Chương 4hần 2
Từ đợt phát hiện ra Lệ mỹ rất thích xem đá bóng, cứ bữa nào rảnh rỗi là tôi lại theo lũ bạn túm tụm hẹn nhau tại sân vận động, dốc sức chơi hết mình. Khi ấy con bé hàng xóm cứ sống chết bám đuôi, hỏi sao không ở nhà học bài thì nó cãi: “Cô giáo vừa giao bài tập xong, em liền làm ở trên lớp hết rồi!”
Tôi nhíu mày, lấy đại một lý do: “Rỗi việc về nhà mà xem phim!”
“Không! Em chỉ muốn chơi với ăng thôi!” Có đôi lúc, Bánh Bột Gạo bướng ngang cua, tôi đành nghĩ cách phân cho nó chân tạp vụ, chuyên về việc phụ trách khoản nước lon và đồ tiếp tế đội bóng đá.
“Nước đâu!”
Dứt lời, Bánh Bột Gạo liền cầm chai nước, lon ton chạy ra. Không hiểu vì chân nó ngắn hay quãng đường dài quá mà nói chạy mãi vẫn chưa đến nơi. Tôi tức mình thúc giục.
“Không muốn tao ‘đuổi việc’ thì lẹ lẹ cái chân lên!”
“Đến ngay … Á!” Kêu lên một tiếng, nó ngã sóng soài trên đất, mấy thằng ranh bên cạnh cười phá lên, thi nhau vỗ tay hoan hô. Đợi đến lúc phát kịp nhận ra thì tôi đã thấy mình đứng trước mặt bọn nó, nghiến răng quát.
“XIN LỖI!”
“Hả?” Thằng kia nhăn mặt, cái chân chắn ngang đường bị tôi dồn toàn lực đè nghiến, nó đau đớn thét gào ầm ĩ. Bỏ qua ánh mắt tò mò của mọi người, tôi thản nhiên nhắc.“Tao nói mày ‘xin lỗi’ ngay!”
“Khoan đã… buông trước… Á ôi!!!”
“Nói!”
Đám bạn nó hoàn hồn, bắt đầu lớn lối thị uy, có thằng hùng hổ xắn tay áo chỉ chực đánh nhau. Tôi tức mình đạp mấy phát vào chân nó, theo mỗi lần đá cẳng chân tong teo lại nảy lên. Nó oằn mình, rên rỉ xin tha.
Tôi chỉ vào Bánh Bột Gạo, hạ thấp giọng: “Xin lỗi nó!”
“Á… được rồi… tao.. xin lỗi…xin lỗi…”
Chờ đến khi tôi vừa buông tha thằng kia cũng là lúc cả bọn nó xông vào. Tôi giờ đây không còn là thằng trẻ con đứa nào thích đánh là đánh, dùng mọi thủ pháp tránh né và chống trả quyết liệt. Sau một hồi đấm đá túi bụi, đám trẻ ranh đứa nào đứa nấy ngã lăn dưới đất.
“Hôm nay đến đấy thôi, mai đá tiếp!” Hội đá bóng nhất loạt gật đầu. Tôi bỏ qua ánh mắt sợ hãi của Bánh Bột Gạo, định kéo tay nó đi. Phản ứng đầu tiên của nó là giật mình rụt người về phía sau, ánh mắt lộ rõ vẻ hoang mang.
“Sợ à?” Không phải câu hỏi, mà là chắc chắn. Nó hơi nhìn tôi, lại cụp mắt, khẽ lắc đầu.
“Chê tay tao bẩn?”
“Không… không…” Nó lắc đầu quầy quậy, tôi bật cười, vỗ vỗ lên mái tóc mượt mà, khoảnh khắc vừa hạ tay, một thứ lành lạnh lơ đãng rớt trên mu bàn tay tôi. Nhìn kỹ lại hóa ra là nước mắt.
“Sao lại khóc?”
…
“Cấm lắc đầu, trả lời tao!”
“Họ nói… em là con hoang… suốt ngày theo đuôi cái thằng khùng… Con hoang với thằng điên là một đôi…”
Tôi quay người thực thi kế hoạnh trả thù đợt hai, nhưng Bánh Bột Gạo ngăn lại, cong môi cười, nụ cười sao mà gượng gạo.
“Em quen rồi, các bạn ở lớp vẫn gọi em vậy… em không hiểu ‘con hoang’ là gì, họ liền cười em, đánh em. Trên đường gặp ai em cũng hỏi ‘con hoang có nghĩa là gì?’ mấy bác ấy chỉ cười toáng… chửi em là đồ ngu…”
Tiếng nói bắt đầu đứt quãng, vì cố gắng kìm nén âm thanh nấc nghẹn làm mặt nó đỏ bừng.
“Em không ngu! Em muốn chứng tỏ rằng em không hề ngu… em hỏi mẹ. Mẹ lại đắng em… em không hiểu sao mẹ lại đắng em… có phải… vì em là ‘con hoang’ không ăng?”
Nó nhìn tôi bằng đôi mắt chờ mong. Hỏi một câu hỏi mà đến tận lúc đó tôi vẫn chẳng cách nào giải thích. “Bọn nó đã vậy lâu chưa? Tại sao lại nhẫn tâm khiến một đứa bé suốt ngày chỉ biết cười ngốc nghếch trở nên trầm lặng?” Tôi muốn an ủi nó, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Bánh Bột Gạo ngày ngày theo sau tôi, vậy mà tôi chả thèm quan tâm xem lý do nó hay ngồi buồn phiền một mình, có bị người ta bắt nạt không.
“Tao đã nói rằng đi học chả vui chút nào, mày cứ không tin, bây giờ mới sướng!”
Bánh Bột Gạo rút cuộc khóc ô ô, miệng mếu máo những từ vô nghĩa. Tôi chí mắng cho nó tỉnh táo, nhưng làm sai cách rồi chăng?
…
“Đừng khóc nữa! Mày xấu sẽ không có ai chơi đâu.”
Định dùng ống tay áo lau nước mắt trên mặt nó, mới phát hiện ra thứ mình mặc là áo cộc tay. Bánh Bột Gạo phì cười, cả mặt lấm lem như con mèo.
“Em chả cần ai, chỉ cần có ăng ngốc là đủ rồi!”
Tôi tỏ vẻ không vui, kéo tay nó, vừa bước một đoạn, tiếng than đằng sau khiến tôi dừng bước. Cẩn thận xem xét mới biết lớp da trên đầu gối nó bị tróc một mảng to hơn đồng xu, máu cũng theo đó mà chảy ra, nổi bật trên làn da trắng nõn bởi một màu đỏ tới ghê người.
Bánh bột gạo nhăn nhó không đi nổi, tôi cúi người, cõng nó lên lưng. Vừa đi vừa càu nhàu ăn gì mà nặng như heo, lớn lên chẳng ma nào thèm lấy. Bánh Bột Gạo sưng mặt giận dỗi, đúng lúc đó một chiếc ô tô con vụt chạy qua, tâm trạng nó liền nâng cao, không ngừng reo lên:
“Xe đẹp quá nha ăng!”
“Có gì đẹp!” Tôi bĩu môi. “Sau này có tiền tao mua cái khác còn oách hơn nhiều!”
“Ăng nói thật chứ?” Bánh Bột Gạo mắt sáng long lanh, nghĩ bụng cứ cái đà này chưa đợi lớn con bé đã bị người ta lừa mất sạch rồi. Đấy nó tin ngày mà! T_T
“Nếu vậy ăng phải cho em ngồi ké nhá!”
“Ừ, cho mày ngồi ghế phụ luôn!”
Bánh Bột Gạo phì cười, nhưng rồi lại lặng im. Tôi không chịu nổi việc đứa suốt ngày lải nhải đột nhiên biến thành con câm, một bên bực dọc thầm nghĩ mai phải cho mấy thằng ranh kia một trận. Một bên nghĩ thế nào để dỗ Bánh Bột Gạo vui lên. Đúng lúc dừng trước quán hàng rong gần trường, gọi mua một cây kem.
“Ăng mua cho ai đấy?”
“Cứ cầm đi! Hỏi nhiều!”
“Sao có một que thôi?” Mặt nó bí xị, xem chừng thất vọng lắm. Ý xấu nổi lên, tôi hung hăng quát.
“Tao mua cho đã là phúc ba đời nhà mày, còn chê ít thì nghỉ luôn!”
Dọa được nó xong, lòng tôi cũng không có vui, chỉ thấy bất an.
“Bánh Bôt Gạo, nếu có chuyện tương tự xảy ra một lần nữa, cứ nói với tao. Tao sẽ bảo vệ mày, đừng hòng đứa nào có ý định bắt nạt!”
Tôi thẳng mắt hướng về phía trước nên không nhìn ra biểu hiện trên gương mặt nó, lại nghĩ rằng nó chưa tin nên bồi thêm.
“Thú thật là toàn thể cái trường Nam Sơn này từ trên xuống dưới không ai xứng làm đối thủ của tao. Chỉ cần nói tên tao, bọn nó có mà chạy đứt dép!”
“Ăng nói dối!”
Nó lớn giọng phản bác.
“Ăng suốt ngày bắt nạt em đấy thôi!”
“Xì! Được tao bắt nạt là cả một vinh dự đấy biết chưa, có phúc thì cứ từ từ hưởng đi kẻo sau này có hối cũng chẳng kịp.”
Tôi cười hề hề, đợi lúc nó không chú ý há mồm thật to cắn hết nửa que kem. Nó tức lắm, liên tục vung nắm đấm thùm thụp đánh vào lưng tôi.
“Em mới không thèm đấy! Không thèm! Không thèm!… Trả lại kem cho em đây…!!!!”
Thằng tôi hơn chín tuổi, vừa thấp vừa ốm cõng theo một đứa nhỏ, nó bám chặt vào vai áo tôi, hai chân ngắn tũn đung đưa. Con bé chốc chốc ăn một miếng kem, lại đưa ra trước mặt tôi, vừa kêu lạnh vừa cười tít mắt. Trong ký ức của tôi từng có một chiều hè êm dịu như thế đấy…
Gần tới nhà trời đã sẩm tối, gặp đúng bố tôi đang đứng trước cửa. Ông ta nhìn tôi rồi lại nhìn sang Bánh Bột Gạo, lạnh lùng hỏi:
“Bây giờ là mấy giờ rồi?”
Tôi biết bố muốn chửi tôi lắm, nhưng tính vốn sĩ diện, ông ta không muốn làm um lên. Bánh Bột Gạo nhanh nhảu kể lại đầu đuôi câu truyện, may mà nó còn khôn, chừa mấy đoạn đánh nhau ra.
“Mau vào nhà để bác xem!” Bố phần bỏ dụng cụ ra, gọn ghẽ sơ cứu cho nó. Bệnh nhân, láng giềng ai có việc nhờ vả ông luôn hòa nhã giúp đỡ những người xung quanh, tính ra cũng là một người tốt. Nhưng hồi đó tôi lại không nghĩ vậy, thấy ông giả nhân giả nghĩa, chỉ biết dùng đòn roi để răn dạy con cái mình.
Mẹ Bánh Bột Gạo nghe tin con bị thương liền chạy vội vào nhà, vẻ mặt hốt hoảng. Sau khi được bố căn dặn kỹ càng về cách thay băng gạt. Hai mẹ con họ ríu rít cảm ơn bố con tôi, nửa ôm nửa bế nhau về, bên tai vẫn văng vẳng tiếng gọi của Bánh Bột Gạo.
“Ăng ơi, mai nhé!”
CHƯƠNG 5: CHƯA YÊU ĐÃ THẤT TÌNH
Con gái thật kỳ lạ, khi bạn quá nhiệt tình thì họ nói chưa đủ chân thành, quá chân thành đến ngốc ngếch thì họ khinh bỉ bảo trẻ con, khi bạn thờ ơ lại nói không đủ quan tâm, khi quan tâm lại mắng phiền phức mà tránh xa bạn,... đợi đến khi tất cả mọi chuyện đều hoàn hảo rồi thì họ mới phán một câu: “Thật ra từ trước đến giờ tớ hoàn toàn không thích cậu!”
Điểm số của tôi tăng dần qua các bài kiểm tra, mấy lão thầy vốn ghét tôi càng tỏ ra hằm hè, nghi ngờ thủ thuật gian lận, nhiều lần gọi tôi lên bảng để kiểm tra lại lần hai. Một ngày bị gọi đến bốn năm lượt lên bảng thì con trâu cũng hóa thành con hổ chứ chưa nói tới người.
“Giải tiếp bài 3!”
Thầy giáo già nua ngồi trên ghế, chễm chệ ra lệnh. Tôi tức mình gập đôi quyển sách, tay phải nén viên phấn vỡ vụn, chỉ về nhìn cái bàn trống không cuối lớp.
“Tôi ngồi một mình kia, thầy nói xem chép được bài ai?”
“Tôi bảo em làm thì cứ làm, đâu ra lắm lỹ lẽ!”
Lão giáo già tức giận vừa đập tay xuống bàn liền bị một quyển sách bay tới sát chân, ông ta giật mình nhảy dựng lên, ú ớ không nói lên lời. Tôi cười chế giễu, đến gần lật mở bài kiểm tra trên bàn trước vẻ sửng sốt của ông ta.
“Điểm số là do thầy chấm, nếu không tin tưởng thì để người khác làm thay. Thầy cũng chả trẻ trung gì, nghỉ hưu đi là vừa!”
“Cậu… cậu! Tôi sẽ báo về gia đình cậu! Trả về, tôi chịu không dạy được!”
“Đấy! là thầy tự nhận mình kém cỏi nhá! Tôi chưa nói gì đâu!”
Cả lớp cười ồ khiến các nếp nhăn trên mặt thầy càng tăng thêm. Mắt chạm tới người đồi bàn đầu tiên bên cửa chính, tôi bỗng sững lại, trong đầu trống rỗng.
Lệ Mỹ bày ra vẻ mặt lạnh tanh, ngay cả nhìn cũng không thèm đoái hoài tôi lấy một cái.
Trở về chỗ ngồi, niềm vui trong phút chốc tụt xuống còn dưới 0.
***
Tôi hạn chế làm việc theo cảm hứng, bắt đầy suy nghĩ biện pháp lấy thiện cảm từ người đẹp. Nhiều lần bắt gặp cảnh tượng vài thằng nhóc tặng quà, viết văn, làm thơ,… đều bị Lệ Mỹ từ chối không còn đường lui. Sau n ngày trau dồi kiến trức, tôi rút ra kinh nghiệm nhớ đời là không nên theo đuổi con gái bằng những cách thông thường, phải độc đáo và lạ lùng thì mới tạo ấn tượng sâu sắc.
Thời ấy Nam Sơn rất rộng rãi chứ chưa nằm trong vùng quy hoạch bị thu hẹp như bây giờ, khuôn viên trường phong cảnh hữu tình, bốn mùa muôn hoa đều đua hương thơm sắc thắm. Thế là có một ngày nọ đầu tôi bỗng nảy ra ý tưởng, nếu hôm nào cũng dậy thật sớm, dành tặng một “món quà nho nhỏ” cho Lệ Mỹ thì sao nhỉ? Nghe nói bọn con gái thích nhất là hoa hoét. Nghĩ vậy tôi liền bắt tay vào việc luôn, trước khi tiếng chuông báo thức vừa vang lên, dùng bản tính kiên cường và máu nhiệt huyết đang dâng trào của cậu trai tiểu học, tôi cố sức vật lộn với cơn bồn ngủ bật dậy khỏi giường. Khi ngang qua khuôn viên thì liếc trước ngó sau, nếu không có người thì thuận tiện ngắt một bông hoa, còn trường hợp chẳng may gặp phải người quen thì đành giả ngu ngắm trời ngắm đất, mau chóng kết thúc mấy câu chào hỏi vớ vẩn rồi nhanh tay ngắt bừa một bông. Kết quả chả biết xâu đẹp ra sao, chỉ cần có vật đặt dưới ngăn bàn Lệ Mỹ là phúc rồi. Sau đó tôi sẽ dạo một vòng quanh trường, nhằm đúng thời điểm cô ấy vẫy tay tạm biệt ba đến lúc phát hiện “món quà bí ẩn” của mình. Ôm một đống hy vọng nhìn nụ cười lan tràn trên gương mặt cô ấy, cho tới khi trong lòng tràn ngập hạnh phúc mới thỏa mãn đi vào giấc ngủ.
Một hôm trời trong sương sớm, bắt gặp một đóa hồng tươi đẹp nổi bật giữa vườn hoa, trải qua một hồi gạt, đẩy, giày, xéo,... cuối cùng cũng ngắt được thành quả. Còn đang ấp đóa hoa trong lòng, tưởng tượng ra vẻ mặt của Lệ Mỹ thì một bàn tay đột nhiên túm chặt lấy áo tôi.
“Ăng làm gì đấy?”
“Mẹ mày, làm tao sợ gần chết!” Thở phào nhẽ nhõm, tôi trừng trừng lườm Bánh Bột Gạo. Nó coi như không thấy, chứ chằm chằm nhìn vào bông hoa hồng đỏ rực, chớp chớp mắt.
“Đẹp quá!”
“Có khiếu thẩm mỹ!” Tôi vênh mặt, ngạo mạn cười hềnh hệch. “Tao mà ra tay thì có mà….”
“Ăng cho em nhá!”
“Hở?”
Bánh Bột Gạo xòe hai bàn tay, giọng nói nũng nịu lấy lòng. “Ăng ơi ăng, ăng cho em điiiiiiii!!!”
Da gà mọc đầy người, tôi cương quyết chặt bay ý định điên rồ của nó. Cho thế quái nào được, cái này là “lễ vật tình yêu” của tôi, thứ mà tôi dùng để tán gái đấy!
“Em về ép vào sách, tối nào cũng mở ra ngắm…”
“Ăng ơi…”
“…”
Hai tai bùng nhùng, tôi bắt đầu mất kiên nhẫn, quát tướng. “Mày đòi nữa tao cho ăn đấm!”
“Em không biết…”
“Hu hu…”
Nó khóc, tôi chịu thua! Đành phải tạm biệt đóa hoa tươi xinh, đi tìm một đóa hoa mới. Còn chưa gặt hái thành quả, một bàn tay bỗng chạm vào vai tôi.
“Bố bảo mày biến mà con chưa biến hả? Ông lại cho mày…”
“Trò này! Lên văn phòng với tôi!”
“ĐM, đụng đến con Bánh Bột Gạo là đen hơn chó!” Suốt buổi sáng uống nước chè cùng thầy hiệu trưởng tôi nhẩm đi nhẩm lại câu này. Thầy hiệu trưởng rất tốt, còn sợ tôi ngồi lâu quá mỏi chân, bảo tôi ra ngoài sân vận động, chạy “mấy vòng cho khỏe người”, mà sân trường tôi có nhỏ bé gì đâu, diện tích hơn 1000mét vuông. Sáng sớm còn chưa kịp ăn gì, vừa mệt vừa đói, lết gần chết mới được vòng thứ hai.
“A!!!!! Hôm nay cũng học thể dục hả ăng?” Lại là nó! Tôi ghét nó, bơ lác luôn, cắm đầu chạy, mãi sau chắc sợ tôi kiệt sức ngỏm giữa đường, được lão hiệu trưởng tạm tha đuổi về lớp học.
Theo lẽ thường tình, vào buổi sáng đầu tuần quạ bay đầy trời, tên tôi thay vì “vinh danh” dưới câu mở đầu: Những bạn học tốt nhất, thì lại là những trò yếu kém, phá hoại. Trước khi bước lên bục, tôi còn cố ý quay lại nhìn xem phản ứng của Lệ Mỹ. Cô ấy phát hiện ra “người tặng quà ” sẽ coi tôi như thần tượng vô cùng ngưỡng mộ đây ngước nhìn hay ngượng ngùng, e thẹn? Ai ngờ hai chữ “hối hận” đầu tiên được viết ra trong từ điển của tôi lại xuất hiện trong hoàn cảnh đó, càng không ngờ “oai hùng” bất tri bất giác bị đập tan để thay bằng “ô nhục”.
“Lần sau muốn tặng quà cho người ta, ít nhất phải xem lại có phải là đồ ăn cắp không đã!”
Lệ Mỹ cùng nhóm bạn của cô ấy chụm đầu vào nhau cười trộm, động tác vuốt tóc vẫn duyên dáng đến cực điểm. Tôi đứng ngây ra, nếu là thường ngày thì nhất định “kẻ đó” ăn chắc luôn vài đấm, nhưng đáng buồn đấy lại chính là Lệ Mỹ, công chúa tỏa sáng làm điên đảo tâm hồn tôi.
Tôi từng bị chửi rủa, hạ nhục, không gì là không có, đợi tới khi tưởng mình mắt mù tai điếc, chạm tới cảnh giới cao nhất rồi. Ai ngờ khi bị người mình để ý quăng ra một câu khinh rẻ, một ánh mắt coi thường thôi, tường thành nhiều năm dày công xây dựng bỗng chốc sụp đổ, mọi chuyện bất ngờ đến nỗi tôi kịp chống đỡ.
Bấy giờ mặc kệ người khác nói gì tôi chỉ lẳng lặng cúi đầu, một giây cũng không dám ngẩng lên. Hàng tá những lời phê bình kia, tiếng nói chuyện, âm thanh xì xào của cỏ cây đang diễn ra xung quanh nhưng tôi không phân biệt được đâu với đâu, chỉ duy nhất giọng điểu khinh miệt luẩn quẩn quanh đầu.
Tôi phát hiện ra một điều người đứng ở vị trí cao, tuyệt nhiên không phải lúc nào cũng là cao quý nhất mà có đôi khi chỉ là một thứ bẩn thỉu “được” trưng bày lên để bọn người bên dưới bêu nhọ và răn đe con em mình.
“ Ăng đứng trên đấy oai quá!” Bánh Bột Gạo chạy sang hành lang khối lớp bốn, như con chó nhỏ vẫy đuôi nhìn tôi, không hiểu sao gặp nó càng khiến ơn tức trong ngực tôi trào dâng.
“Oai cái con khỉ!”
“Ớ, làm sao trông ăng không vui?”
Tôi chán nản với cái mặt ngô nghê của nó, chán tất cả!
“Mày hại tao chưa đủ à? Khôn hồn biến xa tao ra một chút!”
“Em không có hại ăng mà…. Ăng ơi!”
Tôi đi ngang qua, bỏ mặc vẻ ngỡ ngàng của nó, không nó một câu. Đến khúc cuối hành lang chợt vài tiếng thì thầm vang lên khiến chân tôi đông cứng, một bước không nhích nổi.
“Dám chửi hiệu trưởng, đúng là chán sống!”
“Tao học với nó suốt… cái thằng đó á… từ hồi lớp một đã bố láo... còn ăn trộm đồng hồ nữa”
“Kinh nhỉ? Mấy tuổi ranh đã ăn trộm… sau này lớn lên chắc sớm đi làm giặc cướp!”
“Thế đã tốt, có mà chưa thó gì đã bị người ta đánh cho mục xác!”
…
“Họ nói ai vậy ăng? Nghe ghê quá đi!”
Bánh Bột Gạo nói không lớn lắm nhưng thế cũng đủ khiến bọn con trai ngẩng đầu lên, khi đã phát hiện ra tôi, đứa nào đứa lấy liền cúp đuôi chạy mất dạng. Đáng lẽ tôi phải không hề để tâm, nhưng chả hiểu sao lại bị câu nói của Bánh Bột Gạo đánh trúng, giận dữ nói lớn.
"Rất đáng khinh phải không? Vậy thì đừng lại gần đây. Tao- không đủ nhân phẩm để chơi với mày!"