Đọc truyện

Cuối Cùng Mình Cũng Lấy Được Vợ

Ở tuổi của mình, nhất là với một đối tượng như em, thì không thể xô bồ chạy bổ đến làm quen như thời sinh viên, cũng không thể làm ra vẻ “tình cờ gặp lại” một lần thứ hai được. Mà có ra vẻ tình cờ thì với thái độ của em như lần trước, chuyện cũng sẽ chẳng đi đến đâu. Mình cần một lý do, một người trung gian hoặc một hoàn cảnh đặc biệt nào đó, nhưng làm sao để có được bây giờ…?

Từ kinh nghiệm bản thân, mình có một lời khuyên cho các bạn nữ là nếu “được” tán thì hãy cẩn thận với những anh chàng mồm mép dẻo quẹo hoặc chai mặt bám riết bất kể đối tượng nghĩ gì. Bởi nếu yêu thật lòng, một người hoạt ngôn nhất cũng sẽ biến thành lóng ngóng, và những người tử tế sẽ không bao giờ muốn bạn phải khó chịu hay phiền lòng. Những ngày ấy, đúng là mình đã sa vào tình cảnh như vậy, cả ngày không nghĩ được gì nên hồn, cứ vu vơ sợ được sợ mất. Mối liên hệ trung gian duy nhất là anh bạn Đại diện trưỏng ngày xưa thì đã cùng vợ sang Canada định cư, mình cứ loanh quanh từ xa mà không biết cách nào để bắt chuyện với em lần thứ hai. Tóm lại, tình trạng mình trong một vài tuần sau đó là cực kỳ thê thảm.

May mà thời gian này mình đã giao được nhiều việc cho mấy cậu trợ lý, không thì không biết chuyện kinh doanh của công ty sẽ bị ảnh hưởng đến mức nào.

Đến một ngày, đứa cháu lớn kéo thêm mấy đứa cháu nhỏ qua chơi (gọi là cháu nhưng cả bọn đã trong ngoài 30 cả rồi), một đứa lôi mình đến gí vào gương: “Cậu xem cậu thành ra thế nào rồi. Không nghĩ ra cách gì thì chỉ còn cách trực tiếp xông đến, đập chết ăn thịt!” Đứa khác dọa: “Nghe nói chị ấy xinh lắm, xinh thì thiếu gì người theo? Cậu mà cứ lờ vờ là thằng khác nó nẫng mất ngay đấy!”

Nghe thế mình cũng thấy chột dạ. Đúng là một cô gái với nhan sắc và công việc như em, có biết bao nhiêu cơ hội gặp gỡ với những người chẳng kém gì, thậm chí còn hơn cả mình nữa. Đằng nào thì cũng chỉ còn có một cách, cứ liều mình như mấy nghĩa sĩ của cụ đồ Chiểu có khi lại hay (!)

Quyết định rồi, hôm sau mình mặc một bộ kaki giả bò hơi bụi bặm một tí, đúng giờ chờ em ở dưới sảnh tòa nhà. Thật may, hôm đó em đang bận gì đó nên đi ăn trưa một mình, vừa ăn vừa đọc tài liệu. Mình chờ đúng lúc em ăn xong, lại gần chào rồi hỏi ngay: “Xin lỗi, anh có thể gặp em 15 phút được không?”

Em chỉ có vẻ hơi ngạc nhiên một chút rồi lấy lại bình tĩnh rất nhanh, xem đồng hồ rồi nhẹ nhàng gật đầu: “Vâng, em cũng còn khoảng 15 phút, có chuyện gì không ạ?”

Mình ngồi xuống đối diện với em rồi không vòng vo, đi thẳng vào vấn đề: “Những lời anh sắp nói đây có thể sẽ làm em rất bất ngờ, thậm chí có thể bực mình, nhưng dù thế nào cũng xin em nghe đến hết, vì anh chỉ có 15 phút thôi, được không?”

“Vâng, anh cứ nói đi!” Nhìn em lại bắt đầu ngạc nhiên, chắc là đang nghĩ: “Thằng cha này có làm sao không nhỉ…?” Mình cũng chẳng còn gì để mất nữa, bắt đầu ngay: “Chắc em còn nhớ, năm 2003 chúng ta đã có ba lần gặp nhau, lần thứ hai em và anh còn nói chuyện gần hai tiếng về công việc?”

“Vâng…?”

“Anh chỉ muốn nói với em rằng, sau cuộc nói chuyện đó, em đã chiếm một vị trí đặc biệt trong tâm trí anh. Anh nói chuyện ngay với anh B., anh B. nói em đã có người yêu mà anh vẫn không sao quên em được. Sau khi em phải theo gia đình về quê, anh đã mất tinh thần mấy tháng trời…”

“Em có thể không tin, nhưng sự thực là sáu năm qua, cứ nghĩ đến em là anh lại thấy xót xa vì anh có biết một chút vì sao em phải rời Hà nội. Thế nên gặp em hôm trước, em không biết là anh đã mừng đến mức nào, vì anh thấy em đã vượt qua được hoàn cảnh để trở lại với những gì em xứng đáng được có…”

Đại loại là lúc ấy mình đã nói như vậy, chỉ mấy phút mà cổ họng khô khốc. Mình uống bừa cốc nước lọc trên bàn rồi nói lời cuối cùng: “Sáu năm qua, trong tim anh lúc nào em cũng có vị trí đặc biệt như vậy. Nên hôm nay anh mới tới tìm em, đầu tiên để chúc mừng em đã trở lại, sau nữa là để nói ra tất cả những điều ấy. Bởi nếu gặp rồi mà không nói ra với em, có lẽ anh phát điên lên mất…”

Sau đó là một khoảng lặng “kinh hoàng”, mình và em nhìn nhau một thoáng. Mình nhận ra đôi mắt em lúc tối lúc sáng, và có lẽ em cũng kinh hoàng chẳng kém gì mình. Mình phải trấn an em ngay: “Xin lỗi vì có thể anh đã làm em sợ, nhưng em yên tâm. Anh chỉ nói với em một lần thôi, nếu em không thích, từ nay anh sẽ không làm phiền em nữa...”

Em vẫn yên lặng một lát, rồi tự nhiên bật ra câu hỏi: “Anh nói những lời như thế, không sợ làm chị ấy buồn sao?”

Đầu mình thoáng tê đi trong một dự cảm tốt lành. Mình lấy hết sức bình tĩnh, “thản nhiên” trả lời: “Anh chưa có gia đình, đó cũng là một phần lý do hôm nay anh tới gặp em. Nhưng chủ yếu là anh muốn nói với em rằng anh rất mừng vì em đã trở lại…”

Nhìn đồng hồ thấy đã hết 15 phút, mình “kiên quyết” đứng dậy: “Chắc bây giờ em phải quay lại làm việc. Đây là số của anh, nếu không muốn gặp nữa, em chỉ cần nhắn một tin ngắn cho anh. Còn nếu không nhận được tin gì thì anh sẽ lại đến tìm em, được không?” Lúc ấy thực sự là mình có ý áp đảo em. bởi cũng chẳng còn gì để mất.

Em vẫn ngồi yên tại chỗ như chưa hết sợ, chỉ khẽ “vâng” và gật nhẹ đầu khi mình chào từ biệt.

Ngày hôm sau với mình là một ngày dài đằng đẵng, cứ có chuông báo tin nhắn là sau gáy lại gai lên một chút, giơ điện thoại lên thấy số lạ (lúc ấy mình vẫn chưa có số của em) lòng lại càng chìm xuống, đến khi mở tin nhắn ra đọc không phải mới kín đáo thở phào một hơi. Nghĩ đến chuyện có thể bị từ chối và phải giữ đúng lời hứa không gặp em nữa, thực sự mình cảm thấy tức thở. Có thể nhiều bạn sẽ cho rằng mình đã quá sến hay quá mẫn cảm, nhưng phải ở vào hoàn cảnh như thế các bạn mới hiểu. Bạn phải tìm rất lâu mới thấy được báu vật của đời mình, chưa kịp vui mừng đã lại phải sợ có thể sẽ mất đi, cảm giác đó thực sự là rất, rất khó chịu.

Ngày đầu tiên em không nhắn gì. Mình chờ đến nửa đêm hôm sau, khi chuông đồng hồ điểm 12 tiếng mới bật nắp một chai vang tự chúc mừng. Chiến thuật cảm tử có đôi chút điên rồ nhưng như người ta nói, “đúng là cách khi hết cách”. Bây giờ mình có thể đường hoàng xuất hiện trước mặt em, chỉ cần em chịu nói chuyện thì mình tin, mình sẽ tìm được cơ hội.

Không ngờ ngay đầu giờ chiều hôm sau mình đã nhận được tin nhắn: “Tối nay 7 giờ, em gặp anh ở chỗ cũ được không ạ?”

Chà chà, được quá đi chứ!

Mình đang có công chuyện ở Thái nguyên bèn điều chỉnh ngay lịch làm việc, rút ngắn thời gian mấy cuộc gặp rồi nhanh chóng quay về Hà nội. Đúng 7 giờ tối, thằng bé đã đĩnh đạc ngồi chờ tại ngội quán cũ, cũng đúng chiếc bàn đó.

Em đến sau 7 giờ vài phút, thoạt trông mình hơi hoảng khi thấy vẻ mệt mỏi trên mặt em. Mình không tin sự tỏ tình hôm trước có thể khiến em trở thành như vậy, bởi dù kiểu cách đường đột nhưng mình cư xử rất lịch sự, và vẻ bề ngoài cũng không thể khiến em nghĩ rằng mình là người không đàng hoàng. Hay, em đang gặp phải một chuyện buồn nào đó?

Sau vài câu chào hỏi xã giao, hai đứa ngồi tại chỗ… nhìn mặt bàn. Có vẻ ai cũng chờ người kia lên tiếng trước, cuối cùng mình thử bắt đầu bằng một câu pha trò: “Anh xin lỗi lần nữa vì sự đường đột hôm trước, không biết em đã phần nào hoàn hồn lại chưa…?”

Có lẽ đến cả tấn đá đã rơi khỏi người mình lúc đó khi nhìn thấy em mỉm cười, dù nụ cười rất nhẹ. Nhưng câu nói tiếp theo lại khiến mình rơi ngay vào hoang mang: “Em cũng xin lỗi đã làm mất thời gian của anh. Em nhắn gặp anh hôm nay không phải ý gì đâu, chỉ muốn nhờ anh giúp một việc…”

“Không có ý gì” nghĩa là ý gì? Chẳng nhẽ em thấy nhắn tin là bất lịch sự nên mới hẹn mình ra gặp một lần, coi như phát súng ân huệ cho kẻ tử tù tội nghiệp?

Khi mình đã chuẩn bị để chết cho thật đẹp thì em tiếp lời nói về một chuyện hoàn toàn khác, lúc đó mình mới phần nào đoán ra, vì sao em lại có vẻ mệt mỏi như vậy.

“Em không phải mới quay lại Hà nội mà đã gần năm năm rồi. Lúc quay lại, em không liên lạc với chú B. (em gọi anh bạn Đại diện trưởng bạn mình bằng chú), mãi về sau em mới biết cô chú đã đi định cư…Ngoài cô chú B., chỉ có mình anh là biết chuyện gia đình em. Em muốn nhờ, rất nhờ anh giữ kín chuyện giúp em…”

Nhìn vẻ mặt em, mình biết câu chuyện còn nhiều chi tiết nữa, có thể còn nặng nề bi kịch hơn những gì mình đã được nghe. Nhưng mình không muốn và cũng không cần biết thêm gì nữa, quan trọng nhất là hôm nay mình đã được gặp em, và dù bằng một cách không ai muốn thì giữa mình với em đã có một sợi dây liên hệ…

Suốt mấy tháng trời sau đó, quan hệ giữa mình và em là một tình trạng khá lạ lùng. Không phải là bạn bình thường (cả hai đều hiểu ngầm như thế) nhưng tương lai sẽ như thế nào thì cải hai lại không hề dám chắc, đúng hơn là vì em không xác định nên mình cũng không thể mong gì hơn.

Mình vẫn có thể rủ em đi chơi, bảy mười ngày một lần. Hai đứa nói đủ thứ chuyện thơ ca nhạc họa, nhưng em không nhắc một lời nào về bản thân và gia đình. Dường như em là một con-người-có-hai-lớp-vỏ, và mình dù cố gắng đến mấy, cũng chỉ được tiếp xúc với lớp bên ngoài của em. Tất cả mọi sự riêng tư, mọi cảm xúc và suy nghĩ, em giấu kín bưng trong tầng thứ hai, mà có lẽ không một người nào được nhìn thấy.

Qua những lời mơ hồ trong câu chuyện của em, mình chỉ biết rằng sau khi quay trở lại Hà nội, em tránh né tất cả các mối quen biết cũ, người thân duy nhất dạo ấy là một cô bạn cùng lớp cấp III, đã chia sẻ phòng trọ và giúp đỡ em nhiều trong thời gian đầu tiên. Sau đó người bạn lấy chồng rồi theo chồng về Quảng ninh sinh sống, “anh ấy cố mấy năm nhưng cuối cùng không trụ được, phải rời Hà nội về quê” em kể lại như vậy.

Đó là những chi tiết riêng tư duy nhất mình biết được từ em trong suốt mấy tháng trời. Mỗi lần đi cùng nhau, mình đều rất muốn được nghe em kể về công việc và bạn bè, nghe em nói đùa hoặc thậm chí chỉ cần cười một lần thật thoải mái cũng tốt. Nhưng, em luôn luôn chỉ là một quý cô xinh đẹp chỉnh tề, uyên bác, đúng mực và tự chủ. Nếu em cười, lúc nào cũng chỉ là nụ cười một nửa, nghĩa là có thể rất tươi tắn thân thiện nhưng nhìn vào trong mắt, mình thấy ngay lòng em không hề cười.

Đến một lúc mình buồn rầu nhận ra, sự kiên nhẫn của mình hình như đang vơi dần. Hình như mọi cố gắng của mình đến lúc đó chỉ giống như tìm cách trồng cây trên một mặt sàn gạch men bóng đẹp, nhưng dù có đẹp đẽ cỡ nào thì trước sau cây cũng sẽ chết mà thôi.

Mình chợt nảy ra ý nghĩ đi tìm cô bạn của em. Chuyện này không khó lắm vì em có nói nơi chồng cô bạn làm việc, tình cờ mình lại quen phó giám đốc công ty đó. Phải có một người hay một cách giúp mình hoặc giúp em thoát ra khỏi tình trạng này, nếu không, có lẽ câu chuyện của mình lại có nguy cơ kết thúc buồn như bao nhiêu lần trước.

Không ngờ khi mình chưa kịp tìm thì đã gặp cô bạn, nhưng lại theo cách không ai muốn nhất trên đời…

Đó là đầu hè 2010, khoảng 5 rưỡi chiều, mình vừa về nhà thì nhận được điện thoại của em. Mình biết có chuyện vì em chưa bao giờ tự gọi cho mình, quả thực bật máy lên mình nghe thấy giọng rất gấp gáp của em: “Anh có thể giúp đưa em đến nhà H. không, nó vừa bị tai nạn…?”

Mình vội lấy xe chở em đi. Sau vẻ mặt mệt mỏi lần bị tỏ tình kiểu dội bom, đây là lần thứ hai mình thấy em hoang mang lo lắng. Mình không biết nói gì, chỉ đành an ủi: “Người tốt sẽ được trời giúp, đợi sơ cứu rồi chuyển H. về Việt Đức xem sao!” Nói vậy nhưng mình biết tình hình không ổn chút nào, bởi người gọi điện cho em dường như là để gặp mặt lần cuối…

Đến viện, hai đứa lao ngay tới phòng cấp cứu. Hóa ra câu chuyện vô cùng đơn giản… Nhà vợ chồng cô bạn ở mặt đường. Cuối giờ chiều, cô bạn đi dạy xong mới chạy sang bên kia đường mua thịt. Vừa mua xong thì bà nội bế cháu đi chơi về, đặt cháu xuống đất lấy chìa khóa mở cổng. Đứa bé nhìn thấy mẹ, quên hết tất cả chạy ào qua đường, đúng lúc một chiếc xe chở phế thải đi tới. Cô bạn em kịp lao đến đẩy con ra nhưng bị chiếc xe cán qua người, lôi đi cả chục mét mới dừng lại…

Em chỉ gọi nghẹn một tiếng: “Hoa…!” rồi nắm tay bạn lặng lẽ khóc. Cô bạn vừa được sơ phẫu nằm bất tỉnh trên giường, băng quấn kín người. Bác sĩ quen của gia đình nói riêng với bố anh chồng, không hiểu sao cô ấy còn sống được đến lúc đó, bởi cú đâm xe quá mức thảm khốc. Đứa bé thì được mẹ cứu thoát nhưng bị ngã mạnh, và có lẽ vì quá sợ nên cũng ngất đi, đến lúc mình và em tới vẫn chưa tỉnh.

Đến 11 giờ cháu bé mới đột ngột thức dậy, được bố dỗ nín rồi bế đến bên mẹ. Theo lời người bố kể lại, lúc bé cầm tay mẹ, cô bạn dường như tỉnh dậy một thoáng, khẽ mấy máp môi rồi ra đi. Vậy là người mẹ đó đã cố níu kéo sự sống, đến khi biết chắc con mình được an toàn mới chịu từ giã cõi đời. Đêm hôm đó, mình đã được chứng kiến sức mạnh kỳ diệu của tình mẫu tử.

Mình không bao giờ quên quang cảnh trong phòng bệnh lúc ấy. Ánh đèn điện yếu ớt, người chồng câm lặng gục đầu bên cạnh vợ, đứa con mới ba tuổi khóc gọi mẹ ơi… Tất cả gợi lên cảm giác sự sống thật mong manh, và đột nhiên mình chợt muốn mãnh liệt ôm ghì em vào lòng, khẩn thiết khuyên em hãy sống hết từng phút chừng nào còn được sống. Bởi khi nhìn sự đau đớn của những người ở lại, mới thấy cuộc sống quý giá đến nhường nào…

Cuối cùng mình đã kìm lại được, giúp gia đình hoàn thành mấy thủ tục bệnh viện rồi đưa em quay về Hà nội. Sáng hôm sau em muốn sắp xếp vài việc để buổi chiều quay trở lại Quảng ninh, ở với bạn cho đến khi tang sự xong xuôi. Cho đến lúc ấy, cả mình với em đều chưa có gì vào bụng. Bảo em ăn nhưng em lắc đầu, mình đành khuyên “vậy thì em ngả ghế, cố ngủ đi một chút”. Thấy em nhắm mắt, mình mới bắt đầu lên đường.

Đường nửa đêm vắng tanh, mình vừa lái vừa nghĩ lan man, và tự nhiên thấy cuộc đời sao mà thật bất công với mình. Người duy nhất có thể giúp nay đã không còn nữa, không biết ngày mai mình sẽ phải tiếp tục thế nào. Thiên hạ vẫn yêu nhau rồi lấy nhau hàng ngày, tại sao với riêng mình thì chuyện đơn giản đó lại phức tạp đến như vậy?

Đột nhiên mình cảm giác em đã tỉnh. Nhìn sang bên, mình giật mình thấy hai vai em đang run bắn, nhưng không hề có tiếng khóc. Dường như em đang cố gắng im lặng, chỉ giữ lại tiếng khóc cho riêng mình. Mình vội vàng tấp xe vào lề đường, đưa tay nắm cả hai tay em (lần đầu tiên) rồi lấy giọng thật chân thành: “Nếu em muốn khóc, hãy khóc cho hết đi. Đừng giữ lại điều gì, ít nhất anh cũng là người bạn em có thể tin tưởng…”

Cuối cùng em đã khóc ra thành tiếng, khóc như một đứa trẻ trên vai mình. Không biết chất chứa đã bao nhiêu năm, nước mắt cứ rơi, rơi mãi… Sau cơn khóc, lần đầu tiên em đã mở lòng, một câu chuyện dài, buồn, và thật đáng phẫn nộ…

“Từ khi nhận biết được các thứ xung quanh, em đã thấy em bị gọi là con dâu nhà ấy. Lúc đó em không biết gì, cứ vô tư sang nhà anh ấy chơi vì hai bác vui tính, nhà lại có khu vườn rất đẹp. Đến khi lớn lên một chút, biết “con dâu” là gì và cảm thấy đó không phải là gọi đùa, em mới phản đối lại mọi người. Kết quả em bị bố đánh cho một trận, lần đầu tiên em nghe câu nói “không có bác thì không có mày trên đời đâu con ạ” và biết rằng, phận của em đã được định đoạt từ lúc chào đời…”

“V. là con cả, khỏe mạnh nhanh nhẹn nhưng rất nghịch ngợm, kiểu coi trời bằng vung, hơn em hai tuổi nhưng học đúp mãi, cuối cùng thành cùng lớp với em. Suốt những năm phổ thông, luôn luôn là em đứng đầu còn anh ấy đứng cuối lớp. Từ năm lớp 9 anh ấy đã bắt đầu gọi em là vợ, em bực lắm nhưng sợ không dám cãi lại. Có đứa con trai trong lớp trêu em, bị anh ấy đánh một trận rồi dìm xuống mương suýt chết ngạt. Từ lúc đó không ai dám nói gì về V. và em nữa, cũng may anh ấy chỉ gọi thế nhưng không làm gì quá đáng, cuối cùng cũng học được hết phổ thông…”

“Ở quê em, đàn bà con gái không hề có tiếng nói trong nhà, tất cả mọi sự đều do người đàn ông quyết định. Em biết mẹ phản đối sự sắp đặt của bố nhưng cũng như tất cả những chuyện khác, mẹ chỉ dám để trong lòng. Có lần em chứng kiến mẹ chỉ khẽ khàng có lời: Anh ạ, con T. nhà mình học được, hay để cho nó học lên kiếm lấy cái nghề tử tế, đừng bắt nó lấy chồng sớm quá? Chỉ có thế mà bố em nổi điên, cầm chiếc ấm quăng ra giữa sân, và em lại được nghe câu không có bác ấy thì đừng hòng có nó trên đời…”

“Theo sắp đặt của bố em và bác ấy thì học xong phổ thông là em phải ở nhà lấy chồng, nhưng lên cấp ba em học giỏi đạt giải quốc gia, nên việc học của em được nhiều người chú ý. Nhờ các thầy nói giúp, bố đã đồng ý cho em thi đại học, anh ấy cũng xin được một suất học trung cấp ở Hà nội…”

“Lên Hà nội, em cắm đầu vào học và đi làm, vì chỉ có đó là con đường duy nhất giúp em có thể thoát ra khỏi tình cảnh hiện tại. Nhưng V. không chịu từ bỏ, bố em cũng không đổi ý, anh ấy không ngăn cản em nhưng luôn theo dõi em từng bước, tra hỏi về từng người em gặp. Em đã mất những chỗ làm rất tốt vì tính ghen tuông của V. cho đến khi tìm được việc trong văn phòng của chú B., cũng chỉ vì V. nhận xét rằng chú ấy trông có vẻ tử tế…”

“V. không học xong trung cấp, có đi làm một vài nơi nhưng vì tính hay cãi nên chỉ được vài tuần là mất việc. Lần cuối cùng là anh ấy làm bảo vệ, cãi nhau với khách hàng đến mức chút nữa gây án mạng, sau đó anh ấy bảo không thể sống được ở Hà nội nữa và bắt em cũng phải về quê…”

Lý do em về quê thì ra là như vậy. Theo lời anh bạn, suốt mấy năm mình cứ nghĩ vì anh chàng người yêu thấy ba người đi ăn trưa nên mới nổi cơn ghen. Dù sao cũng có chút nhẹ nhõm trong lòng khi biết mình không phải là lý do đẩy em vào bi kịch…

Có lẽ đã đau đến tận cùng nên giọng em vô cùng bình thản, bình thản như nói về chuyện của người khác: “Em thấy V. đã không còn cách chữa, lại bị bố thúc giục nên đành trở về nhà, chỉ hy vọng không khí và môi trường sống làng quê có thể làm anh ấy trở nên thuần tính...”

“Những năm qua, mặc dù không muốn nhưng em hiểu nỗi khổ tâm của bố. Bác ấy có thể không bị thương nặng như thế, nhưng vì cứu bố em mà mất hẳn một chân, còn bị mảnh đạn găm đầy trong phổi. Vì bác mà bố em còn sống, em được sinh ra trên đời, làm con bác để trả ơn là chuyện em không thể từ chối…”

Mình không hiểu tại sao, nghe vậy mà lòng mình chỉ thấy thương em vô hạn, không bất bình với hai ông bố, cũng không có cảm giác căm ghét V. Tình yêu thật sự bao dung như thế chăng? Hay trong tình cảm của mình với T. còn cả tình thương của anh trai với em gái, của con người đối với đồng loại của mình? Mỗi một người trong câu chuyện của em đều mắc phải một cái nghiệp đã định sẵn, hoặc vô thức đi theo như V. hoặc cố vùng vẫy để thoát ra như em, cuối cùng cũng không thể thoát khỏi…

“Khi em về, cả bố em và bác ấy đều muốn cưới ngay cho xong, chỉ vì bà ngoại mất chưa lâu nên phải chờ thêm mấy tháng. Ngày ăn hỏi và đám cưới đã định, ban ngày em phải sang nhà anh ấy làm dâu, đến tối mới được về. Em làm mọi thứ trong nhà, không nề hà bất cứ việc gì. Thực ra em rất thương bác gái, và dần dần cũng hiểu hoàn cảnh của bác trai. Hai bác chỉ có hai con trai nhưng V. thì không chí thú, người con trai thứ hai lại bị chậm phát triển, lấy em làm dâu có lẽ là hy vọng duy nhất để hai bác có thể yên tâm về sau này…”

“Về nhà vài tuần, em nhận ra em đã nhầm. V. không chịu tĩnh trí làm ăn, suốt ngày chỉ lang thang ngoài quán, hôm nào về nhà cũng hơi rượu nồng nặc. Bà bán rượu cũng ái ngại, giục anh ấy kiếm việc đi làm, V. đã trả lời ngay giữa quán: Tôi cần quái gì đi làm. Vợ tôi nó giỏi lắm, nó khắc lo được tất!”

“Câu nói của V. làm hy vọng cuối cùng trong em sụp đổ. Buổi tối đi qua bờ ao, lần đầu tiên em đã nghĩ đến cái chết. Ao làng em lúc nào cũng đầy nước, em chỉ cần đi sang trái mấy bước là xong… May mà lúc ấy có mấy đứa trẻ con đi sinh hoạt đội ngang qua, không thì không biết bây giờ thế nào…”

“Đó cũng vẫn chưa phải là điều kinh khủng nhất, chuyện tồi tệ nhất là em phải chịu đựng sự động chạm với V. Cả bố em và bố anh ấy đều cấm không được làm gì trước ngày cưới, nhưng V. vẫn tìm đủ mọi cách để chạm vào người em. Lần nào bị V. động vào, em cũng cứng cả người vì sợ, không phải sự sợ hãi bình thường mà gần như là em bị tắc thở, cảm giác như sợ đến ngất đi. Lúc bấy giờ em mới nhận ra, lý trí có thể chịu đựng nhưng bản năng của em lại tuyệt đối không chấp nhận anh ấy…”

“Em còn đủ sức sống tiếp là chỉ vì nghĩ đến mẹ. Phận người phụ nữ quê em, tủi nhục thế nào cũng chỉ dám khóc thầm, mẹ chỉ an ủi xót thương em chứ không dám trách móc gì bố. Có lẽ sống quá lâu trong đè nén áp bức, con người ta cũng dần tự coi mình như con sâu cái kiến. Lúc ấy em đã chôn vùi mọi dự định ước mơ, coi như cuộc đời mình sẽ kết thúc ở đó, chỉ có thân thể em vẫn khăng khăng phản kháng, không chịu chấp nhận để V. chạm vào…”

“Hôm ấy là buổi chiều tối. Em làm việc nhà bên ấy xong, chuẩn bị đi về thì V. về nhà. Vừa xuống khỏi xe máy, anh ấy say quá nôn ngay ra sân. Em đỡ anh ấy vào giường, lấy chậu lấy nước rồi đi lau dọn. Chắc là vì say, V. đang nằm tự nhiên vùng dậy lôi em xuống…”

“Cả người anh ấy nồng nặc mùi rượu, mùi nôn, em cố vùng ra nhưng không thể chống lại. Cảm giác sợ hãi, uất ức khiến em gần như ngất đi, lần thứ hai em lại nghĩ đến cái chết…”

“Không biết vì sao, lúc đó V. tự nhiên tỉnh rượu. Thấy thái độ của em, hình như anh ấy nhận ra điều gì đó và buông em ra lấy xe phóng đi, lại ra quán uống đến tối khuya. Lúc về anh ấy lạc tay lái, lao xuống chân đê bất tỉnh, nằm viện gần một tuần thì mất…”

“Đám tang V., đầu tiên em không muốn đội khăn. Vì chuyện đó mà em bị bố đánh một trận kinh khủng, đến khi mẹ em phải quỳ xuống van xin cả hai bố con, em đành phải nghe lời mẹ. Thế rồi không biết từ đâu, trong làng lại kháo nhau là vì em cậy học cao khinh người nên V. mới buồn, mới uống rượu mà bị tai nạn. Em trở thành chủ đề cho người ta cạnh khóe, răn dạy, cả họ hàng cũng xa lánh…”

“Em chỉ còn cách cúi mặt xuống mà sống, định hết giỗ đầu anh ấy mới đi cho trọn nghĩa. Không ngờ bố anh ấy nhất định không chịu buông tha, ép bố em phải gả em cho đứa con trai chậm phát triển của báy ấy, ý rằng em nhất định phải gán vào nhà bên đó để trả nợ, trả cái ơn vì cứu bố em mà em được sinh ra…”

“Đến lúc ấy thì mẹ em cũng không thể chịu được nữa, mẹ nói với em: “Con thu xếp ngày mai đi ngay đi, đừng để ai biết. Nếu phải lấy mạng đền ơn, ngày mai mẹ chết trước mặt ông ấy thay cho bố con!” Em khóc xin mẹ cùng đi với em, nhưng mẹ bảo mẹ không bỏ được bố. Em đành phải gạt nước mắt đi như chạy trốn khỏi làng, hơn năm năm rồi…”

“Năm năm trời, em có nhà mà không dám về, chỉ thỉnh thoảng nói chuyện được với mẹ vì bị bố cấm. Mẹ em bây giờ khổ lắm, vừa làm việc nhà vừa phải sang bên ấy giúp vì mẹ V. bị ốm liệt giường, cậu em trai lại không thể tự lo. Cứ nghĩ đến là em lại như mất trí, không biết làm sao để giúp mẹ…”

Giọng em nhỏ dần, rồi co người trên ghế thiếp đi. Mình cho xe từ từ lăn bánh, lòng chợt trở nên bình tĩnh lạ thường. Mình sẽ phải giúp em vượt qua tất cả các chuyện này, thực sự rất khó nhưng mình tin nếu có lòng thành, mình và em sẽ làm được…

Một tháng sau cái đêm đáng nhớ ấy, mình được gặp mẹ em. Bà lấy lý do em trai (tức là cậu ruột em) vừa sinh cháu đích tôn, đến Hà nam thăm cháu và hẹn chúng mình ở đó. Người cậu này chỉ hơn mình đúng 2 tuổi, 20 tuổi sinh con trai, đứa con trai 22 tuổi noi gương bố. Vậy là vừa mới 42, cụ đã có cháu đích tôn bồng bế.

Em kể bố mẹ em ngày xưa nổi tiếng xinh trai đẹp gái nhất làng, gặp rồi mình mới thấy chắc là không sai. Mẹ em đã ngoài 50, vất vả như thế mà khi gặp, rất khó hình dung là một phụ nữ từ bé đến lớn chỉ làm ruộng. Có lẽ em là kết hợp những nét đẹp nhất của bố và mẹ nhưng giống bố nhiều hơn, nhìn chỉ hao hao giống mẹ, phát hiện đó làm mình đột nhiên thấy “thông cảm” với bố em hơn đôí chút. Dù sao ông cũng là người đã cho em hình hài nhan sắc này…

Sau khi khóc được hết nỗi lòng đêm hôm ấy, em tự nhiên thành một người rất đa sầu đa cảm. Vừa thấy mẹ, em ôm chầm lấy bà khóc mãi, đến nỗi cậu em phải ra khuyên can em mới dần dịu đi. Mẹ em mắt ngân ngấn nước, đẩy em ra cầm xem hết mặt mũi đến chân tay (em kể lần nào bà cũng như thế), rồi vừa sụt sịt vừa than thở: “Gầy đi đấy con ạ, mẹ nghĩ mãi vẫn không hiểu vì sao bố mày lại bỏ được một đứa con gái thế này. Làng thì bảo con gái như cái T. thì đổi năm con trai cũng không đắt, thế mà bố mày…”

Cậu em xen vào giọng rất bất bình: “Kệ cả cái họ đằng ấy. Nếu họ không làm thì bên nhà mình đứng ra tổ chức cho cháu, xem ai dám nói gì? Cứ nghĩ đến là em tức lên đến tận đầu, mồm thì nói xấu cháu, người thì có tí việc ra Hà nội là lại cái T. cái T. Cháu việc gì phải giúp mấy người ấy?...”

Nghe cậu em kể lại mình mới biết, suốt mấy năm qua em vẫn lặng lẽ cưu mang giúp đỡ người làng, đặc biệt là những người ra Hà nội đi học và chữa bệnh. Bố mẹ em giờ được tiếng có con gái hiếu thảo giỏi giang, vậy mà em vẫn không thể về làng…

Mẹ em bảo: “Bố cháu sau khi cháu nó giúp cụ Bài (mẹ của ông trưởng họ) đã nguôi đi nhiều rồi. Ông ấy chỉ khó nói với ông Xuyên, tôi cũng thấy khó nghĩ quá…”

“Sau khi thằng V. nó mất, ông ấy sợ chết cũng bỏ rượu nhưng sinh ra như dở người, cả ngày cứ ăn nói lảm nhảm. Tôi sang giúp bà ấy từ bấy nay nhưng nghĩ cũng không ổn, làm sao cứ thế suốt đời được. Cũng may thằng Hiển sau khi bị anh nó nhập vào lại như sáng ra, bây giờ tự lo được rồi…”

Cậu em hỏi ngay: “Chuyện là như thế nào chị? Ở đây em cũng nghe nhưng mỗi người một phách, bảo là thằng V. nhập vào thằng Hiển, bây giờ nhanh nhẹn khỏe mạnh lắm?”

Người cậu nói vô tư, không hề để ý cháu gái mình đang run lên, mặt trắng bệch. Ký ức cũ quá nặng nề khiến em cứ nghe đến V. là sợ hãi, có lẽ nỗi sợ càng tăng thêm khi thấy bảo V. “đã quay lại”. Mình nhìn mà thấy thương em quá, nhưng vì em đang ngồi cạnh mẹ nên không biết làm sao để an ủi em.

Mẹ em kể: “Cuối tháng 11 âm năm ngoái, ông Xuyên làm lễ bốc mộ cho thằng V. Hôm trước làm lễ cúng, tự nhiên thằng Hiển lăn ra giãy mấy cái, tỉnh dậy quỳ xuống lạy bố lạy mẹ như tế sao, cứ lắp bắp con bất hiếu không đền ơn được cha mẹ. Được một lúc thì nó lăn ra ngủ một giấc đến tối mịt mới tỉnh…”

“Từ lúc tỉnh lại, thấy nó khôn ra nhiều. Nói nhanh nhẹn như anh nó là không phải nhưng bây giờ nó tự lo được, nói nó hiểu, thỉnh thoảng còn giúp tôi mấy việc. Bà Xuyên bà ấy cứ nhắc đi nhắc lại xin lỗi cháu T., bảo cháu nó về đi, nhưng bố nó với ông Xuyên cứ như thế thì làm sao nó về được…”

Bà chuyển câu chuyện sang mình. Cũng như tất cả các bà mẹ vợ, mẹ em muốn biết thật nhiều về chàng con rể tương lai. Sau khi mình có lời, mẹ em mới thở dài: “Chuyện của con cô, chắc cháu đã biết cả. T. nó khổ nhiều quá rồi, bây giờ hai đứa cứ tự quyết định. Chỉ cần T. nó yên ấm là cô bằng lòng…”

Đôi khi trong đời cũng phải đao to búa lớn một chút, mình nhìn thẳng vào mắt mẹ em, nghiêm trang: “Cháu đã nghĩ cháu và T. sẽ phải cố gắng rất nhiều để hòa giái chuyện ngày xưa, nhưng nghe cô và cậu kể thì em đã đi được đến chín phần mười chặng đường rồi. Còn lại chỉ là một phần mười, nhất định cháu sẽ cùng T. đi đến đích…”

Hơn một tuần sau khi gặp mẹ em, bà nhắn lên “Mẹ kể chuyện gặp các con, không thấy ông ấy nói gì, hai đứa cứ về xem sao!”

Cho đến lúc ấy, mình và em vẫn chỉ mới ở giai đoạn dự-bị-của-tình-yêu, cái mà ông bà chúng ta đã ví bằng câu “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Có điều đôi lứa trong câu ca dao chưa bước qua ngưỡng cuối cùng là vì những lý do rất nên thơ, còn mình và em lại là vì một tâm bệnh vẫn chưa thể hóa giải.

Sau khi trút được nỗi lòng đêm hôm ấy, em không còn đóng cửa tâm hồn với mình nữa. Qua những câu chuyện em kể, hình như đời em chỉ toàn là những kỷ niệm buồn. Đôi lúc quá thương mình ôm ghì em vào lòng, em không phản đối, nhưng cũng không hưởng ứng. Nhìn vào mắt em lúc ấy mình chợt nhận ra, em vẫn chưa thể giải tỏa được nỗi u uất trong lòng.

Tình yêu của mình đã làm được em khóc, nhưng chưa thể làm được em cười. Em và mình đều thuộc mẫu người cầu toàn đến cực đoan, có lẽ chừng nào chưa thể đàng hoàng trở lại làng quê, chưa được vui vẻ chấp nhận bước vào ngôi nhà chôn rau cắt rốn, chừng ấy em còn ôm mãi khối tâm bệnh trong lòng. Mình biết, lần về quê này có một ý nghĩa quan trọng không thể tưởng tượng nổi đối với cả hai đứa. Nếu thất bại, không biết lúc nào em mới về lại được lần thứ hai. Mình có thể vẫn có được em, nhưng tình yêu thì sẽ mãi bị một bóng đen bao phủ…

Mình không biết gì hơn về bố em ngoài những điều em kể, mà qua những chuyện đó thì, quả thật là không ai có thể có cảm tình. Nếu bố em khăng khăng không chịu giảng hòa, thậm chí chỉ cần “anh chị đi đâu thì đi, tôi không cản” thì mình sẽ phải làm thế nào? Mình chỉ nghĩ được một điều, rằng mình sẽ lấy hết lòng thành ra ứng đối, chỉ hy vọng nếu còn chút tình thương thì không bố mẹ nào có thể quay mặt trước hạnh phúc của con mình.

Làng quê em cách quốc lộ chừng gần một cây. Đường vào làng đổ bê tông sạch sẽ, cổng làng đã cũ nhưng khá đồ sộ. Sau cổng, con đường thu hẹp lại, bị che kín bởi mấy bụi tre rất dày. Đi qua rặng tre, mình đã thực sự bị choáng vì không thể tưởng tượng được cách Hà nội chỉ gần 70 cây, qua thế kỷ 21 mười năm, vẫn còn một cái làng nghèo như thế ở giữa đồng bằng Bắc bộ.

Hết bê tông, con đường trở thành lồi lõm nham nhở, hai bên đường là những bụi cúc tần lưa thưa xiêu vẹo. Đáng sợ nhất là những ngôi nhà gạch be bé không trát, nằm lồ lộ giữa màu xanh nhợt nhạt của cây cối. Mình như lạc vào một thế giới khác, hoặc ở đây thời gian đã dừng lại từ sáy bảy mươi năm trước. Có lẽ vào những lúc khó khăn nhất của thời bao cấp, quê mình cũng không như vậy.

Em đã nói mới mình rằng làng em nghèo lắm, cả làng chỉ có hai nghề là bộ đội và công nhân, nhưng bộ đội không ai lên được to mà công nhân thì mãi cũng vẫn chỉ là công nhân thường. Thế nên bao nhiêu năm nay làng vẫn cứ nghèo, đến mức các cụ trong làng phải mời thầy về thỉnh ý có nên đổi hướng đình không. Thầy phán “phải xoay đình” nhưng làng nghèo lấy đâu ra tiền mà xoay, thế là mọi sự đâu vẫn chỗ đó!

Sau này mình có giành thời gian nghiên cứu và kết luận rằng, làng nghèo như thế, mọi sự đều nằm tại cái đầu. Nhưng cũng không hiểu tại sao môi trường ấy lại sinh ra được một người như em…?

Hình như ngay khi mình đỗ xe, cả làng bên trong đã biết. Đường làng vắng tanh nhưng mình cảm tưởng như có hàng chục cặp mắt dõi theo từng bước chân của hai đứa. Lần đầu tiên mình biết cảm giác của con cá trong bể là như thế nào (hy vọng cũng là lần cuối cùng). Qua một lối rẽ, mình và em gặp một người phụ nữ đang đứng chống cuốc quạt nón. Thấy em, mắt bà ta sáng lên, vừa nhìn mình từ đầu đến chân vừa hỏi oang oang: “Cái T. à, về lúc nào đấy cháu?”

Sau này mình biết đó là một người họ hàng xa ba tầm đại bác của em, rất đanh đá và độc miệng. Không cần ai kể, ngay lúc ấy mình đã chứng kiến sự ngoa ngoắt của bà ta: “Trông cứ như Hàn quốc ấy nhỉ, người Hà nội có khác, chồng mày đây hả?”

Có khôn ngoan thế nào thì cũng không ai không ngượng trước kiểu hỏi như thế. Em lắc đầu cố gạt đi: “Bác cứ nói, có gì thì cháu phải về mời bác chứ…” Không dè bà ta độp ngay: “Bác cứ tưởng mày đi không về nữa nên mới hỏi, thế ông Oánh ông ấy cho mày về rồi hả?”
Nhìn sang thấy mặt em tái đi, mình lập tức nhảy vào can thiệp: “Cháu và T. phải về nhà bây giờ, lúc nào rỗi mời bác sang chơi!” rồi kéo ngay em đi, đành phải mềm mỏng vì mình chưa biết ai ra ai. Ơn trời đó cũng là cuộc chạm trán duy nhất, qua một đoạn đường ngắn nữa, cuối cùng mình cũng tới nhà em.

So với những ngôi nhà khác trong làng, nhà em khá khang trang sạch sẽ. Về sau em kể cho mình, đó là do cụ tổ năm đời thi đỗ làm quan dựng nên. Hồi cải cách nhà em mất rất nhiều đất, may còn giữ được ngôi nhà và mảnh vườn…

Để tạo thêm tư thế cho chuyến đi, mình đã “từ bỏ” nguyên tắc khiêm tốn, bảo mẹ em tuyên truyền rằng mình là giám đốc “công ty to lắm, có dững là mấy trăm công nhân”. Chiến thuật phủ đầu xem ra có kết quả, khi mình đến nhà đã thấy bố em ăn mặc chỉnh tề ngồi đợi sẵn.

Thực sự mình không nghĩ rằng bố em lại có vẻ ngoài nho nhã thư sinh như vậy. Chỉ cần nhìn qua cũng thấy em thừa hưởng khá nhiều nét từ bố, nhất là chiếc mũi và đôi mắt. Mình càng cảm thấy chuyện giữa bố em và bố V. không phải là đơn giản, bởi rất khó có thể hình dung một người cha lại có thể hà khắc với đứa con gái ruột vừa giống mình, vừa ngoan ngoãn giỏi giang như em.

Em chỉ lí nhí được một câu: “Con chào bố!” rồi đứng đan tay lóng ngóng, không biết làm gì thêm. Mình lúc ấy cũng rất hồi hộp nhưng phải ra vẻ bình tĩnh, cố lấy giọng dõng dạc: “Cháu chào chú!” rồi thuyết mình thêm một câu: “Cháu đưa T. về thăm nhà…” (lãng xẹt, nhưng không nghĩ ra được gì hơn)

Thật may, bố em chỉ dò xét nhìn hai đứa chừng nửa phút, đứng lên mời mình ngồi rồi nói với em: “Xuống bếp giúp mẹ làm cơm đi!” Nghe câu nói, người mình như nhẹ đi đến nửa tấn có dư, bởi mình biết ông đã sẵn sàng cho sự hòa giải…

Sau chén trà đầu tiên, bố em bắt đầu hỏi về gia cảnh và nghề nghiệp của mình rồi đột ngột nói thẳng vào chuyện: “Con T. nhà tôi kể những gì cho anh nghe rồi?”

Chủ đề này hết sức nhạy cảm, mình phải lựa lời thật cẩn thận: “Cháu và T. là bạn nên cũng có kể chuyện gia đình cho nhau nghe. Cháu nghĩ cháu hiểu hoàn cảnh của T.”

Bố em nhìn thẳng vào mình một lúc và chợt nói một câu không ngờ: “Vậy là anh phải biết, con T. nhà tôi đã có chồng?”

Thật là một đòn tấn công lợi hại, khó nhất là mình phải trả lời câu hỏi thật thỏa đáng nhưng không thể đi sâu vào chi tiết, vì nếu tỏ ra biết quá nhiều thì có thể gây bất lợi cho em...

Chỉ còn một đoạn nữa nhưng câu chữ cứ rời rạc như cơm nguội. Sau một hồi cố gắng, mình nhận ra có lẽ câu chuyện của mình cũng đã đến hồi kết thúc.

Ngày hôm ấy, mình và em đã giảng hòa được với cả hai ông bố. Không phải vì mình cao tay hay tài giỏi gì mà chính em, bằng sự cố gắng vươn lên trong năm năm qua và những việc tốt làm cho làng quê họ hàng, đã làm cho họ dần thay đổi cách nhìn. Mình chỉ là lý do cuối cùng, là cái cớ để họ công nhận sự hòa giải.

Mẹ V. được đem ra Hà nội chữa trị, bây giờ đã có thể ngồi dậy trên giường. Mình và em góp vốn mở cho hai ông bố một quầy hàng tạp hóa lớn ở chợ xã, cậu em của V. là “nhân viên” duy nhất. Tiền lãi không lớn vì người làng không có nhiều tiền, nhưng cũng tạm đủ sinh hoạt cho gia đình V.

Cuộc tình long đong hơn 7 năm của mình đã kết đoạn có hậu bằng một đám cưới ngập trong hoa và rượu. Mình và em đang sống trong sự yêu thương của cả hai bên gia đình. Mỗi ngày đi làm về, nhìn ánh mắt và nụ cười tươi tắn của em, mình thực sự cảm thấy thế nào là hạnh phúc...

Xin kết thúc câu chuyện của thuyền trưởng Húc tại đây. Một lần nữa, cảm ơn tất cả các bạn đã quan tâm, ủng hộ và tin tưởng mình. Với vị trí của một người đang kinh doanh và có chút thành công, mình đã có ý định cuối cùng sẽ chia sẻ với các bạn những quan sát, kinh nghiệm hơn 15 năm qua, và cả vài gợi ý cho các bạn quan tâm đến truyện này, nhưng có lẽ trước mắt mình cần phải giải lao một thời gian.

------- Hết ------


Truyen hay Cuối Cùng Mình Cũng Lấy Được Vợ
Powered by XtGem
Copyright © 2018 15Giay.Xtgem.Com

Polly po-cket