Chiều nay, một buổi chiều tháng 5, hoa bằng lăng đã tím ngợp trời, tôi thảnh thơi nhìn từ ban công xuống góc phố nhỏ.
Tôi thấy những cô gái sành điệu, khoác lên mình những “bộ cánh” thời trang, đi xe tay ga đắt tiền. Tôi thấy những chàng thanh niên mạnh khỏe, dùng những chiếc điện thoại đời mới. Tôi thấy những tiếng cười, những thảnh thơi, sung túc từ những con đường ngoài kia. Và, tôi thấy một bà cụ nghèo khó, chân bị thương rớm máu vì đôi dép không lành lặn ngồi ở góc tường một ngôi nhà cũ. Người này người nọ cứ lần lượt đi qua, người chẹp miệng cảm thương, người chỉ trỏ vẻ đồng cảm, nhưng chẳng ai dừng lại hỏi thăm cụ một lời.
Cụ ngồi đó, manh áo rách tơi tả, có người ác ý còn bĩu môi bảo đây là kế sách của những kẻ lừa đảo, nhưng nhìn vào gương mặt cụ, tôi chỉ thấy khổ trăm bề. Đang định xuống nhà tìm một chiếc bánh mỳ và chai nước để đưa cụ, thì tôi thấy một cậu bé cùng mẹ đi tới. Trông hai mẹ con ăn vận rất bình thường, chứng tỏ họ không phải là những người giàu có. Khi đi đến chỗ cụ ngồi, cậu bé liền cởi đôi dép của mình ra, nhẹ nhàng quỳ xuống đi vào chân cụ rồi cười với mẹ: “Thật may vì mẹ mua đôi dép này, vừa chân cụ luôn mẹ ạ! Con còn nhiều đôi ở nhà, con sẽ tặng cụ đôi này mẹ nhé!” và cậu bé còn đưa cụ chiếc bánh trên tay mình của mình. Sau đó cậu cười tươi, hồn nhiên dắt tay mẹ đi cùng với đôi chân trần trên hè phố...
Trong cuộc sống, chúng ta có thể dùng những món đồ đắt tiền, vung tay không thương xót, nhưng lại trở nên “keo kiệt” với một người nghèo. Cũng có thể chúng ta nghĩ tình thương đôi khi đặt nhầm chỗ vì xã hội bây giờ đầy lừa lọc dối gian, thế nhưng, tôi nhớ có một người bạn đã nói với tôi rằng: “Mình chẳng giàu có hơn khi cho họ vài đồng bạc lẻ, cũng chả nghèo đi khi mất đi ít tiền. Nhưng đó có thể thay đổi được cuộc sống của họ, miếng cơm của họ, bộ quần áo của họ. Dù họ không thật thà đi nữa, dù đi ăn xin không phải vì nghèo khó đi nữa, thì những người già, khi họ làm việc đó tức là họ đã thiệt thòi rất nhiều rồi. Lẽ ra ở độ tuổi ấy, họ có con cái phụng dưỡng, được sống trong an nhàn, nhưng lại phải đi kiếm từng đồng để mưu sinh, nên dù có vì lý do gì đi nữa, thì họ cũng rất khổ đau và đáng thương. Hãy rộng lòng với họ…”.
Khi mua một bộ quần áo, dù đắt hơn vài chục hay vài trăm ngàn, chúng ta cũng đều vui vẻ bằng lòng. Nhưng chúng ta lại có thể bĩu môi hay bực mình với những người ăn xin khi họ đến gần chúng ta. Chúng ta cảm thấy tiếc nuối khi rút ví ra mà cho họ vài đồng tiền nhỏ nhoi mà chúng ta nghĩ là to tát lắm. Cũng có thể khua tay đuổi họ đi như là một loại virus hiểm nguy, phiền phức.
Cũng có thể cuộc sống chúng ta còn nhiều khó khăn, còn nhiều bộn bề mà không ai giúp chúng ta cả. Nhưng chúng ta còn có một mái nhà ấm êm, có cha mẹ thương yêu, có cơm đủ ăn, áo đủ mặc, vậy mà đôi khi chúng ta vẫn than trời than đất và ích kỷ với những người cần giúp đỡ.
Đừng nhìn đời bằng con mắt của một kẻ hẹp hòi, hãy nhìn cuộc sống với một tấm lòng thiện lương. Cho đi tình thương cũng là nhận về những vui vẻ, hạnh phúc. Hãy một lần nhìn vào đôi mắt biết ơn của họ, bàn tay lấm lem bùn đất nắm lấy tay mình, nụ cười trên khuôn mặt già nhăn nheo vì nỗi khổ, bạn sẽ cảm nhận được ý nghĩa của sự sẻ chia. Khi cho đi một chút, chúng ta sẽ thấy mình giàu có hơn nhiều…
Hết.