Insane
Đọc truyện

Chân ngắn sao phải soắn - Phần 11


Tôi và sếp Tam Mao bắt đầu chương trình hội ý xem nên bắt đầu chiến dịch tán tỉnh mẹ tôi như thế nào. Cũng gian nan phết, tôi xoắn não cả tuần mà chẳng nghĩ ra được cái gì. Với một người như tôi, tình yêu bắt buộc phải bắt đầu bằng nhan sắc, sau đó là dạ dày và kế đến mới là hoa hồng. Nhưng sếp Tam Mao của tôi chẳng có tí nhan sắc nào thì làm sao mà khiến người ta bắt đầu yêu cơ chứ. Nhìn đi nhìn lại, nhìn lên nhìn xuống tôi chẳng biết làm thế nào. Haizzz, giá như sếp tôi đẹp trai một tí có phải đỡ khổ không. 

Sếp Tam Mao có vẻ không quan tâm lắm đến ba cái kế hoạch tùm lum của tôi. Sếp thi thoảng nhìn tôi cảm kích. 

“Cháu ủng hộ chú và mẹ cháu thật thà?” 

Tôi hồn nhiên trả lời. 

“Tất nhiên, cháu quý chú mà!” 

Mặt sếp Tam Mao chợt đỏ lên, mắt ông long lanh đến lạ, ô kìa, người chú yêu là mẹ cháu chứ không phải cháu đâu nhé, chú long lanh với cháu cũng chả có ích gì đâu. 

“Cháu quý chú thật chứ?” 

“Thật.” 

“Tại sao thế?” 

“À, tại vì chú trả lương cho cháu đúng hạn, chú không mắng cháu nhiều như những nhân viên khác, chú chị khó nghe cháu tâm sự...” 

Ông mỉm cười có vẻ rất hài lòng, tôi cảm nhận rõ niềm vui trong nụ cười đó. Không hiểu sao, cứ nhìn thấy ông cười là lòng tôi ấm lại, mặc dù, ông cười rất xấu. 

Loằng ngoằng mãi, tôi quyết định bắt sếp ăn mặc thật bảnh choẹ và ôm bó hoa ly thơm lừng cộng với một hộp sôcôla (Chủ yếu là tôi thích ăn món này, còn hoa ly thì tôi nghĩ, già rồi thích mấy hoa thơm tho kiÓu này chứ hoa hồng thì sến quá) đến trước cửa nhà tôi. Đương nhiên, sếp phải đối kịch liệt, ông lấy lý do già rồi, ai lại lãng mạn kiểu trẻ con đó nữa, người ta cười cho. Tôi không đồng ý, tuổi nào cũng cần có sự lãng mạn chứ. Tôi vừa thề, vừa hứa, vừa đảm bảo rằng chiến dịch sẽ thành công và ủi thân hình béo lùn của ông ra cửa. 

Sếp Tam Mạo mặc bộ véc do đích thân tôi chọn, bó hoa ly ngát hương và hộp sôcôla cũng do tôi chọn nốt. Sếp đứng tần ngần trước cổng nhà tôi, hết nhìn hoa lại nhìn sang tôi. Ôi, thật buồn cười, tôi chưa từng thấy vẻ mất tự tin của ông ấy, ở công ty thì oai vệ, khệnh khạng là thế mà đến đây thì nhát như con gián. Tôi đẩy lưng ông. 

“Chú, tiến lên đi! Cháu chuồn đây, mẹ cháu mà biết cháu bày trò này chắc bà ấy giết.” 

Sếp Tam Mao kéo tay tôi. 

“Này, có chắc là mẹ cháu thích mấy thứ này không?” 

“Thích, cháu thề đấy, nhanh lên chú!” 

Sếp Tao Mao gật đầu rồi bấm chuông, còn tôi thì chạy biến!!! (Thực ra là nấp vào một góc để quan sát). Mẹ tôi chậm rãi ra mở cửa, vừa nhìn thấy sếp Tam Mao, mẹ thở dài. 

“Sao anh không báo trước, em không nhiều thời gian đâu!” 

Mẹ vừa mở cửa, sếp đã lách người vào chìa bó hoa cho mẹ. Hí hí, “cặp đôi” này cũng lãng mạn phết. Bỗng nhiên, mặt mẹ tôi nhăn lại, bịt mũi và hắt xì lia lịa, bà đẩy bó hoa ra. Sếp luống cuống hỏi. 

“Em làm sao thế?” 

“Em bị dị ứng hoa... ly... anh vứt... vứt đi.” 

Ôi trời, tại sao tôi lại quên mất điều đó nhỉ? Có lần mẹ tôi đã suýt ngất xỉu vì đi qua hàng bán hoa ly mà. Trời ạ, cứ mãi hí hửng mai mối nên quên béng mất. Tôi nghe thấy sếp luống cuống xin lỗi, mẹ tôi thì hắt xì và ôm ngực khó chịu. Sếp Tam Mao ngay lập tức tố cáo tôi (Hèn thế không biết). 

“Anh xin lỗi, anh không biết, tại cái Phương, nó...” 

“Cái gì, trò này là của con Phương hả? Nó đâu rồi?” 

“Nó vừa đi rồi.” Tôi xong, sếp ơi là sếp, cháu đã giúp chú đến nước đấy rồi mà chú còn cả gan khai cháu ra là sao? Thật là làm ơn mắc oán, tôi vội vàng co giò chạy biến, chỉ thấy tiếng mẹ tôi gọi đằng sau. 

“Phương! Con quay lại đây ngay.” 

Mẹ gọi thế chứ gọi nữa thì chẳng đời nào tôi quay lại, người ta nói quay đầu là bờ, nhưng tôi thừa biết đằng sau tôi là sư tử, tôi chả dại. 

Đấy, thế là không dưng, tôi lại lang thang ngoài đường chỉ vì làm việc tốt. Không còn cách nào khác, tôi phi ra quán tra chanh. Nhưng ngồi một mình thì buồn quá, gọi Cây Sậy và Bi Ve thì cả hai không nhấc máy. Đấy, bạn với chả bè, cứ có vợ có người yêu tí là bỏ bạn không thương tiếc. Tôi nghĩ một lúc, rồi gọi điện cho Hoành Tá Tràng, có anh ta trả tiền giúp mà con được cãi nhau cho đỡ chán thì cũng được mà. 

Hoành Tá Tràng lững thững đi đến. Anh ta hớn ha hớn hở hỏi. 

“Trúng số hay sao mà mời tôi thế này?” 

“Trúng cái con khỉ, đang chán đây này.” 

“Sao? Trời sắp sập à?” 

“Điên à. Tôi suýt bị mẹ tôi đuổi đánh đấy.” 

Hoành Tá Tràng cười khoái trá. 

“Ô, tôi mà là mẹ cô thì tôi đánh cô ngày dăm trận là ít.” 

Tôi lườm anh ta rách mắt. Hoành Tá Tràng im lặng rồi hỏi một câu chả liên quan. 

“Cô sao rồi? Còn buồn không?” 

“Tôi á, tôi đang vui như tết.” 

Hoành Tá Tràng gật đầu, anh ta không nói thêm gì nữa. Tôi nhân tiện hỏi chuyện của anh ta và Cục Kẹo, tự nhiên anh ta nổi cáu. 

“Ch¼ng có gì cả.” 

Tôi vẫn kiên trì, vì thực sự tôi thấy thương Cục Kẹo, mặc dù phải công nhận rằng cô ta rất phiền phức. 

“Tôi nghĩ anh đừng xua đuổi cô ấy như thế, hãy cho cô ấy một cơ hội.” 

“Tại sao tôi lại phải làm thế chứ, cô ta phiền phức lắm.” 

Tôi nhìn Hoành Tá Tràng mặt đang đỏ lựng, không biết vì tức tôi hay vì xấu, nhưng mặc kệ anh, tôi phải hoàn thành vai trò bà mối của tôi chứ. Tôi nói với Hoành Tá Tràng về Cục Kẹo, tôi nghĩ Cục Kẹo là một cô gái tốt, dù là một cô gái yếu đuối, nhưng cô ấy còn giỏi hơn tôi nhiều, cô ấy dám yêu và dám theo đuổi tình yêu ấy đến cùng. Dù, cô ấy chỉ nhận lại rất nhiều thất vọng nhưng không hề bỏ cuộc. Một con người tưởng chừng như sẽ chết vì những tổn thương nhỏ nhặt nhưng lại hết sức kiên định với tình yêu của mình. Cô ấy có tiền, nhưng lại thiếu thốn tình cảm, bố một đằng, mẹ một nẻo, không có lấy một người bạn thân, và khi biết yêu thì lại bị xua đuổi. Suy cho cùng, cô ấy là một con búp bê cô đơn, cô ấy cần một chỗ dựa, cần một người ở bên để tránh những cơn yếu lòng khi nghĩ đến cái chết. 

Tôi nói rất nhiều, rất nhiều và tôi không nghĩ rằng mình đã nói được những lời hoa mỹ như thế. Nhưng, hoàn toàn không có sự bịa đặt ở đó (Mặc dù tôi là chuyên gia bịa đặt), đó là những gì tôi nghĩ từ tận đáy lòng mình. Hoành Tá Tràng im lặng. Anh ta không còn vẻ cáu giận nữa, anh ta đan hai tay vào nhau và nhìn tôi với ánh nhìn buồn bã và nói: “Tôi biết”. Tôi gật đầu. 

“Vậy anh hãy đối xử tốt với cô ấy, đừng lạnh lùng đến tàn nhẫn như thế nữa, tôi thấy hai người rất đẹp đôi.” 

Hoành Tá Tràng nhìn thẳng vào mặt tôi, cái nhìn khiến tôi đỏ bừng mặt, tôi cúi xuống để tránh ánh mắt như thiêu đốt đó. Hoành Tá Tràng nói nhỏ. 

“Cô nghĩ thế à?” 

Tôi gật đầu, Hoành Tá Tràng im lặng tu một hớp nước rồi đứng dậy. 

“Về thôi.” Tôi nghe trong giọng nói đó có sự kích động đang kìm nén. Hoành Tá Tràng đưa tôi về, cả hai đi bộ cho đến lúc về đến nhà tôi, không ai nói gì, thi thoảng tôi chỉ nghe tiếng thở dài rất nhẹ của anh ta. Trời ơi, cái không khí chết tiệt này khiến tôi cũng có cảm giác buồn quá, một nỗi buồn man mác thật khó hiểu. 

Tôi chia tay Hoành Tá Tràng và len lén mở cổng vào nhà. Tôi cố gắng phi lên phòng một cách nhanh nhất để tránh mặt mẹ. Tôi vừa lao vào phòng chốt cửa thì ngay lập tức mẹ tôi lại gõ cửa. 

“Phương! Phương! Ra đây ngay!” 

Tôi leo lên giường trùm chăn kín mít. 

“Còn ngủ rồi!” 

“Ngủ cái gì, ra đây ngay!” 

“Con ngủ rồi, thật mà.” 

Tôi nhất định không xuất hiện mặc cho mẹ tôi liên tục gõ cửa. Nói về độ gan lì thì mẹ tôi làm sao bằng tôi được. Cuối cùng bà vẫn phải bỏ cuộc. 

Tôi nằm nhìn lên trần nhà, sao tự nhiên có cảm hụt hẫng quá. Tôi nhớ đến Lãng Tử, tôi cầm điện thoại lên, nhìn lại một loạt ảnh tôi đã chụp với anh ấy. Ngần ngừ một lúc, tôi xoá từng chiếc ảnh một. Dù, những lúc ấn Delete là tim tôi như bị ai đó bóp nghẹt. Nhưng, tôi quyết định xoá, xoá hết những gì còn sót lại của quá khứ để bắt đầu lại. Ai đó đã nói rằng “quá khứ là cứ khoá”, vậy thì khoá đi, khoá hết để tiếp tục cuộc hành trình đi tìm chìa khoá mở ra những cánh cửa khác. Tôi chìm vào giấc ngủ, và không hiÓu sao, trong giấc mơ, gương mặt của Hoành Tá Tràng lúc chúng tôi nói chuyện về Cục Kẹo khiến tôi thấy nhói lòng. 

Sáng hôm sau, tôi phi thẳng vào phòng sếp Tam Mao để nắm bắt tình hình. Sếp nhìn tôi cười gượng gạo. Sếp nói hôm qua phải mua thuốc dị ứng cho mẹ tôi, hình như mặt mẹ næi đầy nốt gì đó. Ối trời, chuyến này thì tôi chết chắc rồi, thảo nào mà tối qua mẹ tôi lại hùng hổ gõ cửa phòng tôi như thế. Tôi an ủi sếp. 

“Thôi, chú khỏi lo, thua keo này ta bày keo khác!” 

Sếp Tam Mao xua tay lắc đầu nguầy nguậy. 

“Thôi, chú xin, chú sẽ có cách riêng của chú, cháu lo đi tìm một thằng đẹp trai nào đó đi.” 

Thôi, xong! Thế là lòng tốt của mình bị từ chối rồi, nếu sếp Tam Mao không cần tôi tư vấn nữa thì tôi còn việc gì làm sau giờ làm nữa đâu.Tôi cố gắng thuyết phục nhưng sếp vẫn nhất quyết từ chối. Haizzz, người ta bảo nhiệt tình cộng với ngu dốt thành phá hoại cũng chẳng sai. Thế là từ nay, trong chuyện tình của mẹ và sếp Tam Mao, tôi chính thức bị cho ra rìa!!! Thảm quá! 

Rốt cuộc, có vẻ tôi mai mối cũng mát tay, ngoài sự đổ bể của sếp Tam Mao và mẹ tôi ra còn đôi Hoành Tá Tràng và Cục Kẹo có vẻ khả quan. Bằng chứng là Cục Kẹo hồ hởi khoe với tôi Hoành Tá Tràng không còn xua đuổi hay lạnh lùng với cô nữa. tôi nghĩ, chắc Hoành Tá Tràng đã thay đổi suy nghĩ sau khi nói chuyện với tôi. Thế cũng tốt, họ sẽ hiểu nhau hơn, biết cảm thông cho nhau hơn và biết đâu tình yêu lại bắt đầu từ đó. Tôi mừng cho họ và chạnh lòng nghĩ đến mình, ch¼ng nhẽ sau cuộc tình với Lãng Tử, tôi không còn ai để tăm tia và tán tỉnh nữa sao? Ôi, mọi người đừng nghĩ là tôi ế, vì bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ ế cả. Sở dĩ, tôi cô đơn vì tôi chưa tìm được ai thích hợp mà thôi. Ô! Mà sự thực thì đâu phải tôi không có ai theo đuổi. Rõ ràng tôi có Hăng-rô Nguyễn đấy thôi. Đôi khi, tôi ước gì Hăng-rô có ngoại hình chỉ cần na ná Tom Cruise thôi là tôi đã đổi xiêu đổ vẹo rồi, nhưng mà... ước mơ vẫn chỉ là ước mơ. Hăng-rô vẫn xấu một cách kiêu hãnh như thế và vẫn kiên trì theo đuổi như chưa từng có những lần từ chối của tôi. Thói đời thật lạ, người mình cần họ cương quyết như thế thì không làm được, người mình muốn họ từ bỏ thì họ càng lấn tới. Chỉ có tôi ở giữa mà không biết nên tiến-lùi thế nào cho phải phép thôi. Mà thôi, mặc kệ đời, nói nhiều chỉ tæ mỏi mồm, vì biết đâu mai mốt tôi ế sưng ế sỉa, già khụ già khị lại trở về cưới Hăng-rô thì sao??? 

Một thời gian rất lâu trôi qua, những muộn phiền trong tôi cũng tan như bọt xà phòng. Giữa lúc hình ảnh Lãng Tử lùi về quá khứ, thì anh đến tìm tôi. Buổi tối đó, tôi và anh đứng trước cổng nhà tôi, con phố mà đúng sáu tháng trước tôi đã nói lời chia tay mối tình của mình. Lãng Tử gầy đi nhiều, nhưng trông anh có vẻ chững chạc hơn. Anh vẫn nhìn tôi bằng ánh mắt chất chứa nhiều tình cảm như xưa. Anh nói, anh sẽ theo bố mẹ anh sang Singapore sống, có thể rất lâu, rất lâu sau mới về. Tôi gật đầu. Có quá nhiều thứ đã đi qua và cảm xúc của những ngày yêu thương, hờn giận cũng không còn ở lại trong tôi nữa. Vì thế, tôi đón nhận thông tin đó bình thản pha chút tiếc nuối. Anh nắm tay tôi lần cuối và thì thầm. 

“Phương! Em hạnh phúc nhé! Dù chúng ta quá khác nhau, nhưng anh vẫn...” 

Tôi ngăn anh lại, giờ này còn nói điều đó làm gì nữa, chỉ cứa sâu thêm những vết sẹo đang lên da non trong lòng mỗi người thôi. Lãng Tử mỉm cười gượng gạo, tôi cũng gượng gạo không kém. 

“Vui nhé! Anh không thay đổi hòm thư đâu, bất kể khi nào em cần...” 

Tôi gật đầu. Lãng Tử buông tay tôi và lặng lẽ quay đi, tôi đứng nhìn theo bóng dáng lịch lãm đang cố kéo vạt áo ấm lên che kín người lại. Bất giác, tôi cũng kéo vạt áo của mình khít vào người và bước đi. Chúng tôi, hai kẻ từng yêu nhau giờ bước đi hai hướng ngược nhau nhau giữa đêm mùa đông lạnh giá của Hà Nội. Hai người, với hai tâm trạng khác nhau, nhưng biết chắc rằng chẳng có ai nhẹ lòng trong đêm đó.

Ngày Lãng Tử lên máy bay, tôi ngồi yên trong phòng làm việc, thi thoảng nhìn đồng hồ và tự đoán xem giờ này anh đã lên máy bay chưa, giờ này anh đang đến đâu? Dù vậy, tôi không hề có ý định ra tiễn Lãng Tử, tôi ghét các cuộc chia tay, tôi nhạy cảm với những thứ mùi mẫn, sợ sẽ rơi nước mắt, sợ sẽ làm vướng chân ai đó. Tôi nhắn tin cho Lãng Tử “Anh đi mạnh giỏi!” rồi ngay lập tức tắt máy. Tôi nghĩ, đó là tin nhắn cuối cùng tôi gửi anh và không hề mong nhận lại một tin nhắn hồi đáp nào nữa. Hãy xem tình cảm đó là hạt bụi, chỉ vương vào mắt ta một cách vô tình, làm cay mắt ta một tí ti thôi rồi mọi thứ sẽ lại trong veo như chưa từng có nó tồn tại. 

Cũng ngày hôm đó, trong lúc đầu óc tôi đang viển vông cùng với bóng hình người cũ thì mấy chị mái già ở công ty đang túm tụm bên màn hình máy tính, một vài người thi thoảng đưa mắt nhìn tôi. Ô! Lại trò nói xấu nhau chứ gì? Vô ích thôi, một bầu trời tư cách như tôi làm gì có khuyết điểm mà các chị mái túm năm tụm ba để phán xét nhỉ? Hay là tại mặt tôi lúc này buồn quá, khó coi quá nên khiến mọi người đoán già đoán non? Nhưng dù lý do gì đi nữa, tôi cũng không quan tâm, nếu bạn sống mà chỉ chăm chăm sợ người này phán xét, người kia soi mói thì bạn không phải là bạn nữa, chẳng ai có thể làm hài lòng tất cả mọi người, vì vậy, bạn chỉ cần tự làm hài lòng chính mình là đủ rồi. Nói thế thôi, chứ tôi thi thoảng vẫn liếc sang xem “tình hình chiến sự” ở bên kia chiến tuyến đến đâu rồi. Bắt gặp ánh mắt của tôi, chị mái già làm kế toán mỉm cười rồi vẫy tay gọi tôi. “Phương! Lại đây xem clip này, hình như người quen của em!” 

Trời đất, hoá ra là các chị mái nhà ta xem clip trên mạng. Ôi, chết! Clip gì mà liên quan đến người quen của tôi? Không lẽ clip … đen…? Ối mẹ ơi, mà ai mới được chứ, ai trong số những người tôi quen mà táo bạo được đến thế. Bi Ve, Cây Sậy? Hay Hoành Tá Tràng? Hay Lãng Tử? Không! Thật sự tôi không dám tin vào điều đó, dù chủ nhân của nó là ai đi chăng nữa. Mà kể cũng lạ, mấy bà mái già này bình thường nói chuyện giả vờ e thẹn là thế mà giờ mở clip “mát” ra xem giữa công ty là sao? Tôi vẫn đang há mõm chưa thể ngậm lại được thì mái già đã lôi xềnh xệch tôi sang. Tôi định nhắm mắt để giữ vẻ đoan chính của mình, nhưng trộm nghĩ, đến tuổi này rồi thì đoan chính còn có ý nghĩa gì nữa. Vì thế, tôi căng đôi mắt sợi chỉ của mình lên nhìn màn hình, một thoáng thất vọng, một chút mừng rỡ khi kịp nhận ra không phải clip mát miếc gì sất (Thật ngại cho cái tội thích tưởng tượng của tôi quá). 

Tôi chúi đầu vào màn hình, tôi nhìn thấy một chiếc taxi đang chạy, trên đầu xe là một đồng chí cảnh sát áo vàng treo lủng lẳng, tôi gí sát mặt vào màn hình, cái quái gì thế này, cái đồng chí ấy nhìn loang loáng như Hoành Tá Tràng, mà là Hoành Tá Tràng chứ loang loáng cái khỉ gì nữa. Máu tôi sôi lên, tổ sư cái thằng taxi, manh động đến thế là cùng, tôi đang định giơ tay đập bốp vào màn hình thì chị mái già đứng cạnh nhanh tay giữ lại. Tôi cố kìm nén để xem tiếp, thấy Hoàng Tá Tràng bị hất tung xuống đường nằm lăn quay, tôi hoảng hồn cứng cả lưỡi. Tôi chỉ vào màn hình lắp bắp “Nó… nó…”. Nghe loáng thoáng mấy chị mái già nói, cái này xảy ra cách đây bốn tiếng rồi, thằng taxi bị bắt rồi. Bố khỉ, ai thèm quan tâm đến thằng lái taxi bị bắt hay chưa, người tôi cần quan tâm là cái tên áo vàng vừa bị hất lăn cu chiêng xuống đường ấy kia, anh ta thế nào rồi nhỉ? Tôi cố gắng giữ khuôn mặt bình thản nhất có thể, nhưng kỳ thực, lòng như lửa đốt. Tôi nhấc điện thoại gọi cho Hoành Tá Tràng, vừa nghe thấy tiếng anh ta, tôi vội tuôn một tràng. 

“Đang ở đâu?” 

“Đang ở bệnh viện Việt Đức.” 

“Tầng nào? Khoa nào?” 

Vừa kịp nghe thấy số phòng và tên khoa, tôi cúp máy phóng vụt đi. 

Tôi phi đến bệnh viện một cách nhanh nhất có thể, lao vào phòng Hoành Tá Tràng với vận tốc của một mũi tên vừa bắn khỏi cung. Hoành Tá Tràng ngồi trên giường, cánh tay bị băng trắng toát. Hoành Tá Tràng chưa kịp phản ứng gì khi thì tôi đã vứt toẹt cái chìa khoá xe máy xuống giường và chống nạnh xỉa xói… thằng lái taxi. “Thằng đấy đúng là thằng ba trợn, thằng coi trời bàng vung, anh phải cho nó đi tù mọt gông thì nó mới sáng mắt ra được, mà nó đâu rồi? Anh chỉ chỗ giam nó đi, tôi sẽ tẩn cho nó một trận nhớ đời, để lần sau nó có làm gì thì cũng chừa mặt anh ra.” 

Tôi vừa chửi vừa thở, thở xong lại chửi, chửi xong lại thở, tóm lại tôi múa may quay cuồng trước con mắt kinh ngạc của Hoành Tá Tràng. Tôi dừng lại, nhìn anh ta đang há mồm như bị cấm khẩu. Thế là máu trong người tôi lại bốc lên, tôi chỉ vào mặt Hoành Tá Tràng và bắt đầu bài ca nhiếc móc. 

“Cả anh nữa, nhìn gì mà nhìn! Tôi đã bảo anh rồi, làm việc gì cũng cần phải linh động một tí, lúc nào tha được cho người ta thì cứ tha, lại không chịu cơ, lại cứ khăng khăng bắt phạt người ta cơ, giờ thì đến nông nỗi này đã thấy thấm thía chưa? Lần sau thì đừng có tỏ vẻ ta đây anh hùng, ta đây nghiêm túc nữa nhé, anh hùng mà bị băng bốp thế kia thì làm được gì cho đời nữa.” 

Tôi xổ một tràng mà không thèm lấy hơi một lần mặc Hoành Tá Tràng cứ nhìn tôi ho hắng loạn xạ. 

“Ho à! Giờ anh chỉ biết ho thôi à? Bình thường anh ghê gớm lắm cơ mà…” 

Hoành Tá Tràng vừa ho vừa dùng một tay còn lại kéo kéo tay tôi, tôi giật tay anh ta ra định nói tiếp, một khi đã máu thì đừng hòng có ai ngăn tôi lại được … 

Ô, Hoành Tá Tràng không ngăn được tôi, nhưng một giọng nói có hơi e dè của một người đàn ông đã ngăn tôi lại. 

“Có khi bọn tôi về đây.” 

Bọn tôi nào? Bọn tôi ở đâu? Giờ tôi mới nhìn quanh phòng, ối trời đất ơi! Ở đâu ra lắm áo vàng thế? Phải đến gần chục người đang đứng quanh phòng ấy chứ. Chẳng có nhẽ… họ đã nghe hết những gì tôi nói rồi? Chẳng có nhẽ… ôi, thế là hình ảnh duyên dáng của tôi, sĩ diện của tôi, sự kiêu hãnh của tôi… tất cả đã đi tong chỉ vì cái thói hấp tấp chưa kịp nhìn đã kịp chửi của tôi. Mấy anh áo vàng mỉm cười nhìn tôi, còn tôi thì mặt đỏ như tiết gà, người đứng ngây như tượng. Anh áo vàng cao nhất trong đó hỏi. 

“Bạn gái cậu đây à? Thế mà chẳng giới thiệu với anh em gì cả nhỉ?” 

Tôi liếc sang Hoành Tá Tràng, chỉ mong anh ta nói cho tôi một câu gì đó cứu vãn tình thế gay cấn này. Anh ta cười tủm tỉm nhìn tôi rồi lắc đầu. 

“Đâu, bà ngoại tôi đấy!” 

Hả? Hoành Tá Tràng, tôi phải giết anh, dù tôi có già đi nữa cũng không thể đến mức ấy được. Mặt tôi từ chỗ đỏ gay gắt đã chuyển sang tím bầm lại, Hoành Tá Tràng vẫn cười vui vẻ. Tôi đứng ngây ra nhìn các anh chàng đẹp trai lần lượt chào chúng tôi ra về. Ôi, tại sao giữa một rừng trai đẹp mà tôi lại tự đánh mất sự duyên dáng của mình như thế này chứ! Thật là buồn, thật là sầu. 

Mọi người vừa bước ra khỏi phòng, tôi còn chưa kịp nguôi giận kinh người khi bị Hoành Tá Tràng gọi là bà ngoại thì Cục Kẹo từ ngoài lao vào khóc thút thít. Cục Kẹo sà xuống giường vừa mếu máo vừa sờ cái tay đeo băng trắng lóa của Hoàng Tá Tràng và nói. “Anh, anh có đau lắm không? Sao lại đến nông nỗi này chứ?” 

Hoành Tá Tràng ngượng nghịu nhìn tôi rồi nắm lấy tay Cục Kẹo. 

“Anh không sao, chỉ như kiến cắn ấy mà.” 

Cục Kẹo vẫn nước mắt lưng tròng, còn tôi khi nghe câu đó của Hoành Tá Tràng chợt nhiên người như có một nguồn điện giật. Anh ta chưa từng nói câu nào dịu dàng như thế với Cục Kẹo và đương nhiên với cả tôi. Cục Kẹo lại nức nở khi nhìn thấy mấy vết xước trên mặt Hoành Tá Tràng, Hoành Tá Tràng liên tục xoa dịu Cục Kẹo. 

“Anh không sao thật mà, ti tí thôi mà.” 

Trong phút chốc, sự tức giận của tôi tan biến. Tôi cảm thấy mình trở thành người thừa và thật vô duyên nếu cứ đứng đơ như vậy. Tôi lặng lẽ rút lui. Trên đường về, không hiểu sao lòng tôi nặng như đeo đá. Ôi, tình cảm con người thật phức tạp, giá như tôi là một con cá có phải hơn không??? 

Từ hôm đó, tôi không còn đến thăm Hoành Tá Tràng nữa, cũng không gọi điện hay nhắn tin gì. Tôi nghĩ, họ đã có nhau thì tôi chẳng còn lý do gì để vun xới cho họ. Hơn nữa, sự xuất hiện của tôi chỉ làm cho hai người mất tự nhiên mà thôi. Dù vậy, thi thoảng tôi vẫn băn khoăn không biết anh ta xuất viện chưa, tình trạng thế nào?... Những lúc đó, tôi chỉ gọi điện hỏi qua Cục Kẹo, mỗi lần Cục Kẹo nói “Tốt chị ạ, sao chị không đến thăm anh ấy”. Tôi lại giả vờ kiếm cớ, “À, chị bận quá mà”. Tôi nói thế mà trong lòng vẫn có gì đó ngậm ngùi đến lạ. Tôi nhớ đến những lời nói dịu dàng an ủi mà Hoành Tá Tràng dành cho Cục Kẹo rồi chợt nghĩ, sao anh ta không bao giờ nói với mình những câu như thế nhỉ? Ơ, mà tôi với anh ta thì liên quan quái gì đến nhau chứ, giữa oan gia với oan gia thì làm gì có sự dịu dàng? 


Đọc tiếp: Chân ngắn sao phải soắn - Phần 12

Trang Chủ » Truyện » Tiểu thuyết » Chân ngắn sao phải soắn
Powered by XtGem
Copyright © 2018 15Giay.Xtgem.Com