Mẫn cắt ngang:
- Thôi, thôi, tao khen mày là đủ rồi. Mày khỏi cần huênh hoang thêm nữa.
Chuyên hắng giọng:
- Tình yêu còn trăm ngàn thứ phức tạp khác nữa chứ đâu phải chỉ đi xem phim…
Nhiệm liếc Chuyên:
- Khiêu khích gì đó mày?
- Khiêu khích gì đâu! Tao chỉ nói vậy thôi!
Nhiệm gật gù:
- Được rồi! Để đó, tao sẽ cho tụi mày coi!
Mẫn ngó Nhiệm:
- Coi cái gì?
- Coi cái gì đến lúc đó sẽ biết!
Chuyên cười khi dể:
- Mày chỉ giỏi tài “hù”!
Nhiệm không thèm trả lời. Anh đi thay áo và bước lại lu nước rửa mặt, phớt lờ lời châm chọc của Chuyên:
- Rửa sơ sơ thôi! Coi chừng trôi hết son môi của em Thủy bây giờ!
Chương 7:
Té ra Nhiệm không dọa. Ba ngày sau khi tuyên bố “tao sẽ cho tụi mày coi”, Nhiệm cho Chuyên và Mẫn coi liền.
Chuyên và Mẫn đang ngồi học bài trên gác, Nhiệm ở đâu chạy xộc vô, mặt mày hớt hơ hớt hải:
- Chết rồi! Cứu tao, tụi mày ơi!
- Gì vậy? – Chuyên trố mắt – Bị chó cắn hả?
Nhiệm nhăn nhó:
- Mày lúc nào cũng đùa được!
- Tao hỏi thật chứ đùa gì! Nếu không bị chó rượt thì có gì phải hốt hoảng vậy?
Nhiệm móc trong túi áo ra một tờ giấy đặt lên bàn:
- Xem đây nè!
Chuyên và Mẫn lập tức châu đầu lại đọc. Hóa ra đó là thư của em Thủy mới gởi cho Nhiệm.
Thư viết: “Trước nay tôi luôn nghĩ anh là người đàng hoàng vì vậy tôi đã không ngại ngần khi nhận lời đi xem phim với anh. Không ngờ anh lại cả gan bịa đặt những chuyện tày trời về quan hệ giữa anh và tôi. Chỉ vì tình cờ mà tôi nghe được những điều anh bốc phét với bạn anh. Nhưng như vậy cũng đã quá đủ để vĩnh biệt một con người như anh!”.
Thư lèo tèo vài dòng nhưng lời lẽ cay đắng và quyết liệt. Nhiệm, cả Mẫn và Chuyên, hoàn toàn bất ngờ trước “biến cố” này.
Mẫn ngó Nhiệm, tặc lưỡi:
- Kiểu này thì nguy to!
Nhiệm ỉu xìu:
- Thật khổ! Mình nói chuyện với nhau trên này, chẳng hiểu sao em lại nghe được!
Chuyên chép miệng:
- Ban ngày ồn ào có thể không nghe, chứ buổi tối thì chắc nghe rõ, nhất là giọng mày lúc nào cũng oang oang.
Mẫn nheo mắt:
- Kệ, có vậy lần sau mày mới bỏ cái tật ba hoa.
Nhiệm chắp hai tay:
- Thôi, thôi, con lạy ông, con biết tội rồi! Cái quan trọng bây giờ không phải là hạch tội con mà là chỉ cho con cách gỡ bí đây nè!
Khi nói câu đó, nét mặt của Nhiệm trông rất khổ sở, khác xa với vẻ lạc quan, lếu láo hàng ngày. Mẫn bật cười:
- Sao hôm trước tụi tao nghe mày hướng dẫn muốn thành công trong tình yêu, phải…
Nhiệm xua tay:
- Chuyện đó cũ rồi, đừng nhắc nữa! Tao đang rối lên đây mà mày cứ cà khịa!
Chuyên nãy giờ im lặng, bỗng hắng giọng hiến kế:
- Theo tao thì mày phải gặp em để thanh minh chuyện này…
Chuyên chưa nói dứt câu, Nhiệm đã lắc đầu:
- Không được đâu!
- Sao không được?
- Không được là không được chứ sao! Vừa thấy mặt tao, em đã lỉnh đi chỗ khác, làm sao nói chuyện được!
Chuyên liền đề nghị:
- Không gặp được thìviết thư.
Nhiệm gật gù:
- Ừ, viết thư thì may ra. Nhưng viết gì bây giờ?
Mẫn vọt miệng:
- Thì trích thơ Nguyễn Bính.
Nhiệm lườm Mẫn:
- Không chơi chọc quê nghen mày!
Chuyên lấy vẻ nghiệm nghị, nói:
- Mày dỏng tay lên mà nghe cho kỹ nè. Mày phải viết thư cho em, nói rằng những điều mày bốc phét đó là “đùa cho vui”…
Nhiệm phản đối:
- Không ổn rồi! Em sẽ bảo thiếu gì chuyện không đùa mà đi đùa lỗ mãng vậy!
Chuyên giải thích:
- Mày đừng lọ Tao đã dự kiến chuyện đó rồi. Trong thư mày sẽ nói rằng lối đùa tếu của mày quả có lỗ mãng thật, mày thề sẽ không bao giờ dại dột ăn nói như vậy nữa, nhưng mày cũng nói thêm sở dĩ mày phát ngôn như vậy cũng chỉ vì mày quá yêu em, mày muốn biến những ước mơ đó thành hiện thực cho lẹ bằng con đường… ba hoa. Thành ra mày quả có lỗi với em thực nhưng xét cho cùng, khuyết điểm đó xuất phát từ động cơ… đúng đắn.
Nhiệm gật gù, mắt sáng rỡ:
- Hay lắm! Tao không ngờ đầu óc chậm chạp của mày đôi lúc cũng sáng suốt gớm!
Chuyên cười hề hề, triết lý:
- Trong tình yêu cũng như trong bàn cờ, kẻ ngoài cuộc bao giờ cũng sáng suốt hơn người trong cuộc.
Nhiệm nói, giọng dứt khoát:
- Được rồi, tao sẽ viết theo gợi ý của mày.
Mẫn bổ sung ý kiến:
- Theo tao, mày nên gởi kèm cho em cuộn băng nhạc có bài “Take a chance on me”. “Hãy cho anh một cơ hội!”, nghe bài này, em sẽ xúc động “tha tội” cho mày liền!
Nhiệm reo lên:
- Lại thêm một sáng kiến độc đáo. Tao sẽ gởi.
Rồi anh chép miệng, khen:
- Ngày hôm nay tao mới vỡ lẽ ra tụi mày là những thằng bạn tốt.
Chuyên hừ mũi:
- Tốt lâu rồi mày!
- Nhưng hôm nay thì cái tốt đó mới hiện ra lồ lộ. Không có tụi mày tham mưu, chắc tao chết quá!
Mẫn đía:
- Mày chết là em Thủy chết theo liền.
Nhiệm gục gặc đầu:
- Cũng có thể lắm!
Sau khi tuyên bố một câu hách xì hằng, Nhiệm đứng dậy đi thay áo rồi vội vã ngồi vào bàn viết. Lật cuốn tập ra, xé tờ giấy một cái “rẹt”, Nhiệm bắt đầu hí hoáy lá thư tình đầy màu sắc tự kiểm của mình.
Trong khi đó thì Chuyên rút một lá thư khác ra khoe Mẫn.
- Cho mày xem nè! – Chuyên nháy mắt.
- Gì vậy?
- Thì thư.
- Thư gia đình mới gởi lên hả?
Chuyên huých vai Mẫn:
- Mày cù lần quá! Thư gia đình thì tao khoe mày làm gì! Đây là thư tình!
Mẫn trố mắt:
- Thư tình?
Chuyên ưỡn ngực:
- Chứ sao! Bộ mày tưởng chỉ thằng Nhiệm mới có thư tình hả?
Mẫn hào hứng hẳn lên:
- Em nào gởi cho mày vậy?
- Thì còn ai nữa ngoài em Sương.
Mẫn xuýt xoa:
- Hết sẩy hén! Em nói gì vậy?
Thấy Mẫn cứ hỏi lòng vòng, Chuyên cau mặt, gắt:
- Tao đưa thư thì mày đọc đi! Hỏi, hỏi hoài!
- Tại tật tao vậy!
Mẫn nhe răng cười và cuối xuống mở thư ra đọc.
Thư Sương viết cho Chuyên chẳng có gì “ác liệt” lắm, chỉ toàn chuyện mượn sách mượn vở. Đọc xong, Mẫn thất vọng ra mặt:
- Cái này đâu phải là thư tình!
Chuyên cãi:
- Thư tình chính cống chứ gì nữa!
Mẫn lắc đầu:
- Thư tình gì chẳng có lấy một chữ “yêu”, cũng chẳng có một “pha” hẹn hò nào hấp dẫn.
Chuyên khịt mũi:
- Mày ngốc lắm! Đâu phải viết mấy chuyện đó vào đây thì mới là thư tình! Ăn thua là chỗ giọng điệu. Đây nè, mày xem câu này có “trữ tình” không nào: “Nếu thứ sáu này anh vẫn không đem cuốn sách đó đến thì tôi nghỉ chơi anh ra luôn…”
Mẫn giương mắt ếch:
- “Trữ tình” chỗ nào đâu?
Vẻ khờ khạo của Mẫn khiến Chuyên phát chán. Anh nhăn nhó:
- Nói chuyện tình yêu với đứa cù lần như mày tao mệt quá! Cái câu trữ tình êm ái như vậy mà mày không “cảm thụ” được kể cũng lạ. Đây nè, cái từ “nghỉ chơi” nhõng nhẽo này thường con người ta chỉ dùng trong hai trường hợp thôi, hoặc là bọn con nít nói với nhau hoặc là hai người yêu nói với nhau…
Mẫn gật gù:
- Vậy là tao hiểu rồi. Trường hợp của mày với em Sương thì dứt khoát không phải là trẻ con rồi…
Chuyên rung đùi:
- Chứ gì nữa!
Mẫn tò mò:
- Nhưng yêu em sao mày lại “xù”?
Chuyên giật mình:
- Tao “xù” gì đâu?
- Thì cái vụ sách đó! Em chẳng trách mày thất hứa là gì!
Chuyên thở ra:
- À, cái vụ đó là do tao ẩu. Em bảo là em đang tìm đọc cuốn “Những vì sao”, em hỏi tao có không. Tao bộp chộp trả lời có. Về nhà soát lại thì hóa ra không phải. Tao chỉ có cuốn “Dưới những vì sao” của Ạ Cronin, còn cuốn em nói là cuốn “Những vì sao” của Ạ Daulet — Chuyên gãi cổ, than thở — Mấy bữa nay tao lùng khắp các hiệu sách nhưng vẫn chưa tìm ra cuốn đó.
Mẫn nhíu mày:
- Cuốn “Những vì sao” hả?
Chuyên thấp thỏm:
- Ừ, mày thấy ở đâu không?
Mẫn cắn môi:
- Hình như Thu Thảo có cuốn này.
- Thu Thảo nào? Con bé mày dạy kèm đó hả?
- Ừ, để tao hỏi coi!
- Hỏi lẹ lẹ đi! Thứ sáu này tao phải “nộp” cho em rồi!
Thấy vẻ mặt lo lắng, bồn chồn của Chuyên, Mẫn phì cười:
- Hết thằng Nhiệm tới mày! Yêu iếc gì mà y như ngồi trên đống lửa!
Chuyên cười tươi:
- Ngồi trên lửa ấm lắm nghen mày!
Đúng lúc đó, Nhiệm kêu giật giọng:
- Xong rồi! Tụi mày xem lại giùm tao chút, coi thử có cần thêm bớt gì không!
Chuyên và Mẫn châu đầu vô lá thư. Xem xong, Chuyên phán:
- Tốt lắm! Khỏi cần thêm bớt gì nữa!
Nhiệm xoa xoa tay:
- Ổn rồi phải không? Tao gởi à!
Chuyên tặc lưỡi:
- Nhưng mà… nhưng mà…
Nhiệm sốt ruột:
- Còn nhưng nhị gì nữa! Sao khi nãy mày bảo tốt!
- Nội dung thì tốt rồi, nhưng về hình thức tao thấy chưa được. Thư cho em mà mày viết trên giấy nhếch nhác quá!
- Nhếch nhác gì đâu! Giấy trắng tao xé trong tập đàng hoàng!
- Xé là không được rồi! Phải lấy kéo cắt cho nó thẳng thớm, phẳng phiu. Tụi con gái chỉ cần nhìn vào tờ giấy là chúng biết ngay tình cảm của mày ngay ngắn hay luộm thuộm rồi…
Nhiệm là vua ba hoa, một con người luôn luôn thuyết giáo về những bí mật của tình yêu. Thế mà khi “lâm trận”, gặp trục trặc, lại nhũn như con chi chi. Chuyên nói đến đâu, anh “tiếp thu” đến đó: < br> – Mày nói chí lý. Tao sẽ kiếm một tờ giấy khác.
Miệng nói tay làm, Nhiệm vớ lấy cái kéo và lại lật tập ra.
- Làm gì nôn nóng vậy? – Mẫn chọc.
Nhiệm nhún vai:
- Tính tao vậy. Làm gì là làm liền. Vả lại…
- Vả lại sao?
- Vả lại… nếu không kịp thời “giải đáp thắc mắc” cho em, lỡ em “kết” một thằng chết tiệt nào đó thì khốn.
Chuyên trề môi:
- Mày đánh giá em Thủy thấp quá!
Nhiệm tỉnh khô:
- Thì thấp chứ sao! Em chả ở tầng dưới, mình ở tầng trên là gì!
Chuyên lắc đầu:
- Ăn nói như mày, em đòi “nghỉ chơi” là phải!
Nhiệm giãy nảy:
- Đừng trù ẻo, mày! Em đòi nghỉ chơi hồi nào! Đó là em chỉ dọa thôi!
- Dọa mà mày xanh mét mặt mày?
Nhiệm chống chế:
- Mặt tao lúc nào chẳng… xanh. Tại cái màu da nó vậy. Mà thôi, tao sắp sửa gởi thư “cầu hòa”, tụi mày đừng có nói gỡ nữa!
Lá thư “cầu hoà” của Nhiệm có kết quả nhanh chóng không ngờ. Thư gởi hôm trước, hôm sau Chuyên và Mẫn đã thấy Nhiệm tươi hơn hớn. Buổi trưa đi học về, mới ló mặt vô khỏi cửa, Nhiệm đã triển lãm một nụ cười rộng tới mang tai.
- Sao, xong rồi hả? – Mẫn hỏi.
Nhiệm vung tay trong không khí:
- Xong ngay!
- Mày gặp em hồi nào?
- Mới khi nãy.
- Thư đâu?
- Thư gì?
- Thư trả lời của em!
Nhiệm lắc đầu:
- Em đâu có viết thư trả lời.
Chuyên tỏ vẻ nghi ngờ:
- Vậy sao mày biết “xong ngay”?
Nhiệm nhướng mắt:
- Sao không biết? Em không trả lời thư nhưng mà em cười. Mấy hôm nay em đâu có thèm cười với tao.
- Nhưng vừa rồi thì cười?
- Ừ, cười… thân ái.
Chuyên gật gù:
- Vậy là tốt. Cười có nghĩa là chịu tha tội cho mày.
Nhiệm khoe:
- Không những cười mà em còn nói chuyện nữa.
- Em nói sao?
- Em bảo là khi nghe tao ba hoa vền em, em giận ghê gớm. Nhưng khi đọc thư tao, tự nhiên em cảm thấy thương tao khủng khiếp. Thương gì đâu!
- Lại xạo đi!
- Thật.
- Làm gì có chuyện em nói thương mày!
Nhiệm khịt mũi:
- Thật ra em không nói “thương”. Em nói là em “thông cảm” tao hơn! – Và Nhiệm tự động bình luận – Nhưng “thông cảm” thì cũng như “thương”!
Mẫn phản đối:
- Thông cảm là thông cảm, thương là thương! Hai cái đó làm sao giống nhau được?
Nhiệm dứt khoát:
- Giống nhau y hệt! Bằng chứng là sau khi em nói “thông cảm”, tao rủ em cuối tuần này đi Bình Quới chơi, em nhận lời liền.
Mẫn trố mắt:
- Chà, còn cái vụ đó nữa! Vậy thì mày phải đãi anh em một chầu gì đó để mừng… thắng lợi chứ?
Nhiệm tỏ ra rộng rãi:
- Nhất định rồi! Tao sẽ bao tụi mày uống… trà đá.
- Dẹp mày đi!
Nhiệm cười:
- Trà đá mà chê! Xi-rô “Văn Mẫn” được không?
Mẫn nhăn mặt:
- Giỡn hoài!
- Vậy thì một chầu hủ tiếu Nam Vang?
Mẫn cười toe:
- Ít ra phải vậy chứ!
Nói là làm liền, sáng sớm hôm sau, trước khi đem tập đến lớp, Nhiệm dẫn Chuyên và Mẫn đi ăn hủ tiếu đàng hoàng, mỗi người còn được thêm một ly cà phê sữa và một điếu thuốc thơm. Mẫn vừa nhấm nháp cà phê vừa rút ra kết luận: tình yêu đúng là có nhiều mặt “tích cực”, mà “tích cực” nhất trong những cái “tích cực” là nó biến người đang yêu trở nên hào phóng và tốt bụng hết biết.
Và dù anh vẫn đang trong tình trạng… cô đơn chiếc bóng, nhưng nhờ ở chung một nhà với hai kẻ đang yêu nên cũng được hưởng ít nhiều… lợi lộc: hôm trước được Chuyên dẫn đi ăn phở, đến nay lại được Nhiệm bao đi ăn hủ tiếu. Khoái thật!
Nhưng Mẫn không phải là loại người nhắm mắt “ăn theo” vô tội vạ. Từ khi hai người bạn thân thiết của mình dấn thân vào con đường tình cảm đầy “ổ gà”, Mẫn đã đóng góp không ít… nước bọt vào quá trình củng cố mối tình mới chớm nở của Chuyên và Nhiệm.
Dạo này, mỗi tối, sau khi ôn tập bài vở xong xuôi và nằm nghe vài đoạn nhạc, bao giờ Chuyên và Nhiệm cũng bắt đầu “chương trình trò chuyện đêm khuya” bằng những cụm từ quen thuộc “Sương của tao hôm nay…” hoặc “Hồi chiều Thủy nói…”. Chương trình đặc biệt này một khi đã phát thì không tài nào dừng lại được. Hai tên Roméo cứ thủ thỉ suốt đêm không biết chán.
Những lúc ấy, Mẫn thường quấn chăn tận cằm, lăn vào một góc nằm nghe, thỉnh thoảng chêm một vài câu châm chọc.
Sau nhiều đêm nằm nghe “đài”, Mẫn ngạc nhiên phát hiện ra rằng, lúc mới bắt đầu đi vào con đường lầy lội của ái tình, hai tên Chuyên và Nhiệm chế giễu, châm biếm nhau bao nhiêu thì bây giờ khi ai đã yên phận nấy, cả hai lại có vẻ gắn bó, đoàn kết với nhau bấy nhiêu, nhất là những khi tên này nhờ tên kia “gỡ rối tơ lòng” hộ mình.
Nhưng “tơ lòng” của Nhiệm cũng như của Chuyên là một thứ… tơ tổng hợp, được dệt bởi nhiều loại nguyên liệu có chất lượng khác nhau nên lắm lúc càng gỡ càng rối. Cho đến khi tên này hay ra chính sự “mách nước” của tên kia là nguyên nhân khiến cho “tơ lòng” của mình rối nùi lên thì cả hai bắt đầu trách nhau tối mày tối mặt:
- Mày là cái đồ ăn hại!
- Ăn hại sao mày còn hỏi ý kiến tao?
- Tưởng sao! Tao làm theo lời mày, em không thèm nhìn tao lấ.y một cái, báo hại tao phải năn nỉ đến gãy lưỡi!
- Cái đó là tại mày!
- Tại mày thì có!
- Ừ thì tại tao! Nhưng hôm trước đứa nào xúi dại tao đến chỗ hẹn trễ để em hiểu “giá trị của sự chờ đợi”, khiến em nổi đóa cho tao “leo cây” dài dài?
- Thì tao xúi. Nhưng tại mày không biết cách làm.
- Hừ, cách làm! Mày chỉ toàn xúi bậy!
Những lúc đó, sau khi bày tỏ sự bất tín nhiệm và mạt sát “quân sư” của mình hết lời, Chuyên và Nhiệm thường quay sang cầu cứu kẻ ngoại đạo là Mẫn. Tự dưng thấy uy tín của mình được tôn lên trước sự hục hặc của hai kẻ si tình đang đau khổ, Mẫn không hẹp hòi gì mà không ban cho vài lời khuyên… đạo lý chung chung.
Mặc dù cóc biết gì về những biến chuyển tâm lý trong tình yêu, nhưng nhờ xem phim ảnh và sách báo, cộng với những suy luận nửa khoa học nửa cảm tính, Mẫn cũng trịnh trọng hắng giọng và “phán” một cách hào hứng và đầy uy quyền:
- Theo tao, trong trường hợp này, phải tính đến các khía cạnh phức tạp của vấn đề…
Thật ra vấn đề chẳng có gì là phức tạp nhưng vì Mẫn đã bắt buộc “phải tính đến những khía cạnh phức tạp của vấn đề” nên vấn đề đâm ra phức tạp hẳn lên khiến người trong cuộc cuống cuồng.
Đôi khi Mẫn còn “chỉ đạo” rối rắm thêm nữa:
- Em nói vậy nhưng chưa chắc em đã nghĩ vậy mà dù có nghĩ vậy chưa chắc em đã làm vậy, nhưng một khi đã nói vậy rồi…
Nói lan man một hồi, Mẫn cũng chẳng biết mình “nói vậy” là nói gì, vả lại sau khi “vậy, vậy” vài lần, chẳng biết “vậy” thêm gì nữa, Mẫn liền tốp. Trong khi đó thì Chuyên và Nhiệm cứ đực mặt ra không biết nên rút từ trong những “phân tích triết lý” cao siêu và sâu sắc của Mẫn những kết luận cụ thể gì cho mối tình của mình.
Nhưng cả hai đều có vẻ bằng lòng, vì dù sao những lời khuyên lung tung của Mẫn cũng tỏ ra ít nguy hiểm hơn những sự “mách nước” cụ thể mà một khi vội vã áp dụng có thể đưa đến những hậu quả báo đời.
Tuy nhiên, không phải lúc nào “thầy dùi” Mẫn cũng khoái… chung chung. Thỉnh thoảng, gặp những “ca” trục trặc đơn giản, dễ giải quyết nhưng vì Chuyên và Nhiệm đang mang căn bệnh “quáng gà” của người đang yêu nên không nhìn ra, Mẫn liền chộp thời cơ đưa ra những lời khuyên cụ thể và tài tình và những lời khuyên đó bao giờ cũng đem lại những kết quả đáng giá khiến các chầu phở và hủ tiếu “đền ơn đáp nghĩa” cứ tăng dần theo năm tháng.
Một cách tự nhiên, càng ngày Mẫn càng cảm thấy gắn bó với chuyện tình của Chuyên và Nhiệm.
Chương 8:
Dạo này, Nhiệm đã thôi đòi chiếm cứ khung cửa sổ mở sang nhà Sương nữa. Bây giờ, túc trực ở “vị trí chiến đấu” đó là Chuyên. Tiếng chổi quét sân sáng sớm của Sương lâu nay đã trở thành tiếng đồng hồ báo thức đối với anh.
Sau khi rửa mặt và diện quần áo tươm tất, Chuyên phóc lại bên cửa sổ ngó xuống, chờ Sương… ngó lên, cười một cái.
Sương biết tất cả những điều đó, nhưng không phải lúc nào cô cũng đáp lại sự chờ đợi của Chuyên. Những khi giận nhau với Chuyên (khi đã yêu nhau hình như con người ta lại giận nhau nhiều hơn!), Sương không thèm liếc lên cửa sổ lấy một cái. Mặc cho Chuyên huýt sáo, nhăn nhó, năn nỉ đủ kiểu, Sương vẫn cắm cúi quét sân, ra vẻ ta đây khoái nhìn… đống rác hơn là nhìn bản mặt Chuyên và sau khi kết thúc công việc, cô bỏ vào nhà một mạch, lạnh lùng, sắt đá, Chuyên đành thở dài quay vô.
Gặp những dịp “may mắn” như vậy, Nhiệm không bao giờ bỏ lỡ thời cơ bày tỏ sự “khó ưa” của mình. Anh reo lên khoái chí:
- Đã quá đã!
Và lập tức cao giọng ngâm thơ theo thói quen:
- “Chuyên” chỉ là người mơ ước thôi
Là người mơ ước hão, than ôi!
Bị Sương “tẩy chay”, Chuyên đã phát cáu, giờ lại bị Nhiệm lấy thơ Thế Lữ ra “xỏ”, Chuyên hầm hầm:
- Quá đủ rồi nghen! Tao không có chọc gì mày à!
Mặt Nhiệm vẫn nhơn nhơn:
- Chưa đủ đâu! Còn câu này của Chế Lan Viên nữa. Hay không thua gì câu kia: “Tôi có chờ đâu có đợi đâu. Đem chi “Chuyên” lại gợi thêm sầu. Với tôi…”
Nhiệm chưa đọc dứt câu, Chuyên đã cầm lên cái gạt tàn khiến Nhiệm vội vã chộp cuốn tập trên bàn phóng lẹ ra cửa, bỏ quên cả cây viết nằm giữa đống sách.
Nhưng những màn “giận nhau bên cửa sổ” như vậy xảy ra không nhiều. Thường thì cuộc đối thoại trong… tiếng chổi đệm của Chuyên và Sương diễn ra khá suôn sẻ, mặc dù xét cho cùng chẳng có gì hấp dẫn. Mẫn không biết trong những lần gặp nhau ở lớp học tiếng Anh ban đêm, Chuyên và Sương nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ “trữ tình” như thế nào, chứ còn những lúc… hẹn hò bên cửa sổ, hai người nói chuyện nghe phát chán.
Đại khái, Chuyên nói:
- Sáng nay trời mát quá hén Sương?
Sương đáp:
- Ừ.
- Mát hơn hôm qua nhiều.
- Chắc trời sắp mưa.
- Không mưa đâu!
- Biết đâu được!
Ngập ngừng một chút, Chuyên tiếp:
- Sáng nay Sương đi học không?
- Đi.
- Tôi cũng đi.
Những mẩu đối thoại vô duyên như vậy bao giờ cũng khiến Mẫn và Nhiệm che miệng cười hích hích. Nhưng Chuyên phớt lờ và tiếp tục say sưa “tâm sự” với người yêu:
- Tôi tìm được cho Sương cuốn sách đó rồi.
- Cuốn “Những vì sao” hả?
- Ừ.
- Tìm đâu hay vậy?
- Tìm trong thư viện. Tôi đi khắp các thư viện trong thành phố mới tìm ra.
- Cực quá hén?
- Ừ, cực ghê!
Chuyên đang kể công ngon lành với Sương thì Nhiệm nhô đầu ra cửa sổ, phá bĩnh:
- Hắn xạo đó! Cuốn sách đó do thằng Mẫn mượn giùm!
Thoáng thấy Nhiệm nhào tới, Chuyên tính xô ra nhưng không kịp, mặt nhăn như khỉ. Còn Nhiệm sau khi chơi trò “thọc gậy bánh xe” liền rút lui vô giữa phòng, đứng cười hềnh hệch.
Chuyên quắc mắt:
- Chơi trò gì mất nết vậy mày?
Nhiệm xoa xoa mái tóc rễ tre:
- Ai bảo mày lúc nào cũng chê tao ba hoa bốc phét! Bây giờ thấy mày bốc phét thì tao phải “chỉnh” chứ sao!
Chuyên phun nước bọt:
- Chỉnh cái con khỉ! Lúc nào chỉnh chẳng được lại nhằm ngay lúc “mùi mẫn”…
Nhiệm trề môi:
- Mùi mẫn! Tụi mày nói chuyện với nhau cứ y như hai tên bị tâm thần, nghe chán ngắt mà kêu mùi mẫn!
Chuyên nổi nóng:
- Tâm thần kệ tao, mày!
- Thì kệ mày chứ sao!
- Đã nói “kệ” thì không có chơi trò phá đám nữa à!
Nhưng Nhiệm chỉ nghiệm túc được vài bữa. Qua mấy ngày sau, anh vẫn chứng nào tật nấy. Hễ nghe Chuyên và Sương nói chuyện với nhau, tới chỗ nào hơi buồn cười là Nhiệm thấy ngứa miệng không chịu nổi. Thế nào anh cũng thò đầu ra chêm một câu ngang phè khiến Chuyên tức anh ách.
Mới đây, Chuyên “xạc” Nhiệm một trận nẩy lửa cũng do cái trò nghịch ngợm oái oăm đó của Nhiệm, lại đúng vào lúc Chuyên và Sương đang lục đục với nhau.
Buổi sáng, lúc chàng Roméo và nàng Juliette đang phát thanh chương trình hỏi đáp bên cửa sổ như thường lệ thì Mẫn thức dậy trước. Nằm nghe ngóng một hồi, Mẫn biết là hai anh chị đang giận nhau. Thực ra chỉ có nàng Juliette hờn giận, còn chàng Roméo vẫn đóng vai năn nỉ như xưa nay. Dường như từ khi ông Adam và bà Eva xuất hiện đến giờ, đàn ông và đàn bà thường được phân vai như vậy nên Mẫn cũng chẳng lấy làm ngạc nhiên về sự “xuống nước” với giọng điệu mỗi lúc một thiểu não của Chuyên.
................
Bạn đang đọc truyện tại wapsite www.15giay.xtgem.com Chúc bạn đọc truyện vui vẻ.
............
Qua những lời thanh minh nỉ non của Chuyên, Mẫn đoán là Sương đang kết tội Chuyên mấy hôm nay đã nói chuyện hơi “trên mức tình cảm” với một cô gái nào đó trong lớp. Còn Chuyên thì vận dụng tất cả sự diễn cảm của giọng nói, hơi thở, ánh mắt và cả tiếng khịt mũi đứt khúc nữa để ra sức chứng minh rằng tất cả chỉ là sự tưởng tượng vô căn cứ của Sương, rằng cái cô gái kia đối với anh không là gì cả (chỗ này không hiểu do quýnh quáng hay là do muốn nhấn mạnh, Chuyên còn tương cả tiếng Anh “To me, she is nothing”) và cuối cùng để chứng tỏ rằng nếu như cô gái kia có tình ý gì với anh thì đó là… việc riêng của cô ta, còn anh chỉ là một người ngây thơ vô tội chính cống, Chuyên bèn lên giọng ví von:
- Trong trường hợp này, cô ta là lưỡi câu, còn anh chỉ là con cá, anh đâu có biết gì…
Xui cho Chuyên, đúng lúc đó Nhiệm thức giấc. Chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao, cũng chẳng thấy hết mức độ nghiêm trọng của tình hình, vừa mở mắt ra, nghe Chuyên đang vung vít so sánh chuyện tình yêu với chuyện câu cá, Nhiệm đã thấy… nhột lỗ tai.
Thế là phóc một phát từ giường ra cửa sổ, tóc tai dựng đứng, mắt đầy ghèn, Nhiệm ngâm ông ổng:
- Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra?
Chuyên đẩy Nhiệm một cái khiến anh té bệt xuống sàn nhà, la oai oái:
- Bể đít tao, mày!
Chuyên nghiến răng:
- Kệ mày!
Không thèm ngó Nhiệm, Chuyên hấp tấp quay ra cửa sổ đúng lúc Sương xách chổi quay vào nhà. Anh quýnh quíu gọi:
- Sương!
Sương quay lại, mắt nheo nheo:
- Anh còn kêu tôi làm gì nữa! Anh Nhiệm nói vậy không đúng sao?
Chuyên chưa kịp mở miệng thì Sương đã chạy vọt vào nhà. Tiếng cánh cửa đóng “ầm” một phát như bom nổ khiến Chuyên cảm thấy cả lồng ngực rung rinh, trái tim muốn rớt ra ngoài.
Nhiệm nãy giờ vẫn ngồi dưới đất. Anh vừa xoa mông vừa bắt đầu hiểu ra mức độ tai hại của trò chơi không đúng chỗ của mình.
Sau khi Sương bỏ đi, Chuyên đứng thẫn thờ bên cửa sổ một hồi lâu, không nói không rằng. Dường như anh đang dõi mắt nhìn theo những đám mây hồng nhạt lững lờ trôi phía chân trời và bâng khuâng tự hỏi tại sao tình yêu của mình không được nhẹ nhàng, êm ái như đám mây kia.
Lát sau, Chuyên quay vào. Nhìn thấy Nhiệm, đôi mắt anh như tóe lửa. Nhưng anh vẫn cố kềm giọng, chỉ trách khéo:
- Hay quá hén!
Biết lỗi, Nhiệm im re, không cãi chày cãi cối như mọi khi. Chuyên vẫn tiếp tục giọng “ngọt mật chết ruồi”: – Giỡn vậy “đã” chưa?
Nhiệm tặc lưỡi, không đáp.
Thái độ im lặng của Nhiệm không hiểu sao lại khiến Chuyên đâm nổi khùng. Từ nói “nhẹ” anh chuyển qua nói “nặng”:
- Mày là cái thằng nhà báo… hại! Mày chỉ biết “phá” cho sướng cái miệng mày, còn người khác ra sao thì mặc kệ!
Nhiệm gãi đầu, ấp úng:
- Nhưng mà thoạt đầu tao đâu có biết…
Chuyên cắt ngang:
- Không biết thì im cái mồm lại cho người ta nhờ! Đã không biết mà còn cứ thò mũi vô…
Những lời lẽ “búa tạ” của Chuyên không làm cho Nhiệm tức giận. Anh cứ một mực nhận lỗi:
- Lần sau tao rút kinh nghiệm…
- Rút cái con khỉ! – Chuyên nhún vai – Mày nói câu đó bao nhiêu lần rồi mà tao có thấy mày rút gì đâu!
Nhiệm gật đầu, vẻ thành khẩn:
- Nhưng lần này tao sẽ rút.
Thấy Nhiệm xụi lơ, Chuyên cũng hết ham “xài xể”, đành thở dài:
- Đợi mày rút cho được cái kinh nghiệm thì em Sương đã rút khỏi đời tao tự hồi tám hoánh nào rồi!
Nhiệm trố mắt:
- Gì dữ vậy?
- Chứ gì nữa! Khi nãy em đang giận tao, mày lại “phang” một câu sét đánh như vậy, kỳ này chắc em “thôi” tao luôn!
Trước tình cảnh… nghìn cân treo sợi tóc của Chuyên, Nhiệm tỏ vẻ áy náy:
- Nếu vậy, để tao đi gặp Sương. Tao sẽ nói cho em hiểu…
Chuyên gạt phắt:
- Thôi, thôi, tao lạy mày! Ăn nói bặm trợn như mày mà đi làm “thuyết khách” chắc hai bên khỏi nhìn mặt nhau luôn!
Nhiệm tặc lưỡi:
- Nếu em Sương quyết tâm “de” mày, tao sẽ nhường… em Thủy lại cho. Tao sẽ chinh phục một em khác đẹp hơn em Thủy.
Mẫn nãy giờ im lặng theo dõi cuộc đấu khẩu giữa hai đối thủ, bỗng nghe Nhiệm đề nghị “ba trợn” như vậy, anh liền phì cười. Còn Chuyên thì nhăn nhó:
- Đến nước này mà mày còn giỡn được!
Tới giờ đi học nên cuộc kiểm điểm Nhiệm đành phải kết thúc ở đó, trong sự nhẹ nhõm của đương sự. Còn Chuyên, chân bước đến lớp nhưng đầu óc thì loay hoay nghĩ cách làm lành với Sương. Tối mốt, anh tự dặn lòng, mình sẽ không trò chuyện với cô – gái – lưỡi – câu nữa, cô ta hỏi gì mình cũng giả đò làm con cá điếc. Điếc đặc. Để Sương khỏi thắc mắc lôi thôi.
Sương hết thắc mắc lôi thôi thật. Không biết hai người “dàn xếp” với nhau như thế nào, qua mấy ngày sau, Chuyên tươi tỉnh hẳn lên. Và chương trình phát thanh buổi sáng bên cửa sổ tiếp tục diễn ra như thường lệ, nghĩa là đậm đà hạnh phúc với người trong cuộc và nhạt như nước ốc với những thính giả bất đắc dĩ như Nhiệm và Mẫn.
Sau lần gây ra “tai họa” kia, Nhiệm đã thành khẩn hứa rút kinh nghiệm. Nhưng anh chỉ “rút” được có vài ngày. Đến khi thấy chuyện tình của Chuyên đã sóng êm gió lặng, những bóng mây u ám đã trôi vào quá khứ, cái máu nghịch tếu kinh niên của Nhiệm lại nổi lên, bất chấp những lời thề thốt trước đây của mình.
Chuyên chẳng lạ gì tính Nhiệm. Anh thừa biết trước sau gì Nhiệm cũng sẽ lại giở trò phá bĩnh. Vì vậy, dạo này Chuyên đề cao cảnh giác hơn. Mỗi lần đứng nói chuyện với Sương bên cửa sổ, anh luôn liếc mắt theo dõi nhất cửa nhất động của Nhiệm. Hễ thấy Nhiệm nhúc nhích định lao về phía cửa sổ là anh kịp thời chận đường ngay. Nhờ vậy mà từ đó đến nay, Nhiệm chưa có dịp gây thêm một trò rắc rối nào nữa.
Mẫn chứng kiến tất cả những hoạt cảnh bi hài đó với một sự hào hứng lặng lẽ. Qua Chuyên và Nhiệm, anh cảm thấy khi tình yêu chạm ngón tay kì diệu của nó vào người nào, lập tức người đó trở nên ngộ nghĩnh khác thường. Niềm vui và nỗi buồn cứ không ngừng lẫn lộn, xô đẩy và quấy rầy nhau trong trái tim càng ngày càng trở nên đa cảm của các bạn anh.
Trong nháy mắt, chỉ với một nụ cười vặt vãnh nào đó của Sương bên cửa sổ, Chuyên trở thành một chàng trai yêu đời vô bờ bến với đôi mắt lấp lánh như gương và mồm huýt sáo suốt ngày. Nhưng chỉ cần một lời trách móc nhỏ nhặt của Sương sau đó vài phút, Chuyên đã có thể rơi xuống tận đáy của địa ngục đau khổ, mặt mày cứ như tàu lá héo, trông thảm hại hết sức.
Nhiệm chẳng hơn gì Chuyên. Cái miệng lúc nào cũng bô bô kia chỉ là một thứ súng bắn đạn… giả, hệt như đồ chơi của trẻ con. Đằng sau những tiếng nổ lốp xốp kia là một trái tim yếu bóng vía, lúc nào cũng sẵn sàng cuống lên trước các đòn trừng phạt tinh thần có định kỳ của Thủy.
Đứng ngoài những biến cố trọng đại này, Mẫn mặc nhiên được coi như người tỉnh táo nhất trong bọn. Vì vậy, cái vai trò “quân sư quạt mo” của anh vẫn được duy trì vững chắc giữa hai mối tình của Chuyên và Nhiệm, cho dù gần đây sự rối rắm trong những lời chỉ đạo… gỡ rối của anh không hề bớt rắm rối hơn chút nào.
Chuyên luôn tỏ ra tín nhiệm Mẫn:
- Mẫn ơi, hôm qua tao chở em đi chơi, nửa chừng em đòi về, mày có biết tại sao…
Nhiệm vọt miệng trả lời thay:
- Chắc tại em… nhớ nhà!
Chuyên quắc mắt:
- Tao đâu có hỏi mày, tao hỏi thằng Mẫn…
Mẫn ngó Chuyên, cười:
- Đâu, mày kể đầu đuôi tao nghe!
Thế là Chuyên hăm hở dốc bầu tâm sự. Còn Mẫn vừa lắng tai nghe vừa cố đoán xem một người con gái đi chơi với người yêu nửa chừng đòi về là do nhứt đầu hay do đau bụng, hay là cô sự nhớ quên tắt bếp điện khi ra khỏi nhà.
Những lúc hục hặc với Chuyên, Nhiệm cũng tìm đến Mẫn với vẻ nịnh nọt giả tạo:
- Mẫn ơi, chuyện này ngoài mày ra chắc không ai gỡ nổi…
Mẫn nheo mắt ngắm nghía điệu bộ khúm núm của Nhiệm, lên giọng:
- Chuyên gì?
- Em Thủy bảo tao… – Nhiệm ngập ngừng.
- Em bảo sao?
- Em bảo… em không thích thấy tao đội nón khi đi chơi với em.
Mẫn khịt mũi:
- Thì đừng đội nữa!
Nhiệm tặc lưỡi:
- Nhưng tao không biết em nói thật hay em nói chơi.
- Em nói chơi với mày làm gì?
Nhiệm đưa tay xoa đầu:
- Nhưng chẳng lẽ em… nói thật? Bỏ nón ra, cái đầu tao trông nó kỳ kỳ, tóc nó cứ xù lên…
Mẫn cười:
- Biết đâu em lại “kết” tóc xù thì sao!
Nhiệm ngẩn ngơ:
- Vậy tao bỏ nón hén?
- Ừ, bỏ đi! Đưa cái nón đây cho tao đội!
Thế là nhờ “gỡ rối tơ lòng” cho Nhiệm, Mẫn “tịch thu” được cái nón trong một tình huống rất chi là… hợp lý, hợp tình.
Chương 9:
Buổi chiều tới nhà Thu Thảo dạy kèm, Mẫn chụp ngay cái nón “chiến lợi phẩm” lên đầu.
Vừa mở cửa ra, thấy anh, Thu Thảo reo ầm lên:
- A, nón mới!
Mẫn sờ tay lên đầu, cười cười:
- Không mới lắm đâu!
Thu Thảo nheo mắt:
- Nhưng đối với em là mới! Lần đầu tiên em thấy anh đội nón.
Vào tới phòng học, Thu Thảo vẫn chưa quên cái nón của Mẫn.
Cô tò mò hỏi:
- Bộ anh thích cái nón này lắm hả?
- Sao Thu Thảo hỏi vậy?
- Tại em thấy anh đội nón buổi chiều. Buổi chiều trời đâu có nắng.
Không biết trả lời sao, Mẫn đành gật đầu:
- Ừ, thích!
Thu Thảo vẫn chưa chịu thôi:
- Vì sao anh thích?
Đang khoái chí về “thành tích” của mình, tự nhiên Mẫn bỗng hào hứng hẳn lên. Anh vui vẻ khoe:
- Bởi vì đây là cái nón “chiến lợi phẩm”.
Thu Thảo trố mắt:
- Chiến lợi phẩm?
- Ừ.
Thu Thảo càng thắc mắc:
- Anh làm gì mà có “chiến lợi phẩm”?
Đến đây, Mẫn có vẻ ngập ngừng:
- À, thì tôi… thì có một người bạn nhờ tôi gỡ rỗi…
Thu Thảo hiểu ngay:
- Anh “gỡ rối tơ lòng” giùm cho ai chứ gì?
Mẫn cười:
- Đại khái là vậy.
Thu Thảo reo lên:
- Hay quá hén! Hóa ra anh là nhà tâm lý học. Vậy mà trước giờ anh giấu không cho em biết.
Mẫn lại cười. Quan hệ giữa anh và Thu Thảo trong thời gian gần đây đã vui vẻ và cởi mở hơn nhiều. Sau “sự kiện bức tranh”, dường như cả hai đều thấy cần phải quan tâm và đối xử với nhau dịu dàng hơn. Thu Thảo đã bắt đầu ý tứ hơn trong những lần trò chuyện “ngoài giờ” với anh, không còn vô tình “phang” những câu như búa bổ vào lòng tự ái của anh như trước. Ngược lại, Mẫn cũng dần dần bớt “khép kín” hơn. Bây giờ, trong những phút giải lao giữa hai giờ học, Mẫn đã chuyện trò với Thu Thảo nhiều hơn và đề tài nói chuyện dĩ nhiên cũng mở rộng hơn trước.
Trong sự thay đổi này, có một sự tác động ngẫu nhiên nhưng đáng kể từ phía Chuyên và Nhiệm. Sự xuất hiện của Sương và Thủy trên đường đời hai người bạn của anh khiến cuộc sống của học đâm ra nhộn nhịp và “khí thế” hẳn lên. Và cái bầu không khí lúc nào cũng sôi sùng sục như nồi súp – de của căn gác trọ càng ngày càng cuốn hút và nung nóng trái tim vốn nguội lạnh của Mẫn.
Anh trở nên mềm yếu hơn, vì vậy hoạt bát hơn, trước Thu Thảo, một sinh vật mà ngay từ lần đầu gặp mặt, anh đã thề với lòng mình là sẽ không mở miệng nói với cô bất cứ chuyện gì ngoài những con số.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi. Căn bệnh “dị ứng… phụ nữ” của Mẫn đã thuyên giảm nhiều, ít ra là đối với cô học trò thông minh và khả ái của anh. Nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là Mẫn đã biết… yêu. Với anh, tình yêu trước sau vẫn là một thứ “xa xí phẩm”. Và trung thành với quan niệm thâm căn cố đế của mình, Mẫn chưa bao giờ tìm cách đi theo con đường của Chuyên và Nhiệm, dù chỉ trong ý nghĩ. Anh cho đó không phải là chuyện của mình, mặc dù trong khi hào hứng tham dự vào “chuyện riêng” của Chuyên và Nhiệm, anh luôn cảm thấy một cái gì đó không cân đối, không trọn vẹn trong cuộc sống chung của ba người.
Chuyên và Nhiệm chia sẻ với anh biết bao nhiêu tâm sự, anh thì chẳng có gì để sẻ chia. Anh hạnh phúc và lo lắng theo hạnh phúc và lo lắng của bạn nhưng anh lại chẳng có buồn vui nào để bạn buồn vui. Sự hụt hẫng đó nhiều lúc khiến Mẫn cảm thấy vô cùng bứt rứt. Bứt rứt không phải vì mình không có người yêu hay vì không ai yêu mình, bởi nỗi day dứt của Mẫn không thuộc về lãnh vực tình cảm. Anh chỉ tiếc là mình không có một “chuyện tình” – như là một “tài sản” riêng – để “góp vốn” vào… sự “hỗn loạn” chung trong căn gác ba người. Như vậy, có lẽ cuộc sống sẽ vui nhộn và hoàn chỉnh hơn.
Nỗi day dứt của Mẫn hôm nay lại dịp khơi dậy khi Thu Thảo nhí nhảnh hỏi:
- Anh gỡ rối tơ lòng giùm người ta, vậy tơ lòng của anh thì ai gỡ?
Dù ý tứ hơn trước rất nhiều, Thu Thảo cũng không đủ kinh nghiệm và sự tế nhị để thấu hiểu tâm trạng của Mẫn, vì vậy thỉnh thoảng cô lại buộc miệng hỏi những câu như trêu ngươi. Ngược lại, Mẫn hiểu Thu Thảo nhiều hơn, do đó anh không hề giận cô.
Tuy nhiên, trước một câu hỏi “độc địa” như vậy, Mẫn hoàn toàn lúng túng. Thoạt đầu, anh định nói thẳng: “Tôi chẳng bao giờ có tơ lòng để mà rối!”, nhưng rồi không hiểu sao, cuối cùng anh lại trả lời lấp lửng bằng một thái độ bông đùa:
- Tôi hả? Tơ lòng của tôi thì… người khác gỡ!
Thu Thảo mỉm cười:
- Người khác là ai?
Lỡ ở vào thế “ném lao đành phải theo lao”, Mẫn đành đáp đại:
- Là bạn bè! Hay là bất cứ ai quan tâm đến mình…
Thu Thảo nheo nheo mắt và nở một nụ cười tinh quái:
- Như em được không?
- Thu Thảo sao? – Mẫn trố mắt.
- Em sẽ gỡ rối cho anh! – Thu Thảo đề nghị nửa đùa nửa thật – Khi nào anh gặp chuyện gì khó nghĩ, em sẽ tham gia ý kiến với anh.
Nhiệt tình của Thu Thảo khiến Mẫn nửa buồn cười nửa xót xa. Cô không biết rằng anh chỉ có đi gỡ rối cho thiên hạ (mặc dù càng gỡ càng… rối) chứ chẳng hề xảy ra điều ngược lại. Cô tin những lời bông đùa nãy giờ của anh là thật, vì cô đã… đăng ký “giải đáp tâm tình” cho anh một cách hồn nhiên.
Mẫn tỏ ra bối rối trước tình huống bất ngờ đó. Anh ấp úng:
- À, à, để coi…
Thu Thảo chun mũi:
- Còn để coi gì nữa! Anh gật đầu đại đi!
Mẫn làm ra vẻ đắn đo:
- Còn phải coi Thu Thảo có giúp được gì không đã chứ!
Thu Thảo mau mắn:
- Chuyện gì em cũng giúp được!
Mẫn cười:
- Thật không?
- Thật.
Vẻ quả quyết của Thu Thảo khiến Mẫn cảm thấy rất mến cô. Nhưng anh không biết nên bịa ra một cái “tơ lòng” nào để cô có dịp “gỡ”.
Đang suy nghĩ vẩn vơ, tự nhiên trong óc Mẫn lóe lên một ý định mới mẻ. Và ngay lập tức, anh cảm thấy ý tưởng đó hoàn toàn có thể thực hiện và một cách nào đó, nó sẽ “làm đầy” những cái “thiếu sót” của anh đối với Chuyên và Mẫn, nó sẽ giải quyết được những day dứt của anh lâu nay.
Sau khi đã quyết định, mặt mày Mẫn tươi tỉnh hẳn lên. Anh nói với Thu Thảo bằng một giọng tin cậy:
- Nếu Thu Thảo có ý định giúp tôi thì tôi có thể nhờ Thu Thảo chuyện này…
Mẫn chưa nói dứt câu, mắt Thu Thảo đã sáng rỡ:
- Chuyện gì vậy? Làm được là em làm liền!
Mẫn hạ giọng:
- Thu Thảo biết không, mối quan hệ giữa tôi với… cô bạn của tôi gần đây không được tốt lắm. Chung qui chỉ vì cô ta nghĩ rằng – Chỗ này, Mẫn “bịa” một cách khó khăn – trong quan hệ tình cảm hiện nay giữa hai người, tôi là người… chịu ơn. Còn cô ta là kẻ ban phát…
Mẫn “tâm sự” với vẻ rầu rầu rất đạt. Thu Thảo thì ngẩn người nghe không chớp mắt.
- Cô ta cho rằng, mặc dù không nói thẳng, ngoài cô ta ra, tôi không thể yêu ai bởi vì sẽ không cô gái nào… yêu tôi. Suy nghĩ đó khiến cho cách xử sự của cô ta đối với tôi không được tốt đẹp lắm, và gần đây có những dấu hiệu xấu…
Mẫn ngừng lời, và bất giác anh cảm thấy cổ họng khô đắng. Một câu chuyện hoàn toàn bịa nhưng những mặc cảm đó dường như là có thật. Anh không ý thức về sự có mặt của nó nhưng chắc chắn nó tồn tại đâu đó trong anh, ở những tầng sâu thẳm của tiềm thức.
Đây là lần đầu tiên trong đời, Mẫn nói đến sự thiệt thòi của số phận. Và sở dĩ anh có thể nói đến nó bởi anh nghĩ anh đang nói về một điều bịa đặt. Nhưng khi lời nói thoát ra khỏi đôi môi, anh lại nhìn nhận vấn đề theo một cách khác, thực tế hơn và cay đắng hơn. Nhưng một khi đã chấp nhận bước vào cuộc chơi, Mẫn hiểu rằng anh không thể quay lại.
Vì vậy, khi Thu Thảo hỏi bằng một giọng ái ngại:
- Em có thể giúp anh được gì?
Mẫn trả lời không chút do dự:
- Thu Thảo sẽ đóng vai một… cô bạn mới của tôi. Tất nhiên Thu Thảo không cần xuất hiện. Nhưng Thu Thảo sẽ viết thư cho tôi… thường xuyên. Tôi sẽ “tình cờ” để cho cô ta phát giác ra những bức thư đó.
Thu Thảo gật gù:
- Em hiểu rồi. Khi biết anh vẫn có những cô gái khác, cô bạn anh sẽ phải nghĩ lại…
Mẫn khen:
- Đúng rồi! Thu Thảo thông minh lắm! Nhưng Thu Thảo thấy có gì bất tiện trong “nhiệm vụ” này không?
Thu Thảo sốt sắng:
- Không! Chẳng có gì bất tiện! Thậm chí em còn thích nữa! Kế hoạch của anh giống hệt như trong các truyện trinh thám! – Đột nhiên Thu Thảo hỏi – Cô bạn của anh tên gì?
Mẫn giật thót:
- Cô ta hả? Cô ta tên… Thủy!
Đang quýnh quáng, không kịp nghĩ ra một cái tên nào khác, Mẫn đành mượn đại tên người yêu của Nhiệm. Nói xong, anh cười thầm: “Nếu tên Nhiệm biết mình “giành” Thủy của hắn, chắc hắn rủa mình thê thảm!”
- Chị Thủy cũng học cùng lớp với anh hả? – Thu Thảo lại hỏi.
Mẫn lắc đầu:
- Không! Thủy đi làm.
Thu Thảo tò mò:
- Chị Thủy chắc là dễ thương lắm?
Mẫn gật đầu đại:
- Ừ, dễ thương! Nhưng Thu Thảo cũng chẳng cần biết rõ về Thủy làm gì!
Nghe Mẫn nói vậy, Thu Thảo “hứ” một tiếng:
- Em phải biết chứ! Rủi mai mốt, khi biết em là “bồ” anh, chỉ tìm đến “thanh toán” em thì sao!
Mẫn phì cười:
- Cái đó thì Thu Thảo khỏi lo! Viết thư cho tôi, Thu Thảo không cần ghi địa chỉ người gởi. Vả lại, Thu Thảo nên “bịa” ra một cái tên khác.
Thu Thảo có vẻ hào hứng với trò chơi ngoắt ngoéo này, cô nhíu mày:
- Bịa tên gì bây giờ?
Mẫn gõ gõ tay xuống bàn:
- Một cái tên bất kỳ nào đó!
Thu Thảo nghiêng mặt nhìn anh:
- Nhưng phải hay kìa!
- Ừ thì hay! Tên hay thì thiếu gì!
Thu Thảo cắn môi:
- Tên Hương được không?
- Được! Gì Hương?
- Thanh Hương.
Thấy Mẫn che miệng cười, Thu Thảo hỏi, giọng nghi ngờ:
- Anh cười gì vậy?
- Cười cái tên.
Thu Thảo không hiểu:
- Cái tên sao?
Mẫn lại cười:
- Nghe giống như nước hoa Thanh Hương quảng cáo trên ti-vi.
Thu Thảo vùng vằng:
- Vậy mà cũng cười! Giống nước hoa thì giống chứ sao, miễn tên hay là được!
Mẫn làm hòa:
- Thì tôi có nói gì đâu! Vậy Thu Thảo lấy tên Thanh Hương hén?
- Ừ, Thanh Hương!
Mẫn thở phào. Thế là cái trò chơi tình cảm của anh đã khởi động khá suôn sẻ. Con Tàu đã được đặt vào ray, bây giờ chỉ còn chờ nổ máy và lăn bánh. Anh chưa kịp suy nghĩ đến công việc tiếp theo thì Thu Thảo đã hỏi:
- Vậy chừng nào em mới bắt đầu viết thư cho anh?
- Tất nhiên càng sớm càng tốt.
- Ngay hôm nay được không?
Mẫn gật đầu:
- Được.
Rồi anh hỏi lại:
- Thu Thảo định viết ngay hôm nay thật à?
Thu Thảo chớp mắt:
- Thật chứ sao! Nhưng mà em chưa biết… sẽ viết như thế nào?
Mẫn khoát tay:
- Dễ thôi! Tôi sẽ viết sẵn một lá thư, Thu Thảo cứ theo đó mà chép lại.
Thu Thảo ngó Mẫn:
- Chừng nào anh đưa lá thư đó cho em?
- Mốt.
- Sao anh không đưa ngay bây giờ?
Mẫn gãi đầu:
- Bây giờ hả? Bây giờ thì… tôi đâu đã viết.
- Thì anh viết ngay đi! – Thu Thảo giục.
Mẫn lưỡng lự:
- Viết ngay bây giờ sao được? Còn học nữa chi!
Đang hứng chí, Thu Thảo gạt phắt:
- Học thì lúc nào học chẳng được! Với lại, viết thư thì đâu có tốn mấy thì giờ. Viết xong rồi học.
Trước nhiệt tình quá mức của cô học trò khoái nghịch ngợm, Mẫn đành phải lùi giờ dạy lại. Anh loay hoay lật tặp, cặm cụi “sáng tác” một lá thư gởi cho… chính mình.
Thu Thảo ngồi đợi bên cạnh, với vẻ mặt náo nức của một đứa trẻ sắp được món đồ chơi của mẹ.
Viết xong lá thư, Mẫn đưa thư cho Thu Thảo:
- Em xem đi!
Thu Thảo vừa xem vừa cười khúc khích. Mẫn hồi hộp theo dõi nét mặt cô và cố đoán xem những dòng chữ nào khiến cô bật cười.
- Bức thư “tình” lắm! – Cuối cùng, Thu Thảo gấp lá thư lại và nhận xét – Nhưng có nhiều chỗ hơi kỳ kỳ!
Mẫn bối rối:
- Chỗ nào kỳ kỳ đâu?
Thu Thảo chỉ tay vô lá thư:
- Chẳng hạn chỗ này nè!