Teya Salat
Đọc truyện

Tiếng Guitar Trong Ký Túc Xá

Như một cuốn phim buồn, nam và diễn viên chính không bao giờ đến được với nhau. Nhưng cuộc đời không phải là một bộ phim, và dù có thiếu vắng ai đi chăng nữa, thì tôi vẫn phải bước tiếp, vẫn phải tiến lên.

Ngày hôm sau Bông Xù và Phong xuống kí túc xá hội họp nhóm sau Tết. Mọi thứ chả có gì khác lúc trước, ngoài việc Bông Xù cũng rớt môn thi cuối cùng như tôi, và cô em gái nằng nặc đòi tôi phải lì xì bù cho dịp Tết.

Những ngày tiếp theo, ngoại trừ việc ăn và ngủ, tôi sang mượn Thương vài cuốn tiểu thuyết đọc giết thời gian trong những thời gian rảnh rỗi. Thường thì tôi dựa vào tên truyện để chọn, né xa mấy cái tên có vẻ đụng chạm đến chuyện tình cảm, mang vẻ uỷ mị, lâm li đầy nước mắt.

- Cuốn này nhé!
- Ừ, đọc hay lắm đấy!
- Pháo đài số, cái tên như vậy chắc truyện cũng hay.

Tôi cầm cuốn truyện trong tay, vênh mặt lên đắc ý vì sự lựa chọn sáng suốt của mình, đi thẳng về phòng. Phải công nhận, vì lên kí túc xá khá sớm nên bảo vệ cũng lỏng lẽo hơn trong năm, vì thế tôi vẫn có được chút ít thời gian tạt qua phòng Thương.

Những ngày một mình trong phòng chờ đợt đăng kí học anh văn, bạn bè chưa có thằng nào lên hết nên tôi dùng những cuốn tiểu thuyết làm bạn tâm sự. Nói một cách chính xác thì ban đầu tôi cũng cảm thấy nó không quá khô khan như mình tưởng, dần dần, những cuốn tiểu thuyết cuốn hút tôi, say mê đến một cách kì lạ.

Thương có thể nói là người đã khai sáng tâm hồn văn học cho tôi, cái tâm hồn vốn khô cằn sỏi đá.

Những ngày chờ đợi của tôi là những ngày dài khô khan nhàm chán, tuy rằng không phải như đầu năm. Hết đọc truyện, thì tôi với Thương thường lên các kí túc xá trên uống nước, ăn kem. Chán chê rồi về phòng đọc tiểu thuyết, đến chiều thì lên sân cỏ trên đá bóng. Dần dần, giữa tôi và Thương trở nên thân thiết với nhau hơn trước.

- Này, cậu ôn gì chưa đấy?
- Ôn gì là sao?
- Thì hôm nay phải thi đầu vào để xếp lớp mà, tớ chẳng bảo cậu lúc Tết rồi đó sao!
- Ơ...chết tôi!

Tôi với Thương sáng hôm sau lên trung tâm anh văn trên Bình Thạnh để đăng kí lớp học. Chẳng hiểu trung tâm lớn cỡ nào mà lại phải thi đầu vào để xếp lớp cơ chứ, cứ để ai thích đăng kí lớp nào thì đăng kí có phải thoải mái hơn không. Tôi làu bàu phản đối suốt đoạn đường xa lộ Hà Nội, còn Thương ngồi sau thì khúc khích cười.

Đúng như Thương cảnh báo từ trước, những người đăng kí cùng đợt với chúng tôi được chia vào từng phòng, mỗi phòng khoảng ba chục người và phải làm khảo sát đầu vào. Nói khảo sát đầu vào cho nhẹ nhàng vậy chứ cũng phải trải qua cả các phần: Viết, nghe, đọc..Tất cả gói gọn vào một đề kiểm tra dài dằng dẵng. Phần nghe đã là thảm hoạ khi chiếc cat - xet phát ra tiếng, những người vào thi như tôi lắng tai nghe, thì tôi ngáp dài ngáp ngắn, cố gắng xem có thể điền bừa một từ nào vào đó cho đoặn văn có nghĩa hay không.

Sang đến phần thi viết thì còn thảm hơn, khi một loạt những kiến thức mười hai và có thể cao hơn tôi đều quên sạch. Làm chưa hết một nửa, tôi đành bấm bụng đánh lụi, trúng được câu nào hay câu đấy. Thế nên, khi tiếng chuông báo hiệu hết giờ thi, cái mặt tôi thảm hơn cả bánh đa nhúng nước.

- Này, có làm được bài không vậy?
- Nhìn cái mặt như này là hiểu rồi! - Tôi giơ tay chỉ thẳng vào mặt mình.
- Không được thật à?
- Ừ! Chắc kiểu này học khác lớp với Thương rồi!

Tôi lắc đầu thở dài, vì cái lý do duy nhất mà tôi có mặt nơi đây vì lời hứa là vệ sĩ cho cô bạn đi học các buổi anh văn, đồng thời kiêm luôn nhiệm vụ vệ sĩ đưa đi đón về, chứ tôi chưa bao giờ nghĩ ngay trong năm nhất mình sẽ tái ngộ với cái môn khó nuốt này. Giờ đây, có lẽ cái động lực duy nhất ấy có lẽ sẽ không còn vì cái cuộc thi đầu vào sát hạch chết tiệt.

Dọc đường, Thương chẳng có vẻ gì là lo lắng,vẫn cứ luôn miệng cười nói và chỉ trỏ như thường, dường như cô bạn chẳng hề có chút nào băn khoăn khi người mà cô nàng thuê làm bảo hộ cho những buổi tối đưa đi đón về sẽ học chung với cô nàng vậy.

- Nè, ghé vào siêu thị đó đi!
- Chi vậy?
- Chơi chứ làm gì?

Tôi cũng chẳng phản kháng, quẹo xe vào siêu thị ngay ở ngã tư Thủ Đức, lóc cóc theo cô bạn đi vào. Đúng nghĩa dạo chơi ở siêu thị khi bất cứ mặt hàng nào cô bạn cũng ngắm nghía một chút, sờ một chút, ướm thử một chút.

- Này, cũng đẹp đấy chứ? - Thương đặt cái áo lên ướm thử cho tôi.
- Áo con gái mà, sao ướm lên người tớ chi vậy!
- Thì đồ này cậu mặc đẹp mà!

Thương cười tươi vui vẻ đi trước, tôi cất bước đi sau. Có vẻ chuyện đó chẳng sánh bằng việc Thương vô gian hàng đồ ăn mới là vất vả. Hễ đi ngang qua gói bánh nào lạ mắt, hoặc để cô bạn nhận định là ngon thì ngay lập tức nó nằm gọn cái giỏ xách đằng sau tôi. Tôi nhăn mặt lết theo cô bạn, khiến cho bất kì ai đi ngang qua cũng phải cười mà chỉ trỏ.

- Này, thế giờ học khác lớp rồi tính sao?
- Tính sao là tính sao?
- Thì làm sao mà tớ hộ vệ cho cậu được.
- Ôi, lo gì, chung lớp thôi mà, vì tớ cũng đâu có làm được bài.

Mặt tôi nghệt ra trước cái thái độ thản nhiên của Thương, còn cô bạn thì cứ thản nhiên ném hết túi bánh này đến túi khác vào giỏ xách. Cái vẻ mặt thập phần tự tin vì chắc chắn tôi không thoát khỏi nhiệm vụ đã hứa.

CHAP 20: RA MẮT!

Những ngày sau đó, kí túc xá cũng trở nên đông hơn, do ngày đầu của học kì II cũng gần đến. Phòng tôi chỉ có thằng Trung và thằng Sơn là chưa vào, một thằng lí do đặt muộn vé tàu, một thằng chưa muốn vào do trường nó bắt đầu trễ hơn mấy trường khác. Thế nên ngoài việc ăn, ngủ, học chút chút Anh Văn, đọc thêm chút cuốn tiểu thuyết, tôi và thằng Tuấn thường lê la dọc khắp các kí túc xá trên.

- Cái gì, mày đi học Anh Văn với Thương à?

Thằng Tuấn suýt chút nữa phun thẳng ngụm trà xanh C2 vào mặt tôi trước cái thông tin tôi thật thà khai báo cho nó. Mắt nó trợn tròn, miệng há hốc tạo nên khẩu hình:

- “Mày đùa tao à?”.
- Có gì sai đâu mày?
- Còn thằng Trung?
- Nó thì sao? - Tôi hút cái rột sạch ly sinh tố, có vẻ vấn đề thằng Trung ngoài mặt đối với tôi chẳng có gì quan trọng.
- Mày không nghe câu không nên cướp người yêu bạn à?
- Thế mày không thấy Thương không phải là người yêu thằng Trung à?

Tôi quắc mắt đáp lại thằng bạn làm nó vô cùng bối rối, nhất thời chưa kịp tìm đâu ra lý luận tranh cãi tiếp.

- Thôi, dù sao tao cũng chẳng có tình cảm gì với Thương đâu!

Tôi vỗ vai thằng Tuấn, hai thằng im lặng nhìn nhau. Nếu có lẽ là tôi của ngày trước, tôi của sự bốc đồng, khi bị đổ oan sẽ có một phản ứng tiêu cực bằng cách làm cho nó biến thành sự thực, dù thực ra trong lòng không muốn. Và điều thằng Tuấn nói cũng không phải vô lý khi mà tôi còn chưa biết bản thân mình đối diện với thằng Trung như thế nào.

- Ừ,thôi tới đâu hay tới đó! - Thằng Tuấn khoát tay bỏ qua.

Hai thằng tôi lại xách giày lên sân bóng lớn ở khu trên cùng, thoả sức rượt theo trái bóng mà quên đi tất cả.

- Này! - Thương chọc cái bút bi vào lưng khi tôi nằm sóng xoài ra bàn, ngày đầu tiên học kìmới.
- Gì cơ? - Tôi mắt nhắm mắt mở quay lại.
- Chiều nay lên nhận kết quả thi đó!
- Ờ, biết rồi mà!

Bông Xù cũng đâu chịu tha, nãy giờ cô nàng lướt web chán chê trên chiếc điện thoại cũng tham gia:

- Anh đó, suốt ngày ăn rồi ngủ, thảo nào thi rớt.
- Có một môn bằng của cô thôi mà!
- Xí, do em xui thôi!
- Kết quả như nhau! - Tôi nhún vai, và thấy thằng Phong khe khẽ gật đầu đồng ý, nhưng lúc Bông Xù quay lại thì nó lập tức lắc đầu phản ứng tôi ngay.

Tôi lại nằm ra bàn ngủ ngon, trên kia, tiếng giảng viên vẫn như chiếc máy hát êm đềm, đều đều đưa vô số đứa trong lớp vào giấc ngủ.

- Tao đi đây!
- Chiều đi đâu mày, không đá banh à? - Thằng Tuấn đang mân mê cái lap mới cóng của nó,quay đầu sang hỏi.
- Thôi, đi nhận kết quả thi, mà mày tối về đừng có trốn đấy, không rửa máy là không yên với tao đâu!

Dằn mặt thằng bạn, tôi phóng thẳng ra chỗ để xe của khu kí túc, cô bạn phòng đối diện đã chờ sẵn ở đó, hơi nhăn mặt vì phải đợi lâu.

- Mà này, tí nữa tớ học khác lớp thì đừng có la đấy! - Tôi khẽ giảm ga, lách khỏi cái nắp cống ở đường.
- Ờ, biết rồi, chưa la mà đã sợ!
- Phòng xa thế thôi! - Tôi lái xe vào đúng làn đường, không dám quay lại nhìn ra đằng sau xem Thương có phản ứng như thế nào.

Quả nhiên, không nằm ngoài kết quả dự đoán,tôi phải học thua Thương hai lớp tính theo trình độ, và trong cái lớp có vẻ điểm thi hơi trung bình, tôi thuộc loại thấp nhất. Đưa cái mặt không thể ảm đảm hơn về phía cô bạn.

- Ái chà...! - Thương xuýt xoa.
- Đã nói rồi mà.! - Tôi khẽ cáu vì cái điểm của mình nằm chình ình ở cuối tờ danhsách.
- Thế nên tớ mới rủ cậu đi học?
- Ờ...Thôi thì học khác lớp vậy!

Thở dài đánh cái thượt, giá như chỉ có tôi đang xem bảng danh sách này thì chắc tôi phải đưa tay xé rách từng tấm chứ chẳng chơi.

- Nè,Tín ra lấy xe trước đi, Thương ra sau..!
- ...! - Tôi không chút thắc mắc, dắt xe chờ Thương ở ngoài.

Mười phút sau, cô bạn chạy ra, vẻ mặt hớn hở đến gần chỗ tôi.

- Nè,mai chở Thương đi học nhé!
- Lớp Thương học ngày chẵn mà!
- Ngốc, Thương học ngày lẻ.

Cô nàng xoè cái lịch học trước mặt tôi, như để làm bằng chứng, tôi cầm tờ giấy ra chiều khó hiểu.

- Đổi lớp thôi!
- Ờ...ờ!
- Giờ thì về rồi, Thương đói rồi!

Tôi chẳng biết mình phải nói sao nữa, cứ có cảm giác như mình là gánh nặng cho người khác vậy, thay vì đáng lẽ tôi phải cố gắng để đuổi kịp cô bạn, nhưng thực tế thì cô bạn phải thụt lùi để “cùng tiến”với tôi.

Suốt đường về, hầu như tôi chẳng nói được một câu, Thương ngồi sau nhạy bén vỗ vai tôi:

- Chỉ là tớ muốn ôn lại cho vững thôi!
- Ừ..!

Tôi đáp lại gọn lỏn, có vẻ như cái tính khí tự cao của một thằng con trai đang dâng lên tới cổ muốn nghẹn ngào.

Tối hôm đó, cả phòng tôi được phen bất ngờ khi thấy tôi bật đèn lên học, mà lại học mông Anh Văn một cách rất tích cực. Thỉnh thoảng tôi túm đầu thằng Sơn đang nằm phè phỡn xem phim dậy hỏi han vài thứ, rồi lại leo lên giường chăm chú bóp trán ngồi ê a từng chữ.

- Trời động mưa à mày! - Thằng Tuấn ngoi đầu lên nhìn tôi khi nó mắc màn đi ngủ.
- Ờ, phải học thôi!
- Chăm dữ, tính học bổng à?
- Rớt tè le chứ bổng gì mày!

Thế đấy, cứ đến khi nào sức chịu đựng của bộ não không thể nhồi nhét được chữ nào tôi mới chịu ngả lưng xuống giường đánh một giấc.

Chuyện đó cũng kéo dài được hai đêm, trước khi thằng Trung vào lại. Ban đầu, tôi và Tuấn chẳng hẹn nhau, giấu biệt cái chuyện, tôi và mục tiêu, nói chính xác hơn là cô bạn đã là mục tiêu của nó đi học chung.

- ĂnTết vui không mày? - Nó hất hàm hỏi tôi.
- Vui bình thường! - Tôi có vẻ ngại với nó một chút.

Nó chẳng có nhận ra kiểu nói chuyện bất bình thường của tôi, nên lơ sang nói chuyện với thằng Tuấn, rồi lại bài ca muôn thưở, né những đường côn ảo diệu của thằng Việt vào những buổi chiều.

Cứ thế, mỗi lần tôi chở Thương đi học Anh Văn là bao giờ tôi cũng để ý cho cô bạn ra trước, rồi tôi vài phút sau mới lững thững xách balo theo.

- Đi đâu đấy?
- Học Anh Văn!
- Chăm ghê mày! - Nó dừng tay gảy đàn, ra vẻ ngưỡng mộ nửa giễu cợt.

Tôi chẳng bao giờ đáp lại nó thêm nữa, phóng càng nhanh ra bãi giữ xe càng tốt. Thằng bạn vô tình theo những giai điệu hoặc làm những chuyện khác nên không nhận thấy chuyện tôi đi học chung Anh Văn với Thương.

Có lẽ là do tôi không tiện nói ra với nó, và cũng không muốn giải thích nhiều, hoặc đúng hơn là tôi chưa chuẩn bị được tâm lý nói chuyện này với nó, dù biết rằng nó không phải là đứa quá khắt khe.

Cho đến một ngày!

- Hôm nào cũng về giờ này thích thật! - Thươngchỉ đồng hồ đã là chín giờ rưỡi tối.
- Muộn thí mồ, bụng sôi òng ọc! - Khẽ cáu vì bài kiểm tra bất ngờ, hứng thú nhất thời của giáo viên.
- Ai bảo, đã nói đi sớm ăn gì trước đi thì không chịu! - Thương giả bộ phụng phịu hờntrách.

Tôi chưa kịp trả lời thì tay lái có vẻ loạng choạng. Tấp xe vào lề đường và nhìn chiếc bánh sau xẹp lép.

- Thôi xong, thủng lốp xe!
- Thì vá! - Thương học theo tôi nhún vai.

Hai đứa tôi lóc cóc dắt bộ một quãng dài, cố đưa mắt tìm một quán sửa xe còn mở cửa. Nhưng nơi Xa Lộ Hà Nội vốn đã cực hiếm quán sửa xe, cộng thêm trời lại tối nên hai đứa tôi vô phương cầu cứu. Hai đứa tôi dắt xe đi qua cả Cầu Sài Gòn mà chưa thấy chút hi vọng.

- Ê, người ta đóng cửa rồi mà!
- Đèn còn sáng kìa! - Tôi chỉ vào những ánh đèn hắt ra qua những khe hở của những chiếc ván ghép lại thành cửa.

Thương có vẻ sợ sệt đi sau, tôi khẽ gõ cửa:

- Chú ơi, vá dùm cháu cái xe..!
- Tối rồi, quán khác đi! - Giọng người đàn ông vang ra, có phần khó chịu.

Thương nắm tay áo tôi, khẽ đung đưa, ý muốn nói đi thôi.

- Tối nay ngủ ngoài đường đấy!

Tôi gõ thêm cửa một lần nữa, ra giọng năn nỉ như kẻ đã đến đường cùng:

- Nhà con ở xa, chú giúp cháu đi chú ơi!

Tiếng dép lẹt quẹt trong nhà đi ra phía cửa, miếng ván đầu tiên gỡ ra, để lộ khuôn mặt thập phần hung dữ, Thương nép sát sau lưng tôi.

- Dựng chống xe giữa! - Người đàn ông trung niên nói như hắt nước vào mặt.

Tôi thở dài, mừng rơn làm theo ngay tắp lự.Thương thì mặt tái xanh đi vì sợ. Hai đứa ngồi nhìn người thợ rút cây đinh ngắn ra khỏi lốp xe, vứt ra nền đất trước mặt. Cỡ mười phút sau thì cũng xong.

- Năm phút nữa kí túc xá đóng cửa! - Thương ngồi sau thông báo.

Tôi vặn tay ga đi nhanh thêm một chút, cầu trời sao cho gặp được bảo vệ dễ tính sẽ du di cho chúng tôi được đi qua cổng khi đã quá giờ giới nghiêm.

- Đi đâu giờ mới về? - Bà nữ bảo vệ phòng tôi thường hay chống đối nhìn đồng hồ, muộn tận gần nửa tiếng.
- Bể lốp xe, nên về muộn! - Tôi cứng giọng, chẳng có vẻ gì của kẻ cầu xin.
- Quá giờ quy định! - Bà chị bảo vệ vẻ mặt có chút gì đó vui vui.
- Thì có vấn đề mới về muộn chứ sao? - Tôi bực tức đáp lại, mất hết sự kiên nhẫn.

Thuỷ chung, tôi chỉ nhận được lời từ chối mở cửa.

- Làm sao giờ Tín?
- Nhắn tin bảo bọn trong phòng không về đi!

Thương cũng hết cách, hai đứa lôi điện thoại ra thông báo cho mấy đứa bạn cùng phòng biết. Tôi quay đầu xe, không quên bỏ lại một câu:

- Nếu mà hai tụi em có chuyện gì thì chị đừng có trách!

Bà chị bảo vệ mặt khẽ chùng xuống, nhìn hai đứa sinh viên về muộn mất hút trong bóng đêm.

- Giờ đi đâu? - Thương ngồi sau, níu chặt tay áo của tôi, đến nỗi mấy đầu ngón tay chạm đến cả phần da thịt.
- Đi chơi?
- Chơi?
- Ờ.! - Tôi khẽ cười.

Cũng phải thôi, trước giờ nếu như Thương có chút gì đó giống như nhân vật “Chị” mà cô bạn thường kể, tức là người được gia đình bảo bọc cẩn thận thì có lẽ vào giờ này đêm khuya ở ngoài đường có lẽ là lần đầu tiên. Không sợ sao được.

Tôi đảo vòng ra khỏi kí túc xá, trước cái nhìn soi mói của bảo vệ cổng lớn, rồi tìm một quán ăn.

- Ăn trước rồi tính!
- Ừ..! - Thương có vẻ suy tư đi theo tôi sát sao.
- Không ai bán qua nước ngoài đâu mà sợ.
- Ơ..không?
- Bán được mấy đồng! - Tôi nhún vai rồi tranh thủ lùa nhanh những sợi hủ tiếu vào miệng. Thương cũng bắt đầu nhỏ nhẹ ăn.

Ngoài trời, mưa thêm khó khăn khi bắt đầu rả rích từng hạt. Mưa đêm, không lớn, nhưng càng làm cho cô bạn đi cạnh tôi lo lắng. Hai đứa tôi cứ chờ, nhưng có vẻ cơn mưa là kẻ lì đầu hơn. Cuối cùng khi quán dọn dẹp cửa, bất đắc dĩ tôi và Thương đành phải ra xe.

- Nè, giờ đi đâu? - Vẫn câu hỏi cũ, lo lắng cũ.
- Đến một nơi cần sự can đảm!

Tôi lấy hết can đảm, nhè con đường Xa Lộ mà tới, lúc tới ngã tư Bình Thái thì rẽ vào con đường nhỏ song song. Đi qua mấy con đường nhỏ trong hẻm cuối cùng cũng đến được cái đích mà tôi cần tới. Đèn ngoài sân vẫn còn sáng, tôi đưa tay ấn chuông cửa.

Hai phút sau, thằng em tôi tất bật chạy ra, mở cửa nhìn tôi và cô bạn đầy vẻ ngạc nhiên. Tôi giơ tay chào nó.

- Á, anh Tín Mẹ ơi! - Nó gào lên, trước khi tôi kịp bịt miệng.

Tôi đẩy xe vào trong nhà, quay sang Thương:

- Nhà Bác tớ!

Cô bạn có vẻ đến giờ này mới an tâm, khẽ đưa tay vuốt mấy giọt nước mưa còn sót lại chảy từ tóc xuống. Có lẽ khái niệm đã mưa là ướt đối với Thương chẳng còn gì xa lạ.

- Sao muộn vậy cháu?
- Dạ, cháu bị hư xe, về kí túc xá đóng cửa rồi ạ!
- Ăn uống gì chưa, ướt hết cả rồi! - Bác gái khẽ thở dài.

May cho tôi hôm nay Bác tôi đi theo đoàn xây dựng lên Tây Ninh làm công trình, chứ không, tôi thể nào cũng bị gọi lên phòng riêng của Bác ấy, chịu tra khảo chứ chẳng chơi. Thằng em tôi dắt hai đứa lên phòng.

- Chị ở phòng này nhé, chị em đi học rồi nên không về đâu, còn anh thì ở phòng em!

Tôi cú đầu thằng em đuổi nó về phòng vì cái tật láu cá, mở cửa phòng chị Thuỷ ra. Căn phòng này vốn là của bà chị họ tôi, nhưng vì bà đã đi du học được ba năm nên để trống, tuy nhiên Bác gái tôi vẫn lau dọn thường xuyên nên vô cùng gọn gàng.

Thương đảo mắt nhìn khắp căn phòng, có vẻ như viễn cảnh đi lông bông khắp buổi tối với việc được ngủ trong phòng ấm áp thế này thì đã là quá may mắn. Vẻ mặt cô bạn mới lộ ra sự an tâm.

- Mà sao nhóc đó lại gọi cậu bằng anh?
- À, đáng lẽ tớ phải gọi bằng anh, nhưng nó thua tuổi, với lại tớ là đại ca của nó nên nó gọi vậy quen rồi!

Tôi đặt cái balo gần như ướt nhẹp của cô bạn xuống, lấy móc từ trong tủ quần áo ra đưa cho Thương.

- Anh Tín! - Tiếng thằng em họ tôi vang vào.
- Gì?
- Mẹ bảo đưa quần áo cho chị!

Tôi mở cửa cho thằng nhóc đặt quần áo trên giường của Thương, rồi hai anh em đi ra ngoài. Cô bạn may mắn có quần áo của chị Thuỷ, chứ riêng tôi thì phải lấy tạm bộ quần áo của thằng em họ khoác vào. Cũng may nó đô con nên quần áo cũng vừa, có điều hơi ngắn một chút.

- Mày đi học đi, tao đi tắm, học hành sao rồi? - Tôi quên mất giờ cũng đã khuya rồi.
- Không rớt như anh là được!
- Á, ngon, không rớt thế năm sau thi đại học như nào?
- Tính sau, tắm nhanh lên mẹ em pha trà nóng ở dưới kìa! - Nó xua tôi đi tắm, có vẻ như không muốn đề cập đến chuyện học hành.

Tôi y lời thằng nhóc, tắm xong, xuống phòng khách nói chuyện với Bác gái. Bác gái vốn hay về nhà tôi chơi, tuy ở xa nên cũng thân thích lắm. Với lại tính Bác vốn hiền chứ không có nộ hoả xung thiên như Bác ruột của tôi.

- Này, bạn gái cháu à?
- Dạ không, bạn học chung lớp thôi ạ! - Tôi đưa tay xuýt xoa tách trà nóng, lảng tránh.
- Không phải chối, bạn gái anh đó Mẹ! - Thằng “em họ” tôi xiên xỏ, đá chân tôi dưới gầm bàn làm tôi xuýt sặc.
- Biết gì, ngồi im! - Tôi giả bộ quát nó lấy lại thể diện.
- Tưởng hôm nay dẫn dâu về ra mắt Bác! - Bác gái tôi lại chọc, đã thế còn tìm sự viện trợ từ thằng em trời đánh của tôi nữa chứ.
- Dạ,không, cháu còn lâu nữa mà!

May lúc đó, tiếng bước chân của Thương đi xuống cầu thang vang vọng, ba người chúng tôi mới dừng câu chuyện bàn tán về việc ra mắt bất ngờ này.

CHAP 21: RA MẮT II.

Do cũng đã muộn nên Bác tôi cũng chẳng nói chuyện lâu, xua mấy đứa đi ngủ trước. Ba đứa tôi vâng dạ gật đầu lia lịa đi lên tầng. Thương vào phòng của chị Thuỷ vẫy tay chúc ngủ ngon rồi đóng chặt cửa, tôi với thằng nhóc mới lóc cóc mò về phòng của nó.

- Anh chưa ngủ à?
- Chưa, mà mày làm gì không ngủ đi!
- Em đá nốt trận FiFa rồi ngủ, có hứng không chiến vài ván.

Tôi nhìn cái màn hình máy tính to tổ chảng lắc đầu, gì chứ đá với thằng nhóc này chỉ tổ mang nhục vào mình. Mặc cho nó khiêu khích tôi vẫn nhất quyết không động đến cái trò tôi cũng mê mẩn.

- Mệt!

Nó chẳng nói gì nữa, hì hục cầm tay cầm điện tử nhấp liên tục, thỉnh thoảng có pha nào xử lý không thoả đáng là vỗ đùi cái đét làu bàu, cay cú lắm.

- Này, cái chậu hoa xương rồng còn không!
- Còn, trên sân thượng ấy!
- Có chăm cho nó không thế!
- Có..! - Nó vẫn dán mắt chẳng chịu rời màn hình.

Tôi bò ra khỏi giường, leo lên cầu thang và mở cửa ra sân thượng. Cảm giác đầu tiên là một màn đêm yên tĩnh, không có tiếng ồn ào của xe cộ. Đưa mắt nhìn ra xa, vài ánh đèn ở con đường xa lộ lung linh kéo dài thành một dãi.

Cái sân thượng, hay nói đúng hơn là không gian mà Bác ruột tôi tâm đắc nhất là một dàn dây leo theo khung sẵn, phủ mát bộ bàn ghế đá ở dưới. Trên mặt bàn ghế đá bao giờ cũng để sẵn một bộ cờ tướng bằng gỗ, trò chơi mà Bác thích nhất. Góc bên kia là chiếc xích đu và chiếc võng xếp để buổi tối có thể ngắm cảnh. Sau này Bác gái cải tiến thêm bằng việc để thêm vô số chậu hoa. Chậu xương rồng của tôi và thằng nhóc em họ mua cũng là một trong số đấy, chậu xương rồng cô đơn duy nhất, sản phẩm một phút bốc đồng của hai thằng con trai khô khan.

Cảm giác thư thái, gió lùa qua mát rượi, cái không khí oi bức bị cơn mưa lúc nãy xua sạch. Tôi lau khô chiếc xích đu, ngồi đong đưa hưởng thụ cái không khí tuyệt vời này. Bỗng tin nhắn điện thoại rung lên.

“Ngủ chưa?”
“Chưa? Sao vậy”
“Không ngủ được ấy mà, chưa quen lắm thì phải”.
“Vậy lên tầng thượng đi, đang ở trên này”.

Chắc có lẽ do Thương lạ nhà, nên cô bạn chưa thể chợp mắt được. Ít phút sau, Thương cũng lên tới tầng thượng. Cái vẻ mặt đầy ngạc nhiên và thích thú là việc được chiêm ngưỡng cái sân thượng đẹp đẽ, rồi đi lại mọc góc, xem kĩ từng thứ một.

- Oa, đẹp vậy!
- Ờ, thì cũng phải xứng với dân xây dựng chứ!

Tôi học theo cách nói của Bác tôi, mỗi khi ông tự hào khoe cái tài sản tinh thần đáng tự hào này, khi bất kì ai đặt chân tới. Thương gật đầu đồng ý, đưa tay vuốt những bông hoa còn ướt, hoặc cố gắng ngửi mùi thơm hoa quỳnh bay trong gió.

- A, có bộ cờ tướng này!
- Ờ, của Bác đó!
- Tín biết đánh không?
- Có chứ! - Tôi đương nhiên gật đầu chắc chắn.
- Vậy đánh với Thương đi!
- Đánh cờ, không đùa chứ?

Nhưng Thương chẳng có vẻ gì là đùa cả, cô nàng ngồi xuống băng ghế đá, mở bộ cờ gỗ ra và xếp quân. Tôi bất đắc dĩ cũng phải tiến lại gần, vạn phần không muốn điều này diễn ra. Khi bạn muốn từ chối cái gì đó, thường là từ chối thẳng thừng, hoặc là cố gắng làm ra vẻ gì đó cho đối thủ tâm lý mà chịu hàng. Tôi chọn cách thứ hai:

- Này, đánh thua đừng có khóc đấy! - Tôi gằn giọng, ra bộ ghê gớm lắm.
- Dĩ nhiên, thua càng thích! - Thương kéo con Pháo vào giữa, coi bộ chẳng đếm xỉa gì đến việc nắn gân tinh thần.

Trước giờ, trình độ cờ Tướng của tôi chỉ xếp vào loại biết đánh. Tức là đủ để biết con nào nằm ở vị trí nào, đi ra sao, nước cản con mã như thế nào. Tuyệt chiêu duy nhất mà tôi biết trong thể loại cờ này là pháo lồng, nhưng căn bản là lúc linh lúc không. Tức là hên xui, vô tình hai con pháo lồng nhau là hết.

- Đừng có thả đấy! - Thương ăn con xe của tôi, giọng không vừa lòng.
- Không có gì, coi như chấp! - Tôi toát mồ hôi mà vẫn cứng giọng.
- Không cần, đừng tưởng nam nhi mà tỏ ra mạnh mẽ!

Kết cục, ba ván liên tục, hầu như Thương còn nguyên binh hùng tướng mạnh, còn tôi trơ trọi tướng với hai con sĩ chống qua chống lại. Hết chịu nổi, tôi xua bàn cờ chịu thua.

- Thua, gặp ngay cao thủ!
- Chà, nãy ai nói cứng lắm mà! - Thương nheo mắt cười khoái chí.
- Doạ cho vui chứ, không giỏi món này!

Tôi lôi cái võng ra gần cái xích đu, tính leo lên võng nằm, vì con gái vốn thích xích đu. Nhưng Thương thì nhất quyết phải ngược lại.

- Mà con gái lại chơi cờ hay vậy?
- À, giết thời gian thôi! - Thương hít một hơi dài, vẻ tươi tỉnh căng tràn.
- Giết thời gian, bộ không chơi được trò khác à?

Tôi nghĩ đến cái thời của bà chị gái tôi, những trò nhảy dây, chơi ô quan, thảy banh, lớn hơn một chút thì đọc truyện, vẽ vời hoặc đại loại theo mô típ phải có chút gì đó nữ tính, chứ chưa bao giờ nghĩ là sẽ khoái cờ tướng như cô bạn. Cứ như tôi với thằng em họ này cũng vậy, đứa ở nông thôn, đứa ở thành phố, nhưng hầu như những cái trò đá bóng, tạt hình, hoặc ăn trộm trái cây, chơi điện tử tay cầm ...đều trải qua hết. Nói chung nó có phải có chút gì đó giống nhau chứ.

- À, tại vì chỉ có cờ tướng là có người chơi chung thôi!
- Ồ, vậy à!
- Ừ, Thương ít bạn lắm! - Đôi mắt trong veo thắm đượm gì đó buồn man mác.

Tôi cũng tuyệt nhiên không hỏi thêm gì nữa, nhưng Thương lại chậm chậm lấy lại bình tĩnh, rồi tâm sự.

- Trước giờ, cứ mỗi lần đi đâu đó chơi là thể nào tớ cũng bị cấm đoán!
-  ...!
- Thế nên hầu như tớ chỉ biết đọc truyện, đọc sách, và cờ tướng này thì chơi với anh họ. Ban đầu thì cũng không thích lắm, nhưng sau rồi không có gì làm nên lôi ra chơi.
- Vậy à?
- Nghe cứ như tự kỷ lắm ấy nhỉ?

Tôi chẳng nói gì, ngồi im và đồng tình có lẽ là cách tốt nhất. Nếu như tôi mà ở vị trí như Thương, thì có lẽ tôi thà chấp nhận ăn roi vọt còn hơn là sống theo kiểu bảo bọc hoàn hảo như vậy. Có điều, cô bạn tôi là phận nữ nhi, không thể làm theo cách như tôi được.

Tôi ngước lên trời, nghĩ về mọi thứ miên man trong đầu. Nghĩ về những lần nghịch ngợm phá phách, tôi cứ nghĩ mông mình nát nhừ chứ chẳng chơi, thế mà ngoài những tiếng khuyên răn tôi chẳng bị hình phạt gì thêm. Và tuyệt nhiên những lần sau, tôi chẳng bao giờ tái phạm một lần nữa.

- Này, cậu có chị thật không đấy?
-  .........! - Không ai trả lời tôi cả.

Thương ngủ say từ lúc nào, thật kì lạ. Dáng vẻ cô bạn đang ngủ một giấc ngủ yên bình, khiến tôi không nỡ đánh thức.

“Thật kì lạ”.
Tôi nhìn cô bạn và nhận định, một người con gái vẻ ngoài có chút gì đó lãnh cảm, thì lại nhiều tâm sự chồng chất, ăn kem liên tục không biết chán. Tâm lý, kĩ càng nhưng nhiều lúc đểnh đoảng không ngờ. Nói chung tính cách của Thương, nửa có gì đó ảo, nửa có gì đó thật, khiến cho bạn luôn tò mò và tự đặt những câu hỏi xung quanh.

Tôi xuống phòng chị Thuỷ, lấy cái chăn lên cho cô bạn. Xong đâu đấy, tôi ngả lưng ra chiếc xích đu, chẳng biết ngủ thiếp đi từ lúc nào.

- Này, nói đi, đừng chọc nữa! - Tôi phát cáu khi hông tôi đau nhói.
- Dạy anh, có phòng không ngủ, chui lên đây làm gì? - Thằng em tôi lay người.
- Ơ, ngủ quên! - Tôi dụi mắt bật dậy, cái chăn đắp ngang người tôi rớt xuống đất.
- Xuống nhà ăn sáng đi kìa, Mẹ gọi rồi!
- Mày không đi học à? - Tôi lượm cái chăn, vắt ngang vai đi theo nó.
- Mơ ngủ à ông tướng, hôm nay chủ nhật.

Tôi ném cái chăn, hất hàm sai thằng em cất dùm, đánh răng rửa mặt xong, phóng thẳng xuống nhà dưới. Thương và Bác tôi đang cười vui vẻ nói chuyện với nhau, tôi cố tình đi mạnh, gây ra tiếng động cầu thang báo hiệu sự có mặt.

- À, xuống đây Bác hỏi tội!
- Dạ? - Tôi ngơ ngác.
- Bạn đến nhà, lại rủ rê lên sân thượng phơi sương!
- Đâu có ...! - Tôi gãi đầu chối quanh.
- Lần sau như thế thì anh liệu hồn tôi!

Tôi gật đầu dạ vâng, còn Thương thì đứng sau lè lưỡi chọc quê. Tính Bác gái tôi là như thế, vô cùng dễ tính, nhưng có ba cái không - theo thằng em tôi - kể lại không được vi phạm dù vô tình hay cố ý là : lừa dối, mất vệ sinh, và mất thể diện. Việc khách đến nhà mà cả tối phải phơi sương cũng là một trọng tội càn được xử lý.

- Bác làm gì thế ạ? - Tôi giở giọng đánh trống lảng.
- Nấu đồ ăn sáng, lâu rồi thằng Nguyên đi học liên tục, Bác cũng bận đi sớm nên không nấu nướng gì được.
- Dạ!

Tôi nhìn Thương đang nêm gia vị vào cái nồi vừa tắt lửa trên bếp ga thì tròn mắt ngạc nhiên.

- Làm gì thế, đừng nói là ...?
- Bạn nấu cho ăn không biết cảm ơn, mắt tròn mắt dẹt làm gì, ra lau cái bàn dùm Bác đi.

Tôi không dám ý kiến, đi thẳng ra cái bàn cạnh đó, lau sạch mặt bàn, không hiểu cô bạn tôi bằng cách nào mà mua chuộc được Bác gái tôi đến vậy, chưa kể cả thằng Nguyên nữa chứ. Suốt bữa ăn ba người cứ nhè tôi mà công kích.
- Nhờ cháu nó mới lên nhà Bác chơi đấy!
- Đâu có cháu bận mà! - Tôi gắp miến gà vào bát, ra vẻ phản đối.
- Bận gì, Mẹ cháu nói thứ bảy, chủ nhật không học cơ mà!
- Dạ, thì phải học bài nữa chứ!
- Thì anh mang sách vở lên đây cũng được mà, gần chứ có sao đâu? - Thằng Nguyên húp sột soạt, khen ngon liên tục.
- Ờ ờ..!

Thực ra không phải tôi lười gì cho cam, bởi vì mỗi lần lên chơi, nhà Bác tôi vốn quý cháu nên thể nào cũng chuẩn bị như kiểu mở tiệc. Chưa kể Bác tôi cứ bảo sinh viên ăn uống kham khổ nên thỉnh thoảng lại cho tôi tiền, mỗi lần tôi từ chối là thể nào cũng có câu:

- Tao cho tiền mày đi xe bus!
- Xe bus có ba ngàn thôi, đây tận mấy trăm lận! - Tôi không nhận.
- Bác cho thì cầm lấy, khỏi lôi thôi! - Bác tôi khoát tay, ra vẻ cực kì cứng rắn.

Cứ như thế, lâu lâu tôi mới dám ghé một lần, dù cho thỉnh thoảng Bác tôi vẫn gọi lên chơi thường xuyên, còn bàn bạc với Ba tôi là cuối tuần bắt tôi lên chơi.

- Chị sau này lên chơi với nhà em nha!
- ..! - Thương vui vẻ gật đầu đồng ý, không hề nhận biết nụ cười gian xảo của thằng Nguyên dành cho tôi. Dĩ nhiên, tôi mà không lên đây chơi thì Thương cũng không lên, nhưng ngược lại Thương muốn lên nhà Bác tôi chơi, phải có mặt tôi.

Tôi đạp vào mấy ngón chân của thằng em họ, khiến nó rú lên như ăn trúng ớt cay, suýt nữa thì phun hết miến ra ngoài. Thằng này cũng chả vừa:

- Chị Thương nấu ăn ngon thật, ai mà lấy được thì sướng!

Nói xong, nó tự cười ra vẻ khiêu khích, Bác tôi cũng gật gù đồng ý, còn tôi và cô bạn thì đồng loạt đỏ mặt. Hai đứa tôi chỉ còn nước mà cắm cúi ăn để chữa thẹn.

Ấy vậy mà sau cái bữa ăn sáng ấy, tôi phải dẫn theo thằng nhóc láu cá đi uống cà phê chung. Bác tôi tâm lý nên đẩy cả ba đứa đi đâu chơi, và dĩ nhiên đi uống cà phê ở một quán nào đó yên tĩnh là ý kiến không tồi.

- Anh, con bé Trang như nào rồi?
- Con bé Trang nào?
- Cái con bé sát nhà anh đấy!
- À, nó hơn mày một tuổi cơ mà, sao hỗn gọi bằng con bé, chị mới đúng! - Tôi khoanh tay trước ngực mãn nguyện vì trả thù được vụ đâm sau lưng, bán đứng anh em.

Con bé Trang vốn ở sát nhà tôi, thua tôi một tuổi, và hơn thằng láu cá đang nhăn nhó uống pepsi kia một tuổi. Nhà nó có cây xoài cực ngon, phải nói là danh vang khắp xóm. Mà thường tiếng lành đồn xa, nên nó cũng là mục tiêu của cả đám con nít lóc nhóc thời đó, trong đó phải kể tới hai anh em họ, tôi và thằng Nguyên từ thành phố về chơi.

- Xuống thôi, đủ rồi! - Nó mặt tái mét khoát tay.
- Xuống gì, ăn trộm phải có tư cách! - Tôi khoát tay lôi bịch muối được lận vào đai quần đùi ra. Mặc kệ thằng em họ mắt tròn mắt dẹt, lấy xoài chấm ăn ngon lành, buộc thằng Nguyên cũng phải ở trên cây ăn theo.
- Này, hai cái anh kia! - Giọng một đứa con gái vang lên dưới gốc cây.
- Chết mồ, chủ kìa anh ơi! - Thằng Nguyên nắm tay tôi, run như cầy sấy.

Tôi cũng sợ, nhưng sĩ diện, cứng giọng:

- Gì?
- Ai cho trộm xoài nhà tôi?
- Xoài của Ba mày chứ không phải xoài của mày đâu! - Tôi lươn lẹo đáp lại.
- Anh có xuống không?
- Có phải của mày đâu mà mày đuổi! - Tôi tiếp tục ăn nốt quả xoài to bự, đưa mặt khiêu khích.

Con bé ấy cũng chẳng phải vừa, nó kiếm đâu được cục đá chọi lên, đã thế nhè tôi mà chọi. Không hiểu ném thế nào lại trúng bóc giữa trán thằng Nguyên khiến đầu nó rướm máu. Đấy, duyên là thế, sau này lớn hơn một chút, thằng Nguyên vẫn thỉnh thoảng lên nhà tôi chơi, thấy con bé Trang thì cũng ợm ờ chào cho qua chuyện.


Powered by XtGem
Copyright © 2018 15Giay.Xtgem.Com