Mấy ngày sau, Lãng Tử vẫn giận, tôi đứng ngồi không yên, cứ vài giây lại mở điện thoại ra và chờ đợi. Công nhận, Lãng Tử lì thật, chả thèm ngó ngàng gì đến tôi. Tôi đã lì lắm rồi sao còn gặp người lì hơn thế nhỉ? Hay là xuống nước làm lành? Nhưng làm lành thế nào nhỉ?... Tóm lại là tôi xoắn hết cả não vì vụ này mất mấy ngày mà không biết giải quyết thế nào, lần đầu tiên tôi mới hiểu vì sao con người ta nói yêu là phải liêu xiêu, khổ quá là khổ.
Trong lúc tôi đang vật vã vì cái vụ giận dỗi bé như cái kim đó thì mẹ tôi lại truy ra được lý do về sự bất thường của tôi bấy nay. Tất nhiên, bà còn biết tường tận chân tơ kẽ tóc cơ và kẻ hé lộ thông tin này không ai khác là hai thằng mồm cá ngão Bi Ve và Cây Sậy rồi. Mẹ tôi gọi tôi xuống, bà nói không đồng ý việc tôi yêu Lãng Tử, tại sao con gái mẹ xinh đẹp, giỏi giang như vậy lại đi yêu một thằng đã một đời vợ chứ. Ôi, công nhận, tôi sướng rơn vì lần đầu tiên được mẹ tôi thừa nhận là xinh đẹp và giỏi giang. Nhưng, tôi vẫn phải cố gắng chống chế yếu ớt cái luận điệu của mẹ rằng, anh ấy đẹp trai, anh ấy tài giỏi…Mẹ tôi nói, làm sao đẹp trai bằng anh chàng cảnh sát kia được, mẹ lục điện thoại của mày rồi, thấy ảnh nó xấu lắm. Ối giời ơi! Mẹ ơi là mẹ, mẹ theo dỗi con à? Mẹ không tôn trọng sự riêng tư của con! Blah… Blah… Blah… Tôi nói liến thoắng kết tội mẹ tôi, chủ yếu là tôi muốn phân tán sự chú ý của bà sang việc khác. Nhưng tôi nhầm, mẹ tôi kiên định hơn tôi tưởng, bà vẫn lạnh lùng cắt ngang, “Tóm lại, mẹ muốn con chấm dứt ngay với nó, đừng để lâu rồi sinh lằng nhằng”. Mẹ ơi, mẹ đúng là cao thủ, không có gì làm mẹ lung lạc được chính kiến của mình, ngay cả những mưu mô của con cũng bị mẹ tóm chặt. Tôi đành im lặng lên phòng đóng cửa lại. Tôi nghĩ, mẹ chỉ nhất thời mà nói thế thôi chứ nếu mẹ gặp anh ấy thì sẽ khác ngay ấy mà. Con là con hiểu mẹ lắm, mẹ cũng thích cái đẹp giống con, vì thế mà mẹ từ chối sếp Tam Mao xấu xí của con cả chục lần còn gì. Nói chung, sau rất nhiều lần liêu xiên, tôi và Lãng Tử cũng làm lành được với nhau. Lãng Tử chủ động nhắn tin trước, tất nhiên rồi, xét về độ lì mà nói thì tôi lì nhất quả đất này. Nhưng bù lại, tôi lại phải ngồi nghe mười mấy điều răn dạy của Lãng Tử, nào nào là không được quên tên anh ấy, không được la cà mấy quán xá mất vệ sinh ngoài đường, không được tụ tập với mấy đám bạn trai linh tinh và không được nói dối. Tôi gật hết, cứ gật đi đã, làm được hay không thì tính sau. Nói vậy thôi, chứ từ khi yêu Lãng Tử, tôi đã trở nên nhẹ nhàng hơn, ăn mặc đẹp đẽ hơn và đang cố gắng trở nên thanh lịch và học ăn những món Tây mà anh ấy yêu thích. Nói thật, đôi khi tôi cũng chợt khựng lại vì không biết mình đang làm cái quái gì nữa! Nhưng, biết làm sao được, yêu là phải liêu xiêu. Tôi chấp nhận và nghĩ rằng mình nên chấp nhận.
Tôi nói với Lãng Tử về sự lo lắng của mẹ tôi. Anh ấy có vẻ hơi buồn, nhưng anh ấy hứa là sẽ cùng tôi thuyết phục mẹ. Đương nhiên rồi, tình yêu là phải vượt qua chông gai, không vượt qua chông gai thì làm sao mà… chai mặt được. Tôi chợt chột dạ hỏi Lãng Tử về mẹ anh, không biết phản ứng của bố mẹ anh thế nào nếu biết anh yêu tôi. Anh ấy không trả lời tôi và dường như anh ấy không muốn trả lời điều đó.
Sau đó, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về tháy độ của Lãng Tử, chẳng lẽ anh không yêu tôi thật lòng? Chẳng lẽ anh sợ bố mẹ anh không thích tôi? Ồ, không, một người như tôi ai mà chẳng thích cơ chứ. Tại sao anh ấy lại lo huyễn lo hoặc như thế nhỉ? Nhưng có lẽ, điều tôi băn khoăn và sợ nhất là ý nghĩ anh ấy không hề xác định gì với mình cả. Nói tóm lại một câu là tôi sợ ế! Cứ yêu mãi thế này mà không cưới xin thì coi như ế còn gì?
Tôi trở nên hoang mang trong chính tình yêu của mình. Đôi khi, tôi tự hỏi, không biết tôi yêu Lãng Tử đến mức nào, không biết tôi kỳ vọng ở Lãng Tử điều gì mà tôi hy sinh rất nhiều thứ mình thích (như đi ăn nem chua, tụ tập trà chanh…) để anh ấy vui lòng? Còn tôi, tôi có thực sự thấy vui vì những điều đó không? Tôi chẳng biết. Trời ạ, quả thật mọi thứ thật là khó nắm bắt, tôi vẫn như một đứa mắt kém đang dò dẫm tìm đường ra khỏi một khu rừng trong ánh sáng lờ mờ của bóng trăng (Trời ơi, sến cả nải).
Nói thì nói vậy, nhưng tôi và Lãng Tử vẫn không có gì thay đổi. Dù đôi lúc, tôi hơi thấy chạnh lòng. Lãng Tử dường như cũng trầm tư hơn, tôi cảm giác như anh ấy phải đấu tranh tư tưởng ghê lắm. Và vì thế, tôi không dám nói những điều mình nghĩ, sợ gây áp lực cho anh ấy. Ôi, tôi là thế, dù thế nào đi nữa, tôi vẫn nghĩ cho người khác, tôi thấy mình thật là cao cả (Nói ra được câu này kể cũng hơi lợm giọng, nhưng kệ, cứ nói cho sướng mồm đã). Trong lúc tôi đang bối rối với tình yêu của mình, thì Cục Kẹo liên tục gọi điện, tôi đến chết mất, tôi không nghe điện thoại, nhắn tin kêu khóc tôi cũng không nhắn lại. Giờ tôi mới thấy mình quá dại dột khi nhận lời làm bà mối, à không, làm cầu nối cho cô ta và Hoành Tá Tràng. Cô ta truy đuổi tôi hằng ngày, hằng giờ và thậm chí hằng phút. Tôi nào tránh được cô ta lâu, hôm nay cô ấy đến tận công ty tôi với đôi mắt ướt nhẹp nước mắt. Và vẫn câu nói quen thuộc “Anh ấy lạnh nhạt với em, anh ấy mắng em…”. Trời ơi, sao số tôi lại khổ thế này! Đã suốt ngày gặp họa với lão Hoành Trá Tràng, giờ lại phải đèo bòng thêm “cục nợ” của lão ta nữa. Cứ thế này không biết tôi có thọ được đến năm chín mươi tám tuổi như mục tiêu tôi tự đề ra không nữa. Chắc mỗi lần gặp cô ra tôi sẽ bị tổn thọ thêm một năm mấy, đấy, cô ta có hại với cơ thể tôi hơn cả thuốc lá ấy chứ.Mà cô ta có dễ đối phó như Hoành Tá Tràng đâu, với lão mặt sắt đó, muốn mắng chửi, muốn gào rú kiểu gì cũng được. Nhưng với Cục Kẹo thì phải nhẹ nhàng, mềm mỏng (Mặc dù đôi lúc máu điên của tôi bốc lên ngùn ngụt), không mềm mỏng sao được, cứ to tiếng một tý là em ý lại đòi tự tử thì có phải tôi mang họa không??? Tôi đành khuyên Cục Kẹo muốn lấy lòng Hoành Tá Tràng thì cứ mang ghế ra ngồi chốt trực của anh ta ấy, chờ anh ta hết ca trực rồi đi về cùng nhau, rồi mời đi ăn uống… Cục Kẹo mặt sáng ngời, cảm ơn tôi rối rít. Tôi vừa tước đoạt sự tự do của một người khác để đổi lấy sự thanh thản cho riêng mình. Ôi! Thế mới chứng minh được sự thông minh siêu phàm của tôi chứ!
Sau khi đã phá được quả bóng Cục Kẹo mảnh mai, yếu ớt ấy sang phía Hoành Tá Tràng, tôi thấy lòng nhẹ nhõm, mặc dù, thi thoảng cảm giác tội lỗi vẫn dâng lên, nhưng tôi quyết tâm đè bẹp nó xuống. Tôi tung tăng đi lên sân thượng của tòa nhà, mỗi lúc vừa làm một việc gì xong, dù vui hay buồn thì tôi đều phi lên sân thượng để hít khí trời và lấy thêm khí thế trước khi ra về. Lần này là việc vui, nên tôi chẳng ngại ngần gì không vừa đi vừa hát. Đang hát đến đoạn cao trào thì tôi nhìn thấy một bóng đen lướt qua (Khổ, cái đoạn cầu thang lên phía tầng thượng mấy hôm nay bị cháy bóng nên tối thui). Tôi nháo nhác nhìn xung quanh, rồi rút đôi giày dưới chân làm vũ khí. Nếu là một lão yêu râu xanh thì coi chừng với tôi đấy. Tôi liếc xung quanh thêm một lần nữa, vẫn tối om. Lúc này tôi mới nhớ ra rằng gần hết giờ làm việc rồi. Trời ạ, cứ vui là quên hết thời gian mới khổ chứ. Tôi lò mò ôm giày quay trở lại. Bỗng, tôi có cảm giác ai đó sau lưng mình, tôi nhìn lại. Và chỉ loáng thoáng thấy cái gì đó trăng trắng trước mặt. Không ngần ngại, tôi vừa lấy giầy đập liên tiếp vào bóng đen, vừa gào toáng lên.
Sau khi “tung chưởng” kha khá với bóng đen, tôi mới để ý tiếng kêu khe khẽ “tôi đây mà, tôi đây mà”. Ôi! Cái giọng nghe quen quen quá. Tôi dừng lại, chớp mắt suy nghĩ rồi dơ một chiếc giày lên, “Tôi nào! Nói mau!”. Cái giọng yếu ớt vang lên, “ Tôi… tôi đây”. Lúc này tôi mới sực nhớ ra mình có mang theo điện thoại, tôi móc nó ra và bật lên, soi vào bóng đen. Ối giời ơi! Tí ngất, hàm răng trắng đang chìa ra nhìn tôi, thì ra Hăng – rô Nguyễn, anh ta làm cái quái gì ở đây nhỉ? Hăng-rô Nguyễn ôm cái mặt đã có mấy vết thâm lên rên rỉ, “Cô đánh… mạnh… quá”. Ai bảo anh đứng đó làm gì, phải kêu to lên tôi mới biết chứ, tự nhiên lại lò dò lên đây, thật là mờ ám. Tôi định cáu gắt, nhưng nhìn mặt Hăng-rô Nguyễn tội quá, tôi đành xin lỗi rồi dìu anh ta xuống dưới. Công ty đã vắng người, tôi giặt khăn đưa cho anh ta lau mặt và không ngừng xin lỗi. Ôi, phải xin lỗi chứ, nhỡ anh ta tức lên mà đi báo công an răng rôi đã hành hung anh ta thì biết làm thế nào. Hăng-rô cười cười nói.
“Không sao, thực ra tôi định lên thay mấy cái bóng đèn trên đó cho sáng, vì tôi thấy cô hay lên sân thượng vào lúc cuối giờ nên sợ cô ngã…”
Ôi trời! Lại suýt ngất tập hai, tôi choáng váng vì sự nhiệt tình và quan tâm đó của Hăng-rô! Hăng-rô ạ, anh cấu thật đấy nhưng anh thật tốt bụng. Tôi nhìn anh ta cảm kích, Hăng-rô ngượng ngùng nói.
“Tôi chỉ làm theo trái tim mách bảo thôi, cô yên tâm, tôi và anh ta vẫn sẽ cạnh tranh công”pằng” mà”.
Ôi! Sao lại thế? Tôi làm gì mà cứ bắt nhiều người phải yêu tôi thế? Tôi nhìn Hăng-rô và cảm thấy mình nên làm điều gì đó, mình đừng để anh chàng tội nghiệp này hi vọng thêm nữa. Thế là tôi quyết định nói với Hănh-rô rằng, tôi không yêu anh ta, chúng tôi không hợp nhau… Hăng-rô đón nhận sự thật đó rất điềm tĩnh. Cuối cùng, trước khi đứng dậy, anh ta phán một câu xanh rờn.
“Đáp lại hay không là quyền của cô, còn theo đuổi hay không là quyền của tôi.”
Suýt ngất tập ba!!! Anh ta bỏ lại tôi đứng như trời trồng. Ôi! Tình yêu, thật lắm liêu xiêu!
Tối đó, trong đầu tôi ngổn ngang đủ các thứ, làm thế nào để đối phó với Cục Kẹo nếu cô ta tìm đến, nói thế nào cho Hăng-rô Nguyễn phải bỏ cuộc, nào là làm thế nào cho tôi và Lãng Tử không bị mẹ tôi ngăn cấm nữa? Và còn một việc nữa làm thế nào cho tôi có thể trả thù Hoành Tá Tràng cho hả giận đây?
Ôi chao, bấy nhiêu đó cũng khiến tôi nhũn não rồi. Tôi nằm gục xuống như con cá chết ước rằng, có ai đó đứng dậy thay tôi giải quyết mớ hỗn độn này, tôi thề, tôi sẽ trả công hậu hĩnh. Ôi, đúng là cầu được ước thấy, ngay lập tức chuông điện thoại đổ. Chẳng lẽ ông Bụt gửi vị cứu tinh đến cho tôi qua đường viễn thông chăng? Tôi vớ lấy điện thoại, là Hoành Tá Tràng! Khổ, đây không phải là vị cứu tinh, mà là Thiên Lôi thì đúng hơn, chắc ông Bụt gửi nhầm rồi. Tôi nhấc điện thoại bằng giọng uể oải nhất có thể. Hoành Tá Tràng cáu loạn cào cào lên.
“Cô làm cái quái gì thế hả? Cô bảo cô ta đến phá đám tôi đấy à?”
Tôi vẫn rất bình tĩnh hỏi lại.
“Cái gì? Cô nào hả?”
Hoành Tá Tràng lại rú lên.
“Còn ai vào đây nữa, Cục Kẹo của cô chứ ai.”
Ồ, giờ tôi mới nhớ ra, mình đã bảo Cục Kẹo đến tán tỉnh Hoành Tá Tràng, ô hô, vui quá, lão này càng tức thì tôi thấy càng vui.
“Đi làm có người yêu đi theo chăm sóc rồi lại còn cáu ầm lên nữa.”
Hoành Tá Tràng càng lồng lộn.
“Cô ta không phải là người yêu tôi và lần sau đừng có tốt bụng kiểu củ chuối đó nữa, nghe chưa?”
Tôi cười ha ha và cúp máy, thật đáng đời, vui quá. Thay bằng việc suy nghĩ các chiêu trò, tôi nằm cười một mình vì thái độ của Hoành Tá Tràng. Nói thật, tôi làm thế vì một phần muốn chọc tức anh ta, một phần tôi cảm thấy thương cho tình yêu của Cục Kẹo. Cục Kẹo bây giờ có khác gì tình yêu tôi dành cho Lãng Tử ngày xưa đâu. Chỉ khác một điều, hồi đó tôi không theo đuổi điên cuồng như Cục Kẹo, nhưng chung quy lại vẫn là thứ tình yêu một phía. Mà đã trót yêu một phía thì buồn và đau khổ lắm, tự đáy lòng mình, tôi vẫn muốn giúp đỡ Cục Kẹo. Vì biết đâu, sau này nhỡ đâu Cục Kẹo và Hoành Tá Tràng cũng thành một đôi như tôi và Lãng Tử bây giở thì sao?
Mấy ngày sau đó, mẹ tôi không ngừng trách móc tôi vì việc tôi thông minh thế này mà yêu người đã có vợ. Mẹ ơi, từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ con chỉ yêu mỗi anh ấy, thế mà mẹ nỡ lòng nào ngăn cấm chứ? Nói cho có phần bi đát thôi, chứ thật tình tôi nghĩ chẳng có vấn đề gì cả, cứ im lặng rồi mẹ sẽ hiểu ấy mà. Con gái mẹ dù có nhan sắc khuynh thành đến đâu thì vẫn có một chứ ế to đừng treo lủng lằng trên đầu mẹ ạ, giờ có người định rước đi cho, mẹ lại không mừng mà lại cấm cản là sao? Nhưng có vẻ mẹ tôi vẫn không hề lung lay trước bất cứ lời ngon ngọt dụ dỗ của tôi. Thế là tôi không còn cách nào khác, đành nhờ sếp Tam Mao “làm công tác tư tưởng cho mẹ”. Tôi nghĩ, dù mẹ tôi không yêu ông ấy nhưng họ vẫn là bạn tốt của nhau thì tiếng nói của sếp Tam Mao ít ra còn có trọng lượng hơn tôi gấp mấy lần ấy chứ. Tôi phải năn nỉ gãy lưỡi sếp Tam Mao mới chịu gọi điện cho mẹ tôi. Tôi đi ra ngoài cho hai người chuyện được tự nhiên. Nói thế thôi, chứ vừa bước chân ra đến cửa, ngay lập tức tôi đã áp tai vào cánh cửa gỗ để nghe ngóng rồi. Tôi nghe câu được câu mất, nhưng sếp Tam Mao có nói một câu khiến tôi cay mũi mãi. Chẳng biết mẹ tôi đã nói gì nhưng tôi nghe thấy sếp nói.
“Em vừa kén chọn gì nữa, con gái em vừa lùn vừa đen, vừa xấu lại còn tuổi Dần nữa, có người rước là may rồi.” Sếp ơi là sếp! Có hàng trăm cách thuyết phục, sao sếp lại nghĩ ra cách dìm hàng người khác không thương tiếc như thế chứ. Dù người nghe câu đó là mẹ tôi, thì tôi vẫn có sĩ diện của tôi chứ, thật là đau lòng chết đi được. Thảo nào ông ta tán mãi mẹ tôi chẳng chịu đổ là phải. Nhưng, dù thế nào, tôi vẫn phải cảm ơn sếp Tam Mao, vì ông luôn là người ủng hộ tôi trong cả công việc lẫn cuộc sống. Tôi cảm thấy quá may mắn khi có một ông sếp như vậy, đương nhiên không thể phủ nhận rằng, tôi khá được việc nên sếp mới quý như thế chứ.
Tôi quyết định không nghe trộm nữa kẻo ai mà nhìn thấy thì còn xem tôi ra cái gì nữa. Tôi gọi điện rủ Lãng Tử trốn việc xuống căng tin uống nước, Lãng Tử okie, nhưng đợi dài cổ mới thấy xuất hiện. Thế là lại thêm một trường đoạn giận dỗi, xin lỗi, rồi mới vui vẻ nói chuyện được, haizzz, tình yêu rắc rối thế đấy. Tôi nói với Lãng Tử rằng tối nay tôi sẽ đi chém gió với Bi Ve và Cây Sậy, nhân tiện sẽ vặt cổ hai đứa đó vì cái tội ton hót với mẹ tôi. Lãng Tử cau mày, anh ấy không thích tôi đi gặp con trai, không thích tôi ôm vai, bá cổ hai thằng bạn của mình, không thích tôi ngồi lê la vệ đường và không thích…nhiều thứ nữa. Tôi hơi chạnh lòng. Mà nói thật là rất chạnh lòng. Tại sao tôi đã cố gắng thay đổi để phù hợp với anh, còn anh thì không chịu xích lại gần hơn thế giới của tôi? Dù sự băn khoăn đó, khiến buổi trốn việc của tôi hơi chùng xuống, nhưng đến chiều, khi Lãng Tử tặng một con gấu bông biết nói, thế là nỗi buồn tạm thời tan biến trong hư vô.
Bất kỳ ai khi yêu cũng có những băn khoăn của riêng mình. Tôi cũng vậy, cũng có những băn khoăn, cũng có những rạn nứt, cũng có những thất vọng. Nhưng, tính tôi vốn buồn đấy và vui đấy, chỉ cách nhau trong một khoảng khắc rất nhỏ. Thực ra, nói thế cho có vẻ văn vẻ, chứ tôi là một đứa đại lười, thường thì tôi mặc kệ dòng đời xô đẩy, đẩy tôi đến đâu thì tôi đến đó. Trừ phi, chỗ đó quá “thối” khiến tôi không thể ngửi được thì tôi sẽ chủ động đứng lên và tìm đến chỗ khác … nằm tiếp… Cuộc sống như thế thật là nhàn thân, chỉ có điều càng nhàn thì trọng lượng cơ thể của tôi càng phình ra. Hây dà! Đời nói cấm có sai, cái gì cũng có cái giá của nó. Bạn đừng học theo tôi mà hao tổn nhan sắc nhé, trừ khi, bạn đã có sẵn nhan sắc “hoa nhường, nguyệt thẹn” giống tôi.
Tình yêu của tôi với Lãng Tử diễn ra nhẹ nhàng và lịch sự như chính tính cách của anh ấy. Đôi khi, tôi muốn làm một cái gì đó thật nổi loạn nhưng sự mực thước của anh ấy đã ngăn tôi lại. Vì thế, tôi thường tự hỏi, tại sao chúng tôi lại yêu nhau? Bởi, giữa hai chúng tôi dường như là hai con người với hai tính cách hoàn toàn khác xa nhau. Nhưng rồi, tôi lại nghĩ, duyên là do ông trời se, và ông trời buộc ai vào ai thì người đó phải chịu. Thế thôi.
Dù tình yêu của chúng tôi vẫn tiến triển đều đặn, nhưng mẹ tôi lại tiếp tục khăng khăng phản đối. Tôi không hiểu tại sao mẹ lại “dai” đến thế! Tôi quá hiểu tính mẹ, nếu chỉ vì chút sĩ diện ban đầu thì mẹ đã không quyết liệt đến như vậy. Nhưng mà, tại sao? Tôi đánh liều hỏi mẹ, mẹ tôi chỉ nói một câu “Con không hợp với nó”. Ô, thế thì ai? Ai mới là người hợp với tôi theo cách nghĩ của mẹ? Hoành Tá Tràng chăng? Mẹ nhầm rồi, Hoành Tá Tràng với con, có thể giống nhau thật đấy nhưng chúng con không phải một nửa dành cho nhau. Vì sao ư? Vì chẳng có đôi nào yêu nhau mà cứ gặp nhau là muốn chém chết nhau cả. Mẹ tôi không nói gì nhiều, nhưng tôi biết, tôi thật sự khó lòng thuyết phục mẹ nghĩ khác về Lãng Tử.
Tôi nói chuyện đó với Lãng Tử và cả hai chúng tôi quyết định sẽ gặp mẹ tôi để thuyết phục xem sao. Mẹ giữ khuôn mặt nghiêm nghị như cách bà vẫn thường làm khi đứng trên bục giảng. Sau khi đã truy vấn đủ tôn ti họ hàng hang hốc nhà Lãng Tử, mẹ tôi thở dài. Ôi, sao lại thở dài? Con gái mẹ đã có một người yêu thương, người đó lại là con của một gia đình gia thế, có tiền, có của, có địa vị nữa, sao mẹ lại thở dài? Mẹ tôi, sau một hồi suy nghĩ, có vẻ tạm hài lòng nên hỏi.
“Thế bao giờ cậu đưa con gái tôi về giới thiệu với nhà cậu?”
Lãng Tử bối rối, còn tôi thì bối rối hơn gấp vạn lần. Thú thật, đây là điều tôi đã nghĩ từ lâu, đây cũng là câu hỏi mà tôi đã định hỏi Lãng Tử nhiều lần, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng chưa đến lúc đó. Vậy mà, mẹ tôi lại hỏi thẳng như vậy khiến tôi và Lãng Tử lung túng nhìn nhau… Lãng Tử vặn hai tay vào nhau và trả lời lí nhí.
“Sẽ sớm thôi ạ.”
Tôi hơi bất ngờ về thái độ thiếu tự tin của Lãng Tử, nhưng ch¼ng sao, đứng trước mẹ tôi có cả ông trời còn phải chùn đôi bước chứ anh ấy đã là cái thá gì. Mẹ tôi vẫn lạnh lung.
“Sớm là bao giờ?”
Lãng Tử nói, lần này có vẻ mạnh dạn hơn.
“Nếu Phương đồng ý thì trong tuần này con sẽ hẹn với bố mẹ con ạ.”
“Tốt, tôi cần phải chắc chắn rằng, cậu không cư xử với nó như với người yêu trước đây của cậu.”
Lãng Tử tái mặt nhìn tôi, tôi không nghĩ mẹ lại nói ra một câu phũ phàng như thế, nó khiến cái cảm giác bất an đang lẩn quẩn đâu đó trong tôi ùa về. Ờ, cũng có thể lắm chứ, anh ấy đã từng bỏ người yêu đầu tiên để lấy một người khác theo sự chỉ đạo của bố mẹ mà. Làm sao dám chắc được rằng, anh ấy sẽ không như thế với tôi? Vì xét một cách công bằng, tôi có gì hơn cô ấy đâu. Lãng Tử quờ tay tìm tay tôi, anh lắm chặt lấy nó và trong giây phút tôi cảm nhận thấy người anh như run lên “Cháu sẽ không từ bỏ”. Mẹ tôi không nói gì, bà đứng dậy đi vào phòng trong sự ngơ ngác tột cùng của tôi. Tôi tiễn Lãng Tử về, chúng tôi đi bộ cùng nhau một quãng dài ra chỗ để xe. Bất chợt, Lãng Tử quay lại nhìn tôi. “Em nghĩ sao?”
Tôi hơi bối rối.
“Là sao?”
“Về việc đến gặp bố mẹ anh.”
Tôi mỉm cười như để xóa tan không khí căng thẳng đeo bám chúng tôi từ lúc ra khỏi nhà.
“Nếu được, em nghĩ chúng ta nên đối diện với việc đó sớm.”
Lãng Tử gật gù rồi im lặng bước tiếp.
Rồi cũng sắp đến ngày Lãng Tử dẫn tôi đến gặp mẹ anh ấy. Vì bố anh bận đi công tác ở nước ngoài, nên mẹ anh ấy hẹn chúng tôi đến một quán ăn để gặp mặt. Khỏi phải nói, dù được báo trước cả tuần nhưng tôi vẫn cảm giác thời gian chuẩn bị tinh thần của mình quá ít, tôi đứng ngồi không yên, vừa lo lắng, vừa bồn chồn, vừa vui mừng, vừa băn khoăn. Loay hoay mãi, cuối cùng tôi phải viện bến Bi Ve và Cậy Sậy để ổn định lại tinh thần. Thằng Bi Ve, sau khi đã nuốt trọn nải chuối của tôi, đã nói rằng hãy bình tĩnh và tự tin. Còn thằng Cây Sậy tỏ vẻ nguy hiểm hơn, nó đưa cho tôi cuốn cẩm nang Một nghìn linh một cách đối phó với mẹ chồng mà tôi chắc chắn rằng nó vừa “chôm chỉa” từ tủ sách của Chuối Hột. Ôi trời, lần đầu tiên trong đời, tôi ước mình có một đứa bạn gái quá!!! Như thế chúng tôi có thể bàn bạc xem nên ăn mặc thế nào, trang điểm ra sao… ti tỉ thứ tủn mủn nhưng rất quan trọng khác chứ không có cái kiểu ngu mà tỏ vẻ nguy hiểm như hai thằng kia!!!
Đùng một cái, cái ngày “định mệnh” ấy cũng đến, tôi lục tung tủ quần áo mà không tìm thấy một bộ nào khả dĩ, giày dép cũng thế. Bộ thì tôi thấy quá già, bộ thì quá trẻ, bộ lại quá nghịch ngợm, bộ lại rất quê mùa. Tóm lại, lần này tôi quyết dốc hầu bao đầu tư một chiếc váy ngon lành và một đôi giày thật đẹp. Mặc dù, có hơi xót ruột một tí nhưng tôi nghĩ đầu tư cho tương lai thì cũng không có gì hối tiếc. Tôi chuẩn bị từ ba giờ chiều đến sáu giờ tối mà vẫn không cảm thấy an tâm. Cuối cùng, không kiềm chế được, tôi đành gọi điện nhờ Cục Kẹo đến ngắm nghía và soi dung nhan của tôi trước khi đi.Cục Kẹo phi vù đến, em ấy dốc ngược tóc tôi lên, cuốn cuốn, buộc buộc, rồi tóm lấy cái mặt tôi, bôi bôi trát trát… Cuối cùng, em ấy cười hỉ hả bảo tôi soi gương. Trời ạ, tôi còn không nhận ra mình trong gương ấy chứ, xinh đẹp, sang trọng và sành điệu hơn hẳn. Tôi hân hoan bước ra khỏi nhà trong lời chúc may mắn của Cục Kẹo. Lãng Tử đón tôi bằng một nụ cười ngỡ ngàng. Anh ấy không thể nào tin tôi có thể đẹp lên nhanh chóng như vậy. Chuyện, đi gặp mẹ chồng cơ mà, phải nổi bật may ra mới lọt vào mắt xanh mẹ anh được. Suốt dọc đường đi, tôi không ngừng lo lắng, thi thoảng lại quay qua hỏi Lãng Tử, “Em có đẹp không?”, “Em mặc thế này được chưa?”; “Trông em thế nào?”. Còn Lãng Tử thì luôn mồm nói:” Em đẹp rồi”; “Em khỏi lo”… Tôi cảm thấy yên tâm hơn một chút. Thi thoảng, tôi nhìn Lãng Tử trên gương và cảm giác anh ấy cũng căng thẳng không kém gì mình.
Mẹ Lãng Tử trẻ và đẹp hơn hình dung của tôi nhiều. Bà có một khuôn mặt với đường nét hài hòa, cách trang điểm tinh tế, nhìn bà toát lên vẻ sang trọng trong cả hình thức lẫn phong thái. Vừa nhìn thấy bà, tôi như bị ai đó đốn ngã hai chân vậy, hai đầu gối như va vào nhau, run run… Bà nhìn tôi một lượt rồi mỉm cười, nụ cười rất duyên dáng nhưng có gì đó thật lạnh lùng. Bà vẫn ngồi để mặc tôi luống cuống tìm cách ngồi xuống (Vì tôi trót đi đôi giày quá cao). Bà không để tôi yên vị, đã vội hỏi.
“Cô bao nhiêu tuổi?”
“Dạ, cháu hai mươi sáu ạ!”
“Bố mẹ cô làm nghề gì?”
“Cháu… không có bố, còn mẹ cháu làm giảng viên ạ!”
“À, ra thế!”
Bà kéo dài chữ cuối cùng ra, khiến tôi cảm giác như đó là một câu mỉa mai hơn cảm thán. Có gì đó nghèn nghẹn dâng lên trong tôi. Mặc dù, từ trước đến nay, chưa bao giờ tôi cảm thấy mình thiệt thòi vì không có bố. Nhưng, cái cảm giác bị mỉa mai đó khiến tôi bị hẫng như người vừa bị đá xuống vực sâu và không có gì bấu víu. Dù vậy, tôi vẫn cố gắng để mỉm cười thân thiện với bà. Bởi tôi nghĩ, ngay cả một người như mẹ tôi mà cũng có lúc nói như tạt một gáo nước lạnh vào Lãng Tử thì mẹ anh ấy cũng có quyền đó chứ.
Bà ấy không nói gì, chỉ liếc con mắt sắc lẹm của mình sang phía Lãng Tử. Lãng Tử im lặng cúi đầu để tránh cái nhìn đó. Đột nhiên, tôi có cảm giác ớn lạnh, trong khoảnh khắc đó, tôi không còn nhận ra người đàn ông lịch lãm, hào hoa mà tôi từng yêu nữa… Anh khiến tôi có cảm giác như anh là một đứa trẻ vừa trốn nhà đi chơi bị mẹ bắt gặp ấy. Mẹ Lãng Tử lại đưa mắt nhìn tôi, bà uống một ngụm nước rồi thả cái giọng lạnh như băng về phía tôi.
“Mẹ cô là giảng viên à?”
“Dạ! Vâng ạ!”
“Vậy mẹ cô có dậy cho cô cách đào mỏ, cách bẫy đàn ông như bà ấy không?”
Những lời đó vừa được thốt ra từ một mệnh phu nhân sang trọng và có vẻ có học thức ư? Tôi chết cứng, không phải vì sợ, mà vì tôi quá sốc! Tôi quay qua nhìn Lãng Tử, chỉ thấy anh ấy lắp bắt hai từ “Mẹ…Mẹ…” rồi im bặt. Tôi cố gắng trấn tĩnh, nhưng cục tức cuộn từ bụng lên đến cổ, tôi cố gắng thêm lần nữa, nhưng nó lại dội lên đầu. Không! Không thể nào kiềm chế nổi, dù bà ta là ai đi nữa, bà không có quyền động đến mẹ tôi, không có quyền nhục mạ mẹ tôi. Bà nói tôi thế nào cũng được, nhưng đừng đụng đến một sợi tóc của mẹ tôi. Tôi đứng bật dậy trong sự ngỡ ngàng của hai mẹ con họ, tôi vớ lấy cốc nước trên bàn, định bụng hất thẳng vào mặt người phụ nữ ấy. Nhưng, tôi kiềm chế được, và dù thế nào đi nữa, tôi cũng không thể để người khác coi mình là một kẻ vô học được. Vì thế, thay vì tạt nước vào mặt bà ta, tôi đưa lên uống ực một phát. Xong đâu đấy, tôi mỉm cười một cách cực kỳ nhẹ nhàng. Tôi nói: “Thưa bác, thật tội nghiệp cho những người hễ cứ thấy ai đến gần mình là sợ họ thích tiền của mình hơn. Cũng thật tội nghiệp cho những người vì sợ mất tiền mà rũ bỏ đi vẻ đạo mạo vốn có, cháu không có nhiều tiền nhưng cháu không cần tiền đến mức ấy. Cháu không có nhiều người theo đuổi nhưng cháu cũng không đến nỗi phải đi bẫy đàn ông bằng mọi giá. Mẹ cháu dạy cháu phải sống thanh cao, vì thế, xin bác nhớ cho, trên đời này không phải ai cũng thèm tiền của nhà bác.”
Tôi nói một hơi trước sự ngỡ ngàng của mẹ Lãng Tử và Lãng Tử. Lãng Tử kéo tay tôi xuống nhưng cố để tôi dừng lại, nhưng không, tôi không thể dừng… Vì tôi không chịu được nếu ai đó xúc phạm đến mẹ tôi. Tôi lớn tiếng hơn lúc nãy.
“Bác không có quyền nhục mạ mẹ cháu, cũng như mẹ cháu không có quyền nhục mạ bác. Tiền ư? Nhà cháu chẳng thiếu tiền cho cháu sống sung sướng đến già (Đoạn này, máy bốc lên não rồi nên cứ bốc phét thôi), vì thế, cháu mong, với một người có tuổi như bác hãy nhìn nhận và nói năng đúng mực.”
Bà ta đập mạnh tay xuống bàn và gào lên trong tức giận tột độ.
“Cô dám dạy khôn tôi hả?”
“Không! Cháu không có quyền dạy khôn ai cả, vì bác thừa khôn khéo để hiểu ý cháu rồi, dù sao cháu cũng cảm ơn bác vì đã dành thời gian gặp cháu.”
Tôi khoác chiếc túi lên vai và bước đi trong sự tức giận lẫn thất vọng không lời nào tả xiết. Lãng Tử chồm dậy, anh ấy dường như định chạy theo tôi “Phương! Phương!”, tôi nghe tiếng mẹ anh ấy quát lên:
“Phúc! Đứng yên đó! Nó không xứng với con.”
Có gì đó vừa rơi vỡ trong tôi, Lãng Tử ngồi lại, im lặng và ngoan hiền như một con rùa rụt đầu. Tôi mạnh mẽ bước đi, nhưng những mảnh vỡ trong lòng không ngừng nhiều thêm, nước mắt cũng trào lên từ lúc nào chẳng rõ. Tôi cố gắng bước đi trong kiêu hãnh, nhưng sự thực niềm tin đã đổ sụp từ khi tôi bắt đầu đứng dậy rồi.