo và cười hức hức hức.
Sao lại cười?
Họ hiểu gì mà cười?
Tôi nghĩ.
Và một đợt gió lùa tới. Những câu hỏi, ý nghĩa viển vông bay đi hẩng hơ hẩng hiu trong nắng vàng lạnh se se của chiều mùa đông.
10.2010
---Nguồn: 15giay.xtgem.com
Như những tia chớp hay vệt truyện face
1.
TÔI VỪA ĐẬP MỘT CON MUỖI, giữa hai bàn tay tôi là một tiếng nổ lớn, khi biết chắc con muỗi đã chết, tôi mở hai bàn tay ra, từ từ, và nghe trong khe hở chính giũa hai bàn tay, tiếng kêu của một giọt máu: “vì sao ông giết chết tôi?”, và hốt hoảng hơn khi xác con muỗi từ đó bay vụt ra với tiếng hụ của xe cứu thương.
2.
trong khi cha tôi thét lên kinh hãi: “máy bay! máy bay! Nằm xuống!” thì tôi lại ngơ ngác tư hỏi, lạ thật, ba mươi hai con cá đang bơi đi đâu trên bầu trời?
3.
hôm nay thức dậy, thấy ông hàng xóm đứng trên mái nhà với một đội cánh lông vũ của loài ngỗng, mình ngồi ngó cho đến khi ông quyết liệt vỗ cánh và bay chìm vào bầu trời xám xịt.
4.
khi đó, năm anh em tôi leo lên nắm cành của một cái cây trong vườn nhà. ba tôi cầm chiếc máy chụp ảnh và bước lùi ra xa dần để ống kính có thể thâu tóm hĩnh ảnh đầy đủ cả năm anh em. chúng tôi cứ leo mãi, leo mãi, hết cành lớn đến cành nhỏ hơn, hết cành nhỏ hơn thì đến những nhánh lớn, hết nhánh lớn đến những nhánh nhỏ hơn, cứ thế, cành nhánh của cái cây vươn ra mãi, tán của cái cây nở rộng hơn khu vườn nhà sang vườn hàng xóm, rồi tràn khỏi những khu vườn hàng xóm, phủ sang những cánh đồng, rộng mãi ra năm phía chân trời xa xăm. chúng tôi không để ý đến bộ dạng mệt mỏi vì cứ căn góc và đi thụt lùi xa dần của ba mà chỉ ríu rít: vòi vĩnh: “ba có thấy con không? không, chưa được, cái chùm lá che khuất mặt con mất rồi, ba chụp lại pô khác nhé!”, “ba phải ra hiệu “một... hai... ba...” rồi mới bấm máy nha. thôi, không được rồi, con chưa cười mà ba đã bấm...”, “không, con muốn đổi lại thế ngồi giống anh hai, con không thích kiểu ngồi vừa rồi, ba phải chụp sao để con đẹp hơn anh hai mới được…”, nụ cười ba tôi vẫn lấp lánh xa dần dưới khung ngắm của chiếc máy ảnh.
chúng tôi mãi mãi không hài lòng với những tấm hình cũ; cứ leo mãi, leo mãi. và ba cứ lùi xa mãi cho đến khi đứa nọ không còn nghe tiếng ríu rít cười đùa của đứa kia nữa và ba tôi dần dần biến mất trong tầm nhìn của từng người.
(còn mẹ tôi ư? bà đang ngồi bên dưới cái gốc cây đầy rễ khô gân guốc như hàng nghìn ngón tay bấu vào mặt đất thô ráp. lâu dần, những hốc rễ làm chỗ trú ẩn cho bà. ở đây - mẹ nói - có thể áp tai vào thân cây và nghe rõ nhất tiếng cười của năm đứa trẻ! dường như ai cũng có thể hiểu đó là một cách củng cố niềm tin, một phép thắng lợi tinh thần hơn là sự đúc kết những thực nghiệm)
chúng tôi leo mãi.
những cành nhánh cây cứ vươn ra. vô tận. ba tôi đã thực sự mất hút trong tầm mắt. nhưng luật của trò chơi không cho phép chúng tôi leo ngược trở lại thân cây chính và tìm đường xuống gốc mặt dù khi lên cao, trong cơn gió giật, chúng tôi hốt hoảng kêu tên ba. gào thét đến khàn giọng, “ba ơi! ba ơi!...”, tiếng kêu của chúng tôi vang xa và tan loãng vào vùng trời xôn xao và bao la.
ba thực sự đã biến mất vào cánh rừng mù mịt khói, lòng dạ trống hoang, tôi nhìn xuống mặt đất và nhận ra có một một hố thẳm hẫng hụt đến ghê rợn, lạnh người, lúc bấy giờ, tôi tự nhủ rằng, có thể ba vẫn đang lùi xa dần để độ mở rộng của không gian có thể thâu tóm đủ khuôn mặt của năm anh em tôi và bóng dáng tiều tụy đơn độc của mẹ tôi dưới gốc cây.
cả gia đình chúng tôi vẫn đang tuân thủ quy luật của trò chơi chụp ảnh lạ lùng, bí ẩn mà chúng tôi đã tự đặt bày ra.
bóng của cái cây vươn ra xa mãi, xa mãi.
đó là những gì bức ảnh ấy lưu lại được.
5.
và cuối cùng, ông đã cưỡi hạc vàng đi. gần đây, giới khảo cổ học tìm thấy xương hạc vàng ở dưới đáy đại đương vùng tam giác bermuda.
người ta vẫn không đưa ra kết luận nào về ông ấy.
nhưng người trung quốc sẽ bảo rằng, đất nước họ mới là nơi sinh ra huyền thoại hạc vàng dù bất kể căn cước người đàn ông cưỡi hạc thuộc về đâu và đó là loài hạc có chứng nhận “made in” nước nào.
6.
lá vàng rơi trên đầu, trước mặt, dưới chân những tình nhân, sắc vàng phủ kín mọi tầm nhìn.
mùa thu
mùa thu
chàng thi sĩ đương đại hôn lên mái tóc nàng thơ của mình, rồi ứng khẩu: “em có nghe, mùa thu đang tiêu chảy cấp!”
7.
hãy nhớ rằng, trong quá khứ, ông cũng đã hành xử giống tôi và chịu một bản án như tôi! vì thế tôi chẳng thể nào nghe nổi thứ luận điệu của ông cùng những kẻ khác! - nhà hoạt động dân chủ nói.
đúng - nhà độc tài đáp - vì vậy, tôi sẽ xử chết ông. tôi không muốn hiện tại của tôi chính là tương lai của ông.
8.
a.
ngày mai tận thế! ngày mai tận thế! các ông có hiểu không? ngày mai chúng ta sẽ chết!
mặc tôi gào cạn hơi giữa đường phố. mọi người vẫn vội vàng lướt qua. lướt qua. lướt qua.
ngày mai chúng ta sẽ chết! - tôi nắm cổ áo một người đàn ông và sủa vào mặt anh ta. ông hiểu không?
người đàn ông gỡ từng ngón tay của tôi ra khỏi cổ áo mình một cách dễ dàng, rồi im lặng lướt đi theo đoàn người.
tôi vẫn đứng gào thét bên đường, tiếng của tôi vang mỗi lúc một xa. nhưng không sao át được tiếng dòng người lướt qua với những động cơ mỗi lúc một náo loạn.
chúng, càng lúc càng khiến tiếng nổi của tôi bị cô lập.
ngày mai tận thế! lũ ngu ngốc kia, các người không biết hay sao?
tôi gào thét như thế ngày này qua ngày khác, cho đến hết cuộc đời.
b.
những vết cháy bắt đầu loang ra từ một đường rách toạc trên bầu trời, nung những đám mây đỏ rực cuồn cuộn lao về phía mặt đất.
khi đó chúng tôi đang ngồi như thể bị đông cứng trong rạp phim, nơi mà bốn bức tưởng được lắp kín bởi những cửa họng máy tạnh đang phà hết công suất.
lửa chỉ có thể được bắn ra từ cái màn ảnh toát hơi nước đang chiếu một đoạn phim về nhân vật huyền thoại mới có tên promete, kẻ ăn cắp nước từ những đám mây để cứu nhân loại đang chìm trong cơn đại hỏa hoạn.
bây giờ là ngày 21.12 năm 2012 trong đại lịch cua người maya; ngày được dự báo là tận thế.
9.
để chống lại những luận điểm học thuật khác, nhà phê bình uy tín đặt bút viết: “tôi có quen biết bố cô ta. chúng tôi thường trao đổi rất nhiều vấn đề, tôi khẳng định bố cô ta là một người làm nghệ thuật rất ư đàng hoàng, vì vậy, không thể có chuyện những bài thơ của cô ta lại vô đạo đức như các ông vừa diễn giải!”
10.
những lời lẽ ấy đã được dùng đi dùng lại hằng ngày, đã hơn 70 năm nay, với một giọng đọc có biên độ đao động âm giống nhau đã khiến cho chiếc loa phường chảy máu.
và chiều nay, cơn chảy máu đến hồi cao trào. Máu từ miệng loa xối xả tuôn thành dòng, gây ngập úng mọi nẻo đường.
người ta lưu thông bằng cách bơi trong bể máu. Người ta bị nhuộm trong máu.
nhà ngôn ngữ học cắt nghĩa hiện tượng này rằng: đó là máu của ngỏn từ.
thật mơ hồ!
11.
voltaire: - tôi không đồng ý với bạn, nhưng tôi đấu tranh để bạn được nói!
vậy, còn quyền được viết khác thì sao, thưa ông voltaire? - bạn hỏi. xem ra câu hỏi đó thật ngớ ngẩn trước một triết gia. song, vì bạn đang muốn biết rằng, ngày mai, ngày kia, ngày sau nữa... bạn sẽ được đồng ý viết hay nói điều gì/ không được viết hay nói điều gì.
voltaire im lặng, sự im lặng rất khác với những gì ông ta đã nói . nhưng rất giống với sự im lặng của một nấm mồ.
12.
khi bị dồn vào một vách đá, thủ lĩnh bộ lạc Neyung nhìn lại hình ảnh đám dân đang chen lấn giẫm đạp nhau chết vạ vật ven con đường vừa đi qua. chỉ còn rất ít người sống sót. một trong số họ bước đến giương mũi giáo nhọn, đôi mắt rực lửa, quát: “dòng máu đỏ đang đuổi sát chúng ta, ông là thủ lĩnh, hãy làm gì đi chứ?”, thủ lĩnh ứa nước mắt rồi cởi áo, từ từ nằm xuống đất. dòng máu bộ lạc Neyung theo những bước chân tràn qua cơ thể ông rồi nhuộm đỏ vách đ
13.
một hôm, khi biết mình sắp chết, con rùa rướn chiếc cổ dài ra và nói với cái mai của mình: “vì ngươi mà ta được an toàn, nhưng cũng vì ngươi mà ta phải mang một khối nặng như đá ở trên lưng!”
cái mai vẫn lầm lì. từ lâu nó đã mất khả năng nghe, nghĩ, hay nói một điều gì trên lưng con vật sống thọ nhưng khốn khổ kia.
14.
ánh sáng
bóng tối
ánh sáng
bóng tối
ánh sáng
bóng tối
ánh sáng
bóng tối ...
cứ thế, ánh sáng rồi bóng tối, bóng tối rồi ánh sáng... viết mãi chẳng bao giờ cho xong được cái truyện này nên xin được dừng ở đây.
thành thật xin lỗi độc giả.