XtGem Forum catalog
Đọc truyện

Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông - phần 1


Sự thật về những lùm cây lạ đang phủ lên thành phố

VÀO MỘT SÁNG THÁNG CHÍN, khi đang ngồi thiền trên sân thượng, Dzu thấy cả thành phố phủ đầy dây leo. Anh la thất thanh. Rồi sau đó mọi thứ tối sầm.

Sau khi tỉnh dậy trong phòng cấp cứu với một tờ chẩn đoán rằng anh đang bước vào thời kỳ đầu của chứng rối loạn thần kinh, Dzu hỏi: “Cánh rừng ấy đâu rồi?”. Ông già ghé sát tai anh, mùi mồ hôi chua nồng quen thuộc, thủ thỉ: “Cánh rừng nào hả con?”. “Cánh rừng có dây leo xanh!”, ông già ngơ ngác nhìn ra không gian bên ngoài cửa sổ bệnh viện, chỗ treo lòng thòng những áo quần bệnh nhân, tanh tanh mùi xà bông, nhớm nháp mùi rêu ẩm và lá mục trong máng thoát nước, cái miệng móm sệu thoát ra một giọng rền rền, không tròn từng âm tiết: “Con đừng làm cha lo lắng nghe con. Ở đây làm gì có cánh rừng nào. Chỉ có cha con mình với nhau thôi!”

Cha anh luôn chăm sóc anh ân cần như chăm sóc một thằng bé chưa biết cách tự bảo vệ. Tuổi già cũng làm cho chính ông gần như trở về với bản chất trẻ thơ. Hai cha con sống với nhau trong một căn phòng trọ hai chục mét vuông, nói với nhau những chuyện hằm bà lằng trên trời dưới đất, Dzu hình dung mình và ông già không phải là hai cha con, mà là hai đứa nhóc bị cuộc đời run rủi ném vào một hành tinh mơ tưởng. Biệt lập. Và thơ mộng. Hay cũng có thể coi là một cái hốc bình yên và không có mặt sự phiền muộn. Ở đó, tình thân, sự trung thành và thấu hiểu đủ để hai đứa trẻ an tâm đến nỗi chẳng cần đến một mối quan hệ rầy rà nào khác.

Sau giờ làm, Dzu tạt xe qua quán cháo dinh dưỡng ở ngã tư, mua bốn hộp cháo. Cha Dzu thích ăn cháo thịt lươn, rau má xay. Còn Dzu thích món cháo chim bồ câu và cải xanh thái mỏng. Hôm nào về, Dzu cũng nhìn thấy ông đứng trên sân thượng một mình, bên cạnh cái chậu cây hoàng ngọc, chờ đợi, lóng ngóng.

Chậu hoàng ngọc ông trồng hai năm nay để làm thuốc, mỗi ngày nhai sống bảy lá, nghe bảo ngừa ung thư, nhưng theo Dzu thấy, thì chắc rằng chữa tâm bệnh là chính. “A, con đi làm về. Mệt không con? Tắm rửa đi rồi lên đây cha con mình ăn cháo. Con mua cháo lươn cho ba à?”. “Dạ. Ba đợi con trễ, có đói bụng không?”. “Không. Việc cơ quan bữa nay có gì vui kể ba nghe?”. “Dạ cũng... Mà thôi, bữa nay ba nhai lá hoàng ngọc chưa?”. “Chưa. Hồi sáng, ba quên tưới nước nên trưa bụi cây thuốc héo rủ. Cây cũng như người, lúc ủ rũ thì không nên làm gì cả, không nên vặt lá. Để chừng nào nó khỏe mạnh, lá xanh tốt thì hãy hái làm thuốc...”. “Dạ, cho cái cây nó nghỉ vài hôm đi ba!”

Vậy là có thêm một đối tượng xen vào câu chuyện giữa hai cha con. Đối tượng ấy là cây hoàng ngọc. Hôm nào chủ đề về cái cây cũng rôm rả. Tươi, héo, mọc thêm nhánh non, có con sâu đậu trên đó hay đơm chùm hoa vàng... đều trở thành đề tài để hai cha con bàn tán.

Thời sự về cái cây bao giờ cũng được hai cha con Dzu bình luận tán nhảm trong suốt thời gian bữa ăn tối.

Dzu ăn một lúc 2 hộp cháo. Ba Dzu chỉ ăn một hộp. Còn một, Dzu treo ở dó, mười một giờ lại đánh thức ba dậy ăn khuya.

Bác sĩ nói rằng, trước khi đột quỵ, thần kinh điều khiển trạng thái xúc cảm sẽ dẫn dắt anh đến một cảnh giới lạ lùng. Có người thấy ma quỷ gọi mời, có người thấy thiên thạch rơi, có người lại thấy đom đóm bay đầy trời, có người thấy mình đang làm tình với đàn bà góa và cũng có kẻ, như Dzu, là thấy trước mắt mọc lên một cánh rừng. Mọi thứ ấy chỉ là cái phông nền hiện ra trước khi cái “đèn hình” trong vỏ não chập chờn rồi tắt ngúm.

Dzu mê đọc sách khoa học và triết học. Có cuốn sách nói rằng não bộ của con người cũng như cái máy tính, có hệ điều hành, hoạt động, lưu trữ tuân theo nguyên lý vật lý, ngưỡng chế độ nào đó. Nói chung là nếu biết cách vận hành khéo thì mọi thứ sẽ chạy trơn tru, phát huy tính hữu dụng, bằng không, ôm đồm thì bộ xử lý tốc độ sẽ chịu áp lực, trở nên chậm chạp và có nguy cư lỗi hệ thống, dẫn đến treo máy hay không xử lý được các chương trình.

Nhưng, như đã nói, Dzu là người sống hài hòa, không phải gu sôi động hay ôm đồm. Thậm chí Dzu hơi già. Bằng chứng là ở tuổi Dzu mà lại chơi thân một cách hòa hợp với ba Dzu, đâu phải ai cũng làm được!

Ba Dzu nói rằng: “Giá như ở đây là đất của mình, không phải nhà thuê thì hay biết mấy”. “Chi vậy ba?”. “Thì ba sẽ trồng cây kín cả khoảng sân thượng này, chỉ dành một lối đi vào đi ra (ông vừa nói vừa chỉ bàn tay tưởng tượng vạch một lối trước mặt như thể hai bên đã là cây cối um tùm thật) - Ba sẽ biến nó thành một cánh rừng!” (nói đến đây, mắt ông nhìn lên cao và nhắm nghiền như mình đang tận hưởng không gian của khu rừng tướng tượng đó). “Chi vậy ba? Con thấy tình hình vậy là không ổn - Dzu kéo cha ra khỏi sự viển vông - vì con chúa ghét những loại bonsai!”. “Không. Ba cũng không thích bonsai. Ba sẽ trồng cây cỏ tự nhiên cho chúng mọc cao phú ngập đầu người. Rồi thì dây leo. Ừ, có nhiều loại dây leo hay lắm. Nó biến cả ngôi nhà thành một lùm cây. Giống như những lùm cây trong cánh rừng ngày trước ba con mình hay nghỉ trưa đó...”. “Ngày trước là hồi nào ba?”. “Ừ, thì hồi đó đó...” - Cha Dzu nói như thể “hồi đó đó” là một mốc thời gian hay điểm ký ức nào đã mặc định sẵn trong đầu Dzu, chỉ cần điểm vào là nó hiển thị ngay.

Trí óc của Dzu cũng tốt lắm. Nhưng không tài nào nhớ nổi những chi tiết hình ảnh hai cha con rúc vào bụi cây ăn trưa từ cái đời thuở nào. Mỗi lần như vậy, cha Dzu lại cung cấp thêm dữ liệu về cái “thời đó đó”, cụ thể là: “Thời mà ba con mình còn đi làm cỏ mướn cho nhà ông Tư sún, cái ông Tư sún có đứa con gái lọt hầm cầu chết đó, mày không nhớ à?”. “À, ông Tư con nhớ rồi. Con nhỏ đó học lớp con. Nhưng mà cái lùm cây thì...”. Cha Dzu có biểu lộ sự nản lòng vì cái đầu óc củ chuối của đứa con trai, ông tỏ vẻ hơi khó chịu vì cái chi tiết hình ảnh làm nên kỷ niệm, thậm chí, có thể là bí mật chung mặc nhiên là phải nhớ thì thằng con đễnh đoãng lại chẳng mảy may lưu lại gì trong trí não. Ông tỉ mẩn nhắc đủ thứ chi tiết nhằm gợi lại hình ảnh cái lùm cây đã biến mất trong đầu óc anh, nào là lùm cây cạnh bến sông, chỗ có tổ ong vò vẽ, ở gần gốc mít hoang... “Nhớ chưa?”. Dzu gật đầu. “À, dạ nhớ, nhớ!”. Dzu nói nhớ nhưng khuôn mặt ngờ nghệch và như thể đang hình dung một cái lùm cây khác cái lùm cây trong dữ liệu cha anh cung cấp - một cái lùm cây do trí tưởng tượng anh tự vẽ nên.

(Cái thời cực khổ và tủi thân đó, người ta không bao giờ dám nghĩ lại thì có gì hay ho để cha Dzu khoác lên những chuyện bay bổng lí tưởng chứ. Khổ thân, với những người già, trải nghiệm về cái nghèo luôn là một điều kiện tuyệt vời để đánh dấu cảm xúc và kỷ niệm. Nghĩ đến thế thì dù cuộc sống có khấm khá hơn đi nữa, người ta cũng không hề thỏa mãn; cũng thòm thèm lưu luyến quá khứ, cái quá khứ mà mỗi giọt mồ hôi và nước mắt được ngưng đọng, tôn thờ trong tâm tưởng như một viên ngọc lấp lánh chẳng cho ai vô tình chạm vào hay làm sứt mẻ!)

“Có gì hay ho chuyện phải rúc vào lùm cây trốn nắng ăn trưa mà ba cứ nhắc hoài?” - Dzu cằn nhằn. Cha Dzu nhìn ra khoảng trời trước mặt ngổn ngang mái nhà và ăngten. Câm lặng. Từ một góc ngồi ngược sáng, anh thấy bóng ông nhấn đen trên một khung vuông sáng lòa, với một hậu cảnh ngổn ngang dây nhợ, tầng cao mái thấp nhà phố. Cha Dzu không nói. Dzu có cảm giác sự lặng thinh của ông là một lời hờn trách nhẹ nhàng (Mày đã quên những kỷ niệm đẹp thời khốn khổ của hai cha con mình rồi sao?) hay cũng có thể là sự lặng im tự trấn tĩnh kịp thời (Ấy dà, mình lẩm cẩm thật, chuyện ngồi trong bụi cây ăn com trắng với mắm cà, vã mồ hôi hột thì có gì mà nhắc hoài chứ?)

Nhưng, giống Dzu, cha Dzu là người bảo thủ triệt để. Nghĩa là rất khó thay đổi. Điều đó trở thành một đặc điểm không chỉ của tính cách mà còn ở mặt thể trạng. Ví dụ, ông có bệnh nứt gót chân vào tháng chạp, lúc thời tiết trở lạnh. Dzu bảo rằng, đúng là đến cái bệnh của cha cũng rất khó chịu. Ở thành phố cả chục năm, không chân lấm tay bùn vậy mà còn bị phèn ăn gót chân. Cha Dzu cười móm mém, tựa cằm lên đầu gối, lấy cắt móng tay bấm bấm mấy nếp da bong ra, nhậy ra một vết nứt đỏ tấy, nói: “Tao quen rồi. Giờ không làm rẫy thì đến mùa nó cũng lại nứt như thường. Nó nứt vì nhớ đồng, nhớ rẫy!”. Dzu đùa: “Con chưa thấy ai bảo thủ như ba. Từ nay con sẽ gọi ba là ông già bảo thủ!”. Cha Dzu cười móm, hai nếp nhăn đuôi mắt trĩu xuống: “Cha mày, bán cái bảo thủ ấy cũng mua được vài sào đất cho sự nghiệp của mày đó nghe con!”

Buổi tối ở nhà thương, cha Dzu trải chiếu nằm dưới giường bệnh của anh. Thi thoảng, ông lại trở mình ngồi dậy, nhướng mắt kính lão săm soi sợi dây lòng thòng trên bình truyền nước. Rồi lại rón rén nằm xuống. Dzu biết là ông không ngủ được. Mùi mồ hôi của ông chua khét thoang thoảng vẫn xộc lên mũi Dzu như thể anh sờ chạm được cả hơi ấm tỏa ra, nghe được nhịp tim âu lo phấp phỏng của người cha. Dzu nhắm mắt nghe từng tiếng cựa mình khe khẽ quen thuộc, cả tiếng hít sâu và nén hơi thở dài âu lo. Anh phát hiện ra rằng, ông không chỉ bảo thủ ở cái bệnh nứt gót chân, mà còn bảo thủ cả mùi mồ hôi, cả tiếng cựa mình và hơi thở dài hàng đêm. Ý nghĩ đó làm Dzu càng chập chờn. Anh cảm nhận sự lưng chừng của từng giọt nước chảy theo cọng dây, mũi kim bé tí đi vào và lan ra những mạch máu trên cánh tay tê lạnh của mình.

Đến gần sáng, anh chợp mắt. Và cánh rừng ấy hiện về, toàn dây leo xanh, những chiếc lá hình trái tim, hình bàn tay phủ che tất cả mọi mái nhà. Cả thành phố chìm dưới độ phủ che rậm rạp của lá, của dây, của sự chằng chịt rằng rịt mạnh mẽ um tùm, đáng sợ. Và trên những con đường mòn cỏ dại, mọi thứ vẫn hoạt động. Người. Xe. Khói. Bụi. Không banner, áp phích, không logo bảng hiệu, không bêtông cốt thép... Thay vì chạy ra chạy vào nhà này nhà kia, thì người ta rúc vô những lùm cây như những bầy muông thú vào ra những hang trú ẩn rậm rạp, bí mật. Trường học, công sở và những cơ quan hành chính đều biến thành các lùm cây lớn. Kể cả nhà thờ và đền chùa đều xanh hóa dưới lá cành. Người ta thực hành tôn giáo, cúng quảy, làm tình, ra quyết định chính trị, hợp đồng làm ăn hay vui đùa, thư nhàn đều dưới những vòm cây, cửa hang lớn, nhỏ khác nhau. Thế giới như thể đại đồng trong những thước phim siêu tường. Nếu là một viễn cảnh, thì chẳng biết đáng vui hay đáng buồn. Không biết là thiên đường hay hỏa ngục. Và vì thế, càng không biết là giấc chiêm bao đẹp hay là ác mộng tồi tệ giữa ban ngày?

Dù sao thì nó cũng phải kết thúc. Nó làm cho Dzu toát mồ hôi lạnh. Bật dậy, ngồi thừ một lúc để những trải nghiệm ấy nguôi dần trong trí não.

Khi Dzu bật dậy, trấn tĩnh thì trời đã sáng. Cha Dzu ngồi dối diện, mắt mỏi sụp, nói: “Ba chợp mắt cũng mơ thấy mấy cái lùm cây đã rậm rạp, lan rộng hem. Nhưng mà bụi cây hoàng ngọc... ba thấy nó héo queo. Mấy bữa nay trời nồm, không ai chăm sóc, chắc nó khô rạc thiệt...”

Đàn ông bảy lá đàn bà chín lá. Cha Dzu nói: “Phải chi ngày trước có cây hoàng ngọc thì mẹ con đã không bị bệnh ung thư đánh gục sớm như vậy!”, Thế nên, mỗi lần nhai lá hoàng ngọc là ông lại nhắc đến cái chết đau đớn của mẹ Dzu. Dzu đùa rằng: “Cha mà cũng lụy tình, nhớ ngưởi yêu dữ à?”, “Ừ, cha mày còn có người yêu để mà nhớ. Còn mày thì chẳng chịu có đàn bà để nhớ cho tao nhờ!” Dzu ngồi tựa vào tường và lật sách triết của Hegel đọc. Được chừng vài mươi trang, Dzu lại gấp sách nói, không rõ sâu sắc hay lãng xẹt, nhưng đúng là chẳng ăn nhập gì: “Ý niệm Sự sống không chỉ tự giải phóng mình ra khỏi Một cái này [tồn tại] trực tiếp (đặc thù) nào đó, mà tự giải phóng khỏi sự trực tiếp đầu tiên này nói chung. Qua đó, Ý niệm Sự sống đi đến với chính mình, hay, đi đến với Chân lý của mình; và, vì thế, nó đi vào bên trong sự hiện hữu cho - chính - mình với tư cách là Loài tự do. Cái chết của cái hữu cơ - chỉ đơn thuần cá biệt, trực tiếp là sự ra đời của Tinh thần”. Cha Dzu ngồi nhìn con ngồi niệm triết, ông bỗng bật cười. Cái cười cũng chẳng ăn nhập gì. Không biết cái cười khó hiểu hay sự trầm tư là khó hiểu giữa hai cha con.

Những cái Dzu đọc chỉ để mà đọc. Việc ở cơ quan của Dzu không cần đến những thứ đó. Công việc của Dzu cần đến những kiến thức thực hành cụ thể, thậm chí xảo ngôn và mì ăn liền. Lúc đầu Dzu buồn. Nhưng sau, tập thiền, hít thở đều mỗi sáng, Dzu nhận ra, đó là những chuyện thường thôi. Không ăn thua. Sách triết có chỗ của sách triết và mì ăn liền có chỗ của mì ăn liền. Ý này cũng giúp Dzu đả thông thắc mắc xưa nay là tại sao cái thành phố này dân thất nghiệp đầy rẫy mà lúc nào cũng có đông người xúm lại chỗ mấy kệ sách triết. Toàn những kẻ xanh xao nhếch nhác. Như Dzu!

*

Dzu còn nhớ buổi sáng tháng chín ấy, khi anh ngồi ở tư thế kiết già và chuẩn bị hít thở thì chứng rối loạn thần kinh kéo đến. Chứng bệnh ấy quá sớm với tuổi 30. Cha Dzu nói như tổng kết từ một quá trình suy nghĩ thấu đáo lâu ngày: “Qua chuyện này, con cũng không nên ưu tư nhiều quá và cũng đừng đọc những cuốn sách nặng nề. Ba thấy đọc sách nặng hơn cả đi cày. Nhất là cày còn trổ được luống, trồng được cây, ngó cái cây lớn lên, còn đọc sách hành xác như mày hình như chẳng giải quyết được cái mớ đời gì. Sách nó hành, sống nặng nề u uất lắm. Phải thương lấy mình con ơi. May là hôm nào ba con mình về quê một chuyến, vác cần câu vô suối, câu cá, rồi rúc vào lùm cây đó nướng cá ăn rồi ngủ một giấc cho đã. Có đến chục năm nay ba con mình chẳng có giấc ngủ nào ngon. Ba cũng muốn về thắp nhang cho ông bà nội. Sống vầy, đâu cũng là chốn trọ, thức hay ngủ cũng cứ bồng bềnh như ngồi trên mặt nước, chẳng đâu là nhà. Cũng may, hằng ngày ba còn có bụi hoàng ngọc làm bạn. À, nhưng mấy hôm nay ba đâm lo. Ba tính rồi, cứ mỗi ngày hái bảy lá như vậy thì sợ bụi cây không kịp ra lá non để bù vào chỗ lá mình đã ngắt đi. Nhìn cái bụi cây ngày càng tiều tụy, ba thương nó quá. Cây không khỏe thì sao người ăn lá cây ấy mà khỏe được!”

Bây giờ là mùa thu. Dzu thấy những mái nhà đã siết vào nhau bởi những nhánh dây leo, thành phố biến thành một khu rừng già chập chùng xanh lá. Rồi từ bên dưới những tán xanh ấy, đùn lên mấy tàng cổ thụ đón chim chóc về. Những âm thanh ầm ào rộn ràng của động cơ đã được thay bằng tiếng suối thác chảy và vọng âm gió reo bên dưới các vòm xanh. Chỗ cha con anh đứng không còn là một sân thượng lát đá vuông vắn như một chiếc lồng nữa, mà cây cỏ đã phủ lên mát mẻ. Và bụi cây hoàng ngọc um tùm lá non, trổ những chuỗi hoa vàng bình dị, Cha Dzu ngồi thảnh thơi, ngắt từng cọng lá cho vào miệng, nhom nhem nhai. “Con ơi, cái lùm cây chỗ ba con mình ngồi ở kia. Đó, ở kia, con có thấy không?”. “Ở đâu? Ở đâu ba?".

Cánh rừng ấy đang tiếp diễn, những cuộn dây leo xanh đang mọc vươn ra tứ phía và lan dần phủ kín cả giấc mơ của Dzu. Dzu đọc được một cuốn sách ở đâu đó nói về tiềm thức con người. Sách viết rằng, có những hình ảnh đã thực sự không còn hiện hữu nhưng mà nó lại lớn dần lên trong tâm tưởng, vô thức. Điều này Dzu không nói với cha anh và cũng chẳng thổ lộ với bác sĩ. Nếu nói ra, cha anh thể nào cũng khuyên đừng đọc loại sách nặng nề đó nữa, chẳng ăn nhậu gì được đâu, Vả lại, đây cũng là bí mật anh chẳng muốn tiết lộ cho ai cả. Cứ để mọi người nghĩ mình bí ẩn, hóa ra lại hay!

Dzu cần nằm lại ở phòng điều trị tâm thần vài hôm nữa. Dù cha Dzu sốt ruột bảo rằng: “Nếu tình hình cứ thế này thì mày để ba bắt xe bus trở về phòng trọ mang nước lên sân thượng tưới cho bụi hoàng ngọc rồi sẽ quay lại ngay!”

---Nguồn: 15giay.xtgem.com

Quả táo, con rắn, người nam, người nữ, khu vườn và kẻ ẩn mặt

Có nhiều lí do để những gì thuộc về khu vườn phải ra đi; và cả khu vườn nữa, cũng rời bỏ chính nó.

Sau đây là câu chuyện.

Về nọc độc của con rắn và sự di cư của cây táo

QUẢ TÁO MÀ TRUYỆN NGẮN NÀY nói đến có thể là loài táo Tây, tên khoa học là Malus domesticus, thuộc họ hoa hồng.

Làm sao một quá táo lại mang họ của hoa hồng? Đó là một câu chuyện tiến hóa rất dài dòng, thách thức mọi nỗ lực tìm kiếm của các nhà di truyền thực vật học. Nhưng tự xét thấy những nỗ lực ấy, trong bối cảnh của những dòng truyện này là một thứ thừa thãi, nên dữ liệu trên chỉ có tính chất gợi mở mà không diễn giải gì thêm.

Sử dĩ phải nêu đến danh pháp, nguồn gốc khoa học là vì có sự phân biệt rạch ròi giữa quả táo đang nói đến với các loài táo khác, ví dụ: táo ta có danh pháp khoa học là Ziziphus mauritiana vàZiziphus nummularia. Loài này sống ở miền nhiệt đới Trung Quốc nên còn gọi nôm na là táo Tàu, đại táo hoặc hồng táo (枣, 棗, 红枣), người Nhật gọi là natsume.

Ban đầu người ta nói rằng, khu vườn cho quả táo đầu tiên trong lịch sử thuộc về phần đất Bắc Phi và Syria. Nhưng về sau, qua hành trình hơn bốn ngàn năm, quả táo di cư từ Tây sang Đông, thay hình đổi dạng cho thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu nhiệt đới của phương Đông (Ấn, Trung...) và nó mang vào vô vàn tên gọi, cách trình bày lí lịch.

Người ta xác định bản thân khu vườn đã có một sự dịch chuyển nhất định. Hay nói cách khác, căn cứ trên quả táo, người ta xác định được cả bóng dáng, hành trình di cư của khu vườn từ nơi này đến nơi kia. Quả táo mang trong nó sự xê dịch có tính chất lịch sử và có thể là đóng góp vào kho tàng các biểu tượng của tôn giáo, văn hóa... từng vùng miền khác nhau nữa.

Trên lí thuyết là như thế. Vì vậy, sự phân biệt táo Tây hay táo ta, táo Tàu hay táo Nhật thì cũng để đi đến một hướng nghĩ rằng, đặc tính của nó có một sự đồng nhất trong đa dạng, tiếp biến và di truyền.

Quan trọng là điều gì tiếp tục xảy ra với quả táo?

Con rắn nói, đó không phải là thức ăn ưa chuộng của tôi. Đó chỉ là nơi ký gởi nọc độc. Vì sao tôi chọn nơi này để cư ngụ ư? Đơn giản, vì gai trên cành táo khiến tôi thấy an toàn. Sống giữa bụi gai là một giải pháp yên thân khi những vảy da trên mình quá yếu đuối và mềm mại, khi sự chuyển động của tôi quá mức trơn tru, cần càng nhiều điểm tựa càng tốt. Vậy là, bụi gai mang trong nó những gì ẩn mật nhất. Tôi yên tâm ăn ngủ và cố thủ bên trong đó từ mùa xuân xanh lá đến mùa đông gầy trơ mà không sợ loài người hay thú dữ đến gây sự, tấn công.

“Kìa, hình như con rắn trong bụi táo đang trở về từ Thánh Kinh!” - ai đó reo lên. Mặc. Tôi sẽ không diễn giải, chú thích gì thêm. Tôi cuộn thành một khoanh tròn như chiếc bánh bột chiên khổng lồ, phì nộn. Tôi bảo vệ giấc ngủ vẹn toàn của mình. Mặc cho người đời lên án. Tôi đã ngủ như thế qua những ngàn năm dằng dặc. Và trong giấc mơ thăm thẳm ấy, tôi thấy gốc táo mọc ra những cái chân ngoằn ngoèo, chuyển động trên mặt đất, từ nơi này đến nơi khác, từ vùng khí hậu này đến miền khí hậu kia, từ nền văn hóa này đến nền văn hóa nọ. Gốc táo chở tôi đi trong một cuộc du hành mê man xuyên thời gian nhưng an toàn tuyệt đối.

Ô hô, ai bảo khu vườn là cố định? Làm sao họ có thể tin được khi những gốc cây, những chiếc lá, những vạt cỏ bên trong nó đang chuyển động theo những hướng khác nhau, tùy thuộc vào từng cơn mưa, từng mùa gió, các mùa chim thiên di hay những âm ỉ đổi thay của cuộc đời trồi sụt bên trong vỏ địa cầu? Họ chỉ nhìn nó với đôi mắt bị phủ mờ huyền thoại và sáng tạo ra vô vàn sự tích cho câu chuyện kể thêm phần huyễn hoặc!

Trong giấc mơ của con rắn, khu vườn đang dịch chuyển không ngừng, nó không ngừng xô đẩy, không ngừng chồng lấn, không ngừng bị truất hữu bởi những khu vườn khác, và, đến lượt nó, không ngừng tấn công những khu vườn khác. Mọi cây cối, động vật trong nó đang giao chiến với nhau từng giờ - một cuộc nội chiến âm ỉ, bất tận, đồng thời, chúng giao chiến với những loài ở các khu vườn lân cận để xâm lược và chống lại ngoại xâm. Trong thế hỗn loạn đó, có những cây tự xưng mình là cây Bản Xứ, cây Bản sắc bị thất trận, phải nhường chỗ cho những loài cây Lạ Lùng; và các loài cây Lạ Lùng, đến lượt nó, tự biết mình phải biến đổi Lạ Lùng hơn, hoặc bị những loài cây mới đến lấn chiếm. Bản Xứ, Lạ Lùng không còn là những từ chỉ khái niệm, mà chúng là những cái tên trống rỗng vì chúng tự biết phẩm tính của sự tồn tại mong manh và phù du trong mình.

Điều gì đang xảy ra với những khu rừng và những mảnh vườn? Đó chỉ là một cuộc tranh giành chẳng thư nhàn như vẻ ngoài vốn có, hay như người đàn ông và đàn bà kia từng nghĩ về nó? Chỉ có con rắn là cảm nhận được rõ ràng nhất trong giấc ngủ li bì miên man. Nó tìm thấy câu trả lời trong giấc ngủ. Nó ngủ trong tiếng cót két trầy xước thương vong của các loài cây, trong tiếng mủ cây đang bục ra từng ngụm quắm đỏ hay nhều nhệu vàng, trong tiếng gãy đổ bi thương, trơ ra những lõi gỗ hêu hếu đỏ, cả những cú vặn mình rên xiết trong cơn hạn hán, trong sự gào thét những cuộc đấu tranh sinh tồn và tranh giành lãnh địa từ muông thú cho đến côn trùng...

Nó đã chọn đúng, một loài cây có gai, một bụi rậm để náu mình. Nó chưa từng ân hận về điều này. Nó xác định vị trí của mình là đồng lõa với bóng tối. Ở đây, nó không phải lo sợ đám Cây Lạ tấn công bất ngờ, không sợ lũ động vật khác đột nhập một cách sỗ sàng, ngược lại, nó tìm thấy một chốn yên thân để thỏa mãn cơn khát mộng muôn đời.

Ơ hơ, một con rắn khát mộng muôn đời?

Phải, đó là một con rắn đã quen trú ẩn. Xin đừng đánh thức và hỏi han điều gì nhé! Nó có đôi mắt lim dim và sắc bén của quỉ Satan, chiếc lưỡi nó có thể thè ra liếm chết bất kì một loài nào khác ngay cả lúc nó ngủ, nó có chiếc mồng màu đỏ như mào gà có thể làm mê hoặc và uy hiếp mọi kẻ thù. Cái mồng ấy sẵn sàng thu những tần sóng âm thanh diễn ra chung quanh, từ tiếng cựa quậy một lá cỏ cho đến tiếng rình rập của một bước chân loài mèo hoang.

Con rắn xác nhận rằng, chọn cách ngủ trong bụi táo đầy gai, nó trở thành giống quỷ quyệt hơn hết mọi thứ quỷ quyệt trên đỏi. Nó cảm nhận được những nọc độc đang lớn dần lên trong mình. Túi nọc độc làm cho nó tri nhận cơ thể nặng nề hơn nhưng cũng bí hiểm hơn với kẻ khác, vì vậy, khả năng tự bảo vệ và tấn công của nó lớn hơn khả năng hòa hợp hay hòa bình.

Ban đầu, nó là kẻ phải mang vác túi chất độc. Nhưng càng về sau thì nó càng nhận ra, mình chỉ là kẻ tôi tớ của những nọc độc, một kẻ nô lệ phải mang vác và gìn giữ thứ nọc độc ấy nhưng chẳng để làm gì. Nó đã có những cành nhánh đầy gai của cây táo bảo vệ. Nó đã được ngủ say từ ngàn năm này sang ngàn năm khác mà không mảy may lo lắng. Thậm chí, có lúc nó nhận ra, chính những giấc mơ đang làm cho túi nọc độc của mình không ngừng lớn lên. Vì sao? Xung lực, mùi vị từ cuộc nội chiến và ngoại chiến của khu vườn hàng giây đã đi vào vô thức của nó, lâu ngày hình thành một vùng tối tăm mà bản thân nó không kiểm soát được, tất cả diễn ra thường xuyên đến độ, dưỡng chất bên trong đã bị tiêm nhiễm, lớn mạnh lúc nào không hay. Nó thấy khối độc ngày càng phát triển dần lên, cơ thể nó đầy cứng, chất ngất. Và để có sức khỏe mang lấy túi độc ấy thì nó càng cần phải ngủ nhiều hơn, phải mơ nhiều hơn. Càng mơ, thì cơ thể càng tiết ra nhiều chất độc. Cái vòng luẩn quẩn nhân quả ấy tuần hoàn trong chuỗi sống của nó. Nó không sao thay đổi được lập trình vận mệnh của mình. Nó nằm nhìn khu vườn dịch chuyển như một kẻ đi trên chuyến xe xuyên thời gian, đầy dằn vật và nó đã nghĩ ra một cái tên để diễn tả tình trạng đó: Quy Luật.

Con rắn có nhớ về quê xứ của mình không? Nó đã từng tự vấn như thế. Nhưng rồi bản thân nó không trả lời được. Chỉ những giấc mơ của nó mới là câu trả lời rõ ràng nhất.

Giấc mơ bây giờ lại trở thành hiện thực của nó. Còn khối nọc độc chính là suy nghĩ của nó. Những suy nghĩ sẽ chủ động bắn ra bên ngoài để bảo vệ nó mà không cần dùng đến nanh vuốt của loài hổ báo, cái sừng loài tê giác hay sự đổi màu toàn thân để lẩn trốn như loài tắc kè.

Suy Nghĩ Nọc Độc ban đầu chỉ là một khoanh vùng nhỏ, sau lan rộng tỏa ra bên ngoài và nó trải qua quá trình lột xác. Da nó bong ra vất trên các cành cây, lớp da non mềm mại dễ tổn thương óng ánh dưới nắng thành một bảng chuyển sắc mượt mà nhất thế gian, và có ai biết, trong giờ khắc nó lộng lẫy, rón rén khẽ khàng tưởng chừng yếu đuối ấy, cũng là lúc vùng độc lan rộng, phá vỡ những biên độ cố định bên trong cơ thể, tản ra mọi ngóc ngách, biến thân thể dài ngoẵng thành một khối độc khổng lồ, sưng lên và dần dà co lại, rắn chắc, treo vắt vẻo trong bụi cây.

Rồi khi lớp da đủ cứng cáp, nó khoanh tròn lại, nằm như cố thủ, lại vừa như một cạm bẫy. Một cạm bẫy không nguồn gốc, không quê xứ và ký ức. Nhưng chỉ việc tiếp tục mơ mộng để làm giàu thêm vốn trải nghiệm chiến tranh như nguyên liệu sẽ chuyển thành chất độc rồi sản sinh Suy Nghĩ Nọc Độc. Đó như một cơ chế sinh học tự cung cấp thức ăn, tự trao đổi chất.

Như thế, rốt cục, những cuộc chiến tranh, dồn đuổi, giết chóc của các loài cây trở nên thứ thức ăn không thể thiếu với nó, con rắn độc địa và quỷ quyệt. Nó ăn những giấc mơ đầy giết chóc của chính mình. Những giấc mơ đó nuôi sống nó.

Cây táo vẫn ra lá, rụng lá, trổ hoa, kết trái, rụng quả và lại ra lá, rụng lá, trổ hoa, tạo quả, đánh rơi những quả đượm men rượu trong lúc đang di chuyển về phương Đông. Sau lưng, nó để lại những vườn táo mùa hè đầy gai nhọn trơ cành, nóng bỏng, mùa thu đầy lá và hoa non li ti, mùa đông là nơi trú ngụ của lũ dơi mặt quỷ và mùa xuân đầy chim phượng hoàng hát ca. Những cây táo nhân thêm những cây táo, những khu vườn nhân thêm những khu vườn. Và bây giờ, thậm chí người ta không còn có thể biết được, con rắn thực sự đang ngủ quên trong bụi táo nào. Người ta dò dẫm trong sợ hãi. Nó đâu? Câu hói đó luôn khiến cho những bụi táo dần dần được con người phủ lên một cái nhìn dè chừng, cảnh giác. Cây táo trở thành bối cảnh để phịa ra những câu chuyện có màu sắc linh thiêng.

“Anh biết không, nếu chúng ta xác định con rắn nằm ở đâu thì lập tức sẽ biết ngay quê xứ của khu vườn địa đàng!”

“Để làm gì?”

“Để biết chúng ta bắt đầu từ đâu...”

“Nhưng ngay cả khi biết được chúng ta bắt đầu từ đâu thì cũng chẳng để làm gì! Triết học đã hỏi và chỉ để sinh ra một chuyên ngành khiến con người không ngừng vật lộn, cáu bẳn với những câu hỏi! Biết, để làm gì? Người ta vẫn có thể sống trước rồi biết sau mà!”

Mọi giả thiết đều có nguy cơ bị chặn đứng khi kẻ còn lại giữa chúng ta cứ gàn dở hỏi ngược chiều rằng, tất thảy mọi tìm kiếm rốt cuộc là để làm gì? Chẳng làm gì cả. Chẳng thể tác động gì cả. Con rắn nói. Con rắn biết, cả những cuộc chiến tranh đang diễn ra quanh nó, quả thực cũng chẳng để làm gì cả. Khối độc của nó, cũng như một tay độc tài đang trang bị thứ vũ khí hạt nhân có thể chỉ khẽ nhấn nút là đủ sức tiêu diệt cả nhân loại, khi được hỏi, cũng sẽ bảo rằng, những thứ vũ khí này, thực ra có để mà có. Việc của kẻ sản xuất vũ khí chân chính đó là, hãy tạo ra khả năng tàn phá và sát thương cao nhất, chứ không phải là một tiếng nổ làm sao cho êm tai và hợp luân lý nhất. Rõ là hữu dụng nhưng không hữu ích. Nó phục vụ cho các cuộc chiến tranh. Hay nói cách khác, là mối hoài nghi về sự sống ngày càng dày lên, mà cho rằng, cứ phải sống và không nên đặt câu hỏi là mọi thứ có mặt để làm gì, vận hành thế nào, suy vong ra sao. Khi chúng ta đưa ra lập luận phản văn minh đó thì những cuộc chiến cây cỏ cứ từng giây truyền vào giấc mơ con rắn. Và những giấc mơ cứ sản xuất nọc độc. Rồi nọc độc lại hòa vào nuôi sống cơ thể để cơ thể lại tái sản xuất giấc mơ.

Con rắn rất bận rộn với giấc ngủ.

Về ký ức của người đàn ông và người đàn bà

Họ ngồi bên nhau và hình dung thuở chưa có ký ức. Người đàn ông nói, quả táo lúc đó chắc sẽ phải lớn bằng bầu vú người nữ. Nhưng cả vườn táo chỉ sinh ra mỗi một quả. Ở vị trí giữa khu vườn. Họ gọi đó là loài cây Khôn Ngoan, biết thiện biết ác, biết xấu biết đẹp, biết tìm kiếm cái biết và khai mở những bí mật của đời sống này. Lúc đó, con rắn ngủ im lìm dưới gốc cây. Nó được sinh ra cho gốc cây. Và sinh ra để gắn với một thứ hệ lụy, mà ở thời chưa có ký ức, họ chưa thể nhớ ra.

Người nữ đã đánh thức con rắn để hỏi thăm về quả táo.

Và khu vườn bắt đầu xao động. Gió mách bảo cho người nam về một viễn cánh bất an sẽ thổi tràn qua trong chốc lát nữa đây, làm thay đổi cả tương lai của họ và cả khu vườn.

- Hãy nói cho tôi biết, ai là người mang tôi đến đây?

- Ha ha. Chẳng phải các người tự nhồi sọ rằng, các người là được nặn lên từ đất của khu vườn này ư? - con rắn nói.

- Tôi không hề hay biết gì. Tôi được ném vào đây với một giấc mơ lấp lửng. Trong giấc mơ tôi thấy mình chỉ là một chiếc xương sườn của anh ta! - người nữ nói.

- Vậy xem như đó là một mạc khải. Cuộc đời một con rắn như tôi cũng chỉ gắn với những mạc khải từ các giấc mơ. Nhưng tôi xác định được, đó là mạc khải của khu vườn. Tôi ăn những giấc mơ, chị không thấy đó sao? Chúng ta cũng như nhau. Vậy chị còn muốn biết cái kẻ ném chị vào khu vườn này để làm gì?

- Chỉ để hỏi rằng, vì sao mọi thứ xung quanh chúng tôi yên ổn đến bất động như vận hành theo một công thức, cả cuộc sống của chúng tôi nữa, cũng đều được quy định sẵn theo một hình mẫu, dù hình mẫu ấy đang vờ khoác lên lớp áo huyễn hoặc. Này rắn, mi hãy nhìn người đàn ông kia, một kẻ không biết khóc, suốt ngày chỉ đùa nghịch với những hòn đá cuội ở cuối vườn, hân hoan với cây cỏ mưa gió và vui cười một mình. Thậm chí gã không biết cả nỗi cô đơn của chính gã. Nhưng ta thử đặt mình vào trạng thái người điên, ta hiểu trong tiếng cười và nỗi hân hoan của gã chất chứa đầy ắp cô đơn và vong thân. Ta phải làm gì để cứu gã chứ? Cùng nhập cuộc vào trò chơi vô vị của gã hay là giết chết gã?

- Tại sao chị không chọn giải pháp thứ hai, giết chết gã, nếu chị thấy gã thật sự chướng tai gai mắt?

Không được. Tôi giết gã chẳng khác nào triệt tiêu chính mình. Tôi phải soi vào sự lãnh đạm với nỗi cô đơn của gã để thấy mình hiện hữu. Nhưng mặt khác, khi soi vào gã, tôi thấy sự trống rỗng của mình, Tôi không có ý niệm ký ức, hiện tại và tương lai. Cũng như khu vườn này. Cũng như sự sống của ngươi, một con rắn, chỉ tìm thấy chút ý nghĩa quẩn quanh trong các giấc mơ sặc mùi chiến tranh. Phải thế không? Nhưng rồi chúng ta vẫn phải sống chung. Chúng ta phải sống với sự nhàm chán đơn điệu này. Nếu tôi giết gã thì xem như đã góp phần xóa sổ lịch sử khu vườn, không còn một dấu vết nào. Muôn loài sẽ oán thán tôi.

- Vậy chị đã nhập cuộc vào trò chơi “thảy đá cuội và nhe răng cười” mà gã đang chơi hay chưa? - con rắn mỉa mai.

- Tôi đâu biết làm gì khác!

- Ta bày cho chị cách này. Nếu chị biết rằng quả táo trên cành kia mang chứa những ham muốn, biến những giấc mơ viển vông thành hiện thực và biến mọi hiện thực trong khu vườn này thành viển vông, làm cho kẻ mới đang cười đùa trong trò chơi thảy đá cuội bỗng trở nên âu sầu khóc than và biến kẻ mới khổ đau khóc than trở nên hoan hi, thì sao không sở hữu nó, nhất là nó sẽ cung cấp cho chị muôn vàn câu hỏi và sau đó, sẽ mạc khải cho chị muôn vàn câu trả lời. Chị sẽ đánh thức người đàn ông ra khỏi trạng thái mơ tưởng vô minh để điều khiển cảm xúc và hành vi của người đàn ông trong khu vườn. Chị sẽ làm cho hắn trở nên mụ mị điên đảo bới sự hấp dẫn lẫn khôn ngoan khuyến dụ của chị. Chị sẽ bước qua giới hạn của chiếc xương sườn để trở thành kẻ thống trị bằng não bộ. Khu vườn này sẽ thay đổi nhanh hơn. Tôi cũng cần thay đổi...

- Tại sao ngươi không làm điếu đó mà ủy thác cho ta?

- Tôi chỉ là một con rắn. Nếu một con rắn tỉnh táo thì nó có còn là nó hay không? Một con rắn thì cần bóng tối để cuộn mình ngủ ngon và săn mồi là những giấc mơ.

Con rắn đã thuyết phục người nữ cho đến lúc, chị với tay lên phía trái táo. Đó là thời khắc những pho chính sử của khu vườn bị đốt cháy. Từ nay, một pho sử mới không phải được viết từ Kẻ Ẩn Mặt mà bằng chính lịch sử riêng tư của thứ sinh vật sống trong khu vườn.

Những trang Sáng thế của khu vườn được viết rằng: “Khu vườn bắt đầu chuyển động về phương Đông. Nó liên tục bị đánh đuổi bởi những khu vườn khác. Những bãi đá cuội nơi người đàn ông đùa giỡn đã biến mất, thay vào đó là sa mạc hoang vu. Những dòng sông chảy tràn mật ong đã được thay bằng những dòng chảy ngầu đục. Và gió đã không còn thổi với âm hưởng của những lời ru say đắm nữa, vì người nam và người nữ biết rằng, thực chất đó chỉ là tiếng thở than...”

Người ta gọi đó là những ảo giác mới xuất phát từ mặc cảm tội lỗi của những kẻ thức tỉnh.

Ký ức của người nam và người nữ thực sự bắt đầu từ tiếng cựa mình của cây táo.

Con rắn khoanh tròn và bắt đầu công việc đớp lấy những giấc mơ đầy náo động.

Sự hóa thạch của gốc táo và Kẻ Ẩn Mặt

Chúng ta đã ra đi cùng với khu vườn, như trong một lời nguyền. Chúng ta chạy trốn con rắn nhưng sẽ chẳng bao giờ thoát được. Những suy nghĩ của nó vẫn tiêm nhiễm vào chúng ta từng giờ - ham muốn, chiến tranh và lo âu. Chúng ta trốn chạy khỏi khu vườn trước cơn gào thét tuyệt vọng của Kẻ Ẩn Mặt. Và chúng ta không thể biết rằng, trong khi đó, khu vườn cũng đang đuổi theo, bủa vây lấy chúng ta, chúng ta chạy mãi nhưng không sao ra khỏi nó. Từ nay, kẻ tác động chúng ta là những suy nghĩ của con rắn chứ không còn là mạc khải giấc mơ của Kẻ Ẩn Mật.

Con rắn nói, Kẻ Ẩn Mặt đã chết. Chính nó đã chôn ông ta ở cuối vườn, ở trên bãi đá cuội ngày xưa. Nó thuyết phục chúng ta tin điều đó để sống không lo sợ, không cầu khẩn. Ông ta chết với những chiếc khuôn hình người trống rỗng trong xưởng Tạo Người của mình. Ông ta chết trong sự ngổn ngang của những mẻ người dang dở chưa thành hình. Và về sau ta gọi những phế phẩm này là nửa người nửa ngợm.

Điều nguy hại hơn là con rắn đã làm cho chúng ta tin rằng, chính nó, mới là kẻ tạo nên chúng ta, chứ không phải là Kẻ Ẩn Mặt kia. Chính hắn đã làm cho chúng ta được sinh ra cái thế giới này một cách toàn diện bằng suy nghĩ; với việc, hấp thu giấc mơ và phóng xuất những Suy Nghĩ Nọc Độc vào không gian. Hắn sinh ra để suy tư về thân phận chúng ta.

Bây giờ, hắn vẫn cuộn tròn trên một gốc táo hóa thạch ở một khu vườn phương Đông. Chúng ta đến và hỏi hắn, vì sao trong những năm xa xưa, mi đã dạy người đàn bà cách phản bội Kẻ Ẩn Mặt thay vì giết người đàn ông? Hắn cười hahahap: “Vì ta nhìn thấy ở đây có một cuộc tình tay ba sẽ gây ảnh hưởng đến sự tồn vong của khu vườn”. “Cuộc tình tay ba nào?” anh hỏi. “Này ông kia, ông thật là cả tin và mất khả năng suy xét. Cuộc tình tay ba giữa người đàn bà với hai kẻ đàn ông. Một kẻ sáng tạo ra khu vườn và người đàn bà. Còn một kẻ tham gia nguyên liệu - chiếc xương sườn - tạo ra người đàn bà và thế giới của thị. Một kẻ hồn nhiên, yếu đuối sống trong viển vông còn một kẻ đầy quyền uy, sức mạnh lại sống trong hệ quy chiếu thực tại cứng nhắc. Việc của ta là phải bênh vực kẻ viển vông yếu đuối. Ta không sao cảm được câu chuyện một nghệ nhân làm gốm vì quá yêu tác phẩm mình nặn ra mà bao bọc bằng cách đặt nó biệt lập trong một không gian chân không tẻ ngắt như một sự đày ải. Ta phải giết chết cái thực tại bị tắm tưới huyền thoại đó để cứu vãn các ngươi, ta đập vỡ cái vỏ bọc chân không để đưa các người ra bên ngoài, cảm nhận hiện hữu... Thế thì tại sao các ngươi quay lại oán thán ta?”. “Nhưng ngươi đã đẩy chúng ta vào một tình cảnh phải phản bội, phải sống trong mặc cảm tội lỗi?”. “Điều đó nằm ngoài mọi sự hình dung của ta. Cả khu vườn này trôi tuột đi thất thoát biết bao huyền thoại, cả cái gốc rễ của cây táo, nơi trú ngụ của ta cũng đã hóa thạch. Ta cùng chung chia số phận với các ngươi!”. “Nghĩa là chính ngươi cũng hối hận về những việc làm tiêu diệt Kẻ Ẩn Mặt?”. Con rắn lặng thinh. Nó sẽ không trả lời những câu hỏi hóc búa và mang tính truy vấn. Nó nhường lại cho Socrates và các hậu duệ của ông. Vì nếu càng trả lời, Suy Nghĩ Nọc Độc của nó càng phóng vào không gian một cách ồ ạt. Mức độ tiêm nhiễm nọc độc cao sẽ làm thế giới náo loạn bởi chiến tranh và suy tàn.

Chất độc cũng làm cho người nó cương phù và tím tái.

Sáng thế ký của con rắn

Vào chiều Ngày Thứ Tám trong tuần, nó thở phì phì những vệt khói trắng mê hoặc vào không gian khiến cho mọi tạo vật trong khu vườn rạo rực hân hoan, riêng chúng ta thì dễ dàng bị cuốn vào trạng thái hư ảo mộng mị và phấn khích đảo điên. Chúng ta chơi vơi nhảy nhót và bắt đầu trút bỏ mọi xiêm y, ném ra khỏi đầu những suy nghĩ, toan tính, thả nổi mọi thứ cho ham muốn vận hành. Chúng ta chìm ngập trong không gian đầy khói trắng và nhảy múa lõa lồ bồng bềnh theo những vũ điệu ngợi ca xác thân và hoan lạc. Những đoạn đối thoại gãy vụn như những công án bị tước mất ngụ ý. Chúng ta bay trong chữ, trong lời, trong sự ngập ngụa của những nỗi thống khổ và hỉ hoan. Và lúc bấy giờ, tiếng kêu cứu của Kẻ Ẩn Mặt vào chiều thứ sáu trong tuần ở trên ngọn đồi ký ức, ở vị tri cuối khu vườn về sau bị bứng khỏi não bộ. Chúng ta không khóc, không mảy may tự hỏi, cõi hoan lạc và khổ đau mụ mị chóng vánh này có thực là đã tồn tại đâu đó vào những ngày đầu tiên của khu vườn hay không, ngày người đàn ông chơi trò tung hứng với mấy hòn đá cuội và người đàn bà đang mê hoặc kẻ nặn ra mình?

Ôi không, chưa bao giờ, dường như là vậy. Vì ký ức của chúng ta đã bị chặn lối vào cái thời điểm mà quả táo bị cắn lẹm trên môi người đàn bà, vào cái thời mà khu vườn bắt đầu chuyển động.

Con rắn vẫn không trả lời. Nó nằm vùi mình trong đống hóa thạch của gốc táo mà thở. Hơi thở của nó thành những đám khói xám mù mịt cõi nhân gian, rồi đến lúc nào đó sẽ tỏa lên cao thành các tảng mây lớn che chắn cái nhìn chúng ta vào bầu trời. Bầu trời lúc này là một vùng ẩn mật chất chứa mọi lời thở than và nguyện cầu. Vì chúng ta tin Kẻ Ẩn Mặt chưa chết thực sự, mà đang tiếp tục náu mình ở đó.

“Khu vườn ở đâu? Quê xứ chúng ta ở đâu. Có phải là phía sau màn mây bồng bẻnh kia?”

Ziziphus mauritiana, Malus domesticus hay Malus domesticus?

Theo sách y thực, táo mang lại sự tươi trẻ và sức sống trường sinh. Dù y thực không nói chắc là loài nào, Ziziphus mauritiana,Ztziphus nummularia hay Malus domesticus. Nhưng điều đó thì quan trọng gì?

Con rắn giữ bí mật. Chỉ nó mới biết rằng, quả táo duy nhất thuở xưa có xuất thân thế nào. Nhưng giờ thì nó đang bận ngủ.

Này khu vườn, khi rời phương Đông, mi còn thiên di về đâu


Đọc tiếp: ở lưng chừng nhìn xuống đám đông - Phần 2

Trang Chủ » Truyện » Tiểu thuyết » ở lưng chừng nhìn xuống đám đông
Powered by XtGem
Copyright © 2018 15Giay.Xtgem.Com